Chủ nhân Giải thưởng VinFuture mùa 1 vừa đạt giải Nobel

Bảo Thư 03/10/2023 06:28

Ngày 2/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển đã công bố giải Nobel Y sinh năm 2023 thuộc về hai nhà khoa học Katalin Kariko (nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử người Hungary) và Drew Weissman (nhà khoa học người Mỹ) với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman - Nobel Y sinh năm 2023.

Vào chiều ngày 2/10/2023 (giờ Việt Nam), TS. Katalin Karikó và GS. Drew Weissman – đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021 - đã được trao giải thưởng Nobel Y học năm 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vắc-xin mRNA chống lại COVID-19.

Trước khi Giải Nobel gọi tên TS. Karikó và GS. Weissman, Giải thưởng VinFuture năm 2021 là một trong số ít giải thưởng khoa học công nghệ quy mô toàn cầu đầu tiên tôn vinh công trình nghiên cứu của TS. Karikó và GS. Weissman.

Mặc dù đã được vinh danh bởi nhiều giải thưởng quốc tế lớn, Giải thưởng VinFuture vẫn có vị trí đặc biệt đối với TS. Karikó. Trong một chia sẻ vào cuối tháng 6/2023, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những giải thưởng khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những giải thưởng có uy tín, vì sẽ thu hút sự chú ý không chỉ ở trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Bà Karikó khẳng định rằng, từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế. Những giải thưởng quốc tế như VinFuture không chỉ là nguồn cảm hứng cho những nhà khoa học nội địa mà còn tạo nên sức hút, sự quan tâm từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển mạnh, từ đó mở ra cơ hội cho sự hợp tác và chia sẻ kiến thức, đẩy mạnh tiến trình phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển.

Phát hiện đột phá của hai nhà khoa học đã thay đổi căn bản hiểu biết về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của con người. Hai nhà khoa học cũng đã đóng góp vào nỗ lực phát triển vaccine với tốc độ chưa từng có trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 - một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời hiện đại.

Như vậy, “Tuần lễ Nobel 2023” - sự kiện được thế giới đón đợi hằng năm đã được khai màn với việc công bố chủ nhân Giải thưởng Y Sinh vào khoảng 11h30 sáng ngày 2/10 tại Stockholm (Thụy Điển) - tức là 16h30 cùng ngày, giờ Việt Nam.

Tiếp theo đó, hôm nay, 3/10 sẽ công bố Giải thưởng Nobel Vật lý. Ngày 4/10, giải Hóa học và Văn học ngày 5/10. Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 6/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại Tuần lễ Nobel vào ngày 9/10.

Giải thưởng Nobel do nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel sáng lập ra từ cách đây hơn một thế kỷ. Đây được coi biểu tượng cho đỉnh cao của thành tựu khoa học, tôn vinh những công trình nghiên cứu mang tính đột phá và quá trình thực hiện thường kéo dài trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, với nhiều nhà chuyên môn, giải thưởng danh giá này cần được điều chỉnh để thích ứng với thời đại mới.

Theo ông Martin Rees - nhà vũ trụ học và vật lý học người Anh, đồng thời là cựu Chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia Anh (hiệp hội khoa học lâu đời nhất thế giới), ngoài việc được công chúng biết đến rộng rãi, các giải thưởng Nobel cũng gây ra nhiều tranh cãi gay gắt về việc nhà khoa học nào được chọn và nhà khoa học nào bị loại. Theo quy định do Alfred Nobel đặt ra năm 1895, mỗi giải thưởng chỉ có thể vinh danh tối đa 3 người. Ông Rees cho rằng điều này có thể khiến các thành viên hội đồng Nobel phải đau đầu khi mà trong một dự án có nhiều người thực hiện những công việc khác nhau nhưng có tầm quan trọng như nhau. Tuy nhiên, Hội đồng Nobel lại chỉ chọn ra một số cá nhân nhất định. Đôi khi, những nhà khoa học chủ chốt cũng bị loại ra.

Ông David Pendlebury - người đứng đầu bộ phận phân tích nghiên cứu tại Viện Thông tin khoa học Clarivate, chuyên xác định những cá nhân xứng đáng đoạt giải Nobel bằng cách phân tích mức độ các nhà khoa học trích dẫn nghiên cứu chủ chốt của họ qua nhiều năm - cũng đồng ý "quy tắc ba người" là một hạn chế.

Tuy nhiên, ông Peter Brzezinski - Thư ký Hội đồng Nobel Hóa học cho biết, cơ quan này không có kế hoạch điều chỉnh quy định về số người nhận giải thưởng.

Bảo Thư