Trước và sau khi ‘flex’ như một trào lưu

NGỌC ANH 10/10/2023 10:10

“Flex" trong tiếng Anh, nguyên nghĩa là sự biến chuyển linh hoạt, uốn cong của một phần cơ thể hoặc đồ vật, từ ngữ này thường bắt gặp trong lĩnh vực thể dục thể hình khi nói đến sự phô diễn cơ bắp. Tuy nhiên, sau này nó được nhiều rapper sử dụng, ám chỉ hành động khoe khoang quá đà, gây khó chịu cho người xung quanh.

“Flex” đã thoái trào?

Thời gian gần đây, trào lưu "flex" xuất hiện đậm đặc trên mạng xã hội ở Việt Nam. Và nó thêm một lần thú vị, khi trào lưu "flex" được đa số người Việt sử dụng lại có thêm xu hướng gây cười bằng cách cố tình thể hiện mình đang “flex”, khoe khoang quá đà một cách hài hước.

Trào lưu này đặc biệt nở rộ vào khoảng tháng 3, tháng 4 và kéo dài đến tháng 7. Trên mạng xã hội, nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” được lập vào khoảng tháng 4 đã nhanh chóng đạt mức hơn 1,5 triệu thành viên với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng. Nhóm được nhận định là với sự cố tình làm lố của các thành viên, đã đem đến năng lượng và tiếng cười cho mọi người, hơn là sự khó chịu vì khoe khoang kệch cỡm, như cách người ta nói về flex. Cho nên, có vẻ như "'flex” ra đời là để giễu nhại với chính “flex”.

Tuy nhiên, như mọi trào lưu của mạng xã hội thời buổi này, “flex” cũng nhanh chóng thoái trào. Khoảng cuối tháng 7, người tạo dựng group “Flex đến hơi thở cuối cùng” đã tuyên bố tạm thời dừng hoạt động của nhóm trong 6 tháng đến đầu năm 2024.

Nhưng khoe khoang thì không phải đến khi trào lưu "flex" xuất hiện người ta mới khoe khoang trên thế giới ảo. Mạng xã hội sinh ra là để khoe khoang. Từ khoe quần khoe áo khoe xe khoe nhà đến khoe quan điểm và thái độ sống. Từ đi đâu, làm gì, ăn gì cho đến khoe bảng điểm, khoe họp phụ huynh… Ngay cả giấc mơ trẻ thơ về một ông già Noel như trong cổ tích mỗi năm vào mùa Giáng sinh, cũng sẽ được các mẹ đưa lên mạng khoe quà!

Những cơn “phẫn nộ tập thể” vẫn lặp đi lặp lại mỗi lần có một sự việc xảy ra, trong vô vàn ý kiến đúng đắn, vẫn có những ý kiến chỉ cốt để “flex” bản thân như một thứ trang sức cũng là khoe khoang. Đăng ảnh check-in nơi này nơi kia theo trào lưu kiểu mùa này đường Phan Đình Phùng, mùa kia tuyết rơi Sa Pa thực chất cũng là khoe khoang. Giờ đây làm việc gì mà người ta không chụp ảnh và đưa lên mạng.

Có nghĩa là mỗi ngày chúng ta vẫn đang khoe, mà trong số ấy, rất nhiều khi là “flex” tức khoe khoang quá đà. Chúng ta “flex” ngay cả trước khi có “trào lưu flex” và bây giờ khi “flex” đã hết nổi, thực ra chúng ta vẫn đang “flex” mỗi ngày.

Chuyện nói về “flex” đến đây là hết, nhạt nhẽo và không có gì để nói chăng?

Hiểu rõ tác hại của “flex”

Không, sự quá đà nhiều khi trở thành lố lăng, kệch cỡm. Và với những đứa trẻ mới lớn, trào lưu khoe khoang cuộc sống xa hoa trên mạng xã hội đang có thể đẩy chúng vào con đường sai lầm.

Trong thực tế, cuộc sống của nhiều người không được như trên mạng xã hội, thậm chí với học sinh sinh viên, nhiều em còn đang sống thiếu thốn. Nhưng để “bằng chị bằng em” trên mạng, có nhiều người đã xây dựng cho mình một hình ảnh ảo. Ở đó lung linh một thế giới quần là áo lượt, xiêm y lộng lẫy, ăn chơi hào nhoáng.

Theo các chuyên gia xã hội học, khi cuộc sống thực tế quá thiếu thốn, không được như mong đợi, cũng đẩy nhiều người trẻ đến ý định khỏa lấp kỳ vọng đó bằng cách xây dựng mình thành một con người khác thực tế. Rồi từ cái hình ảnh ảo trên mạng, người ta bắt đầu khát khao được sống một cuộc đời giàu sang. Lên mạng xã hội, thấy bạn bè khoe nhà tiền tỷ, đồ hiệu, không muốn mình thua kém thì sẽ tìm cách để lừa đảo, phạm tội.

Trong một Báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam, năm 2020, của Hội đồng Anh ở Việt Nam, chỉ ra thực trạng ghen tị vì những gì người khác thể hiện trên mạng xã hội. Báo cáo nhận định, mạng xã hội mang đến những thách thức lớn với giới trẻ, đặc biệt là những người xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp.

Không phải ai cũng đủ bản lĩnh để nhìn cuộc sống xúng xính hàng hiệu của người khác một cách bình thản. Cũng không phải ai cũng đủ sự khôn ngoan để phân biệt ngay cả những cuộc sống xa hoa trên mạng được nhiều người chưng ra cũng thực chất chỉ là ảo.

Mới đây xảy ra 2 vụ án gây chấn động dư luận xã hội. Vụ án thứ nhất là một phụ nữ trung niên nhan sắc bình thường chuyên đăng ảnh thiếu nữ trẻ đẹp gợi cảm lên trang cá nhân. Thế mà lừa được đàn ông, mà còn lừa để có người chuyển cho nhiều tỷ đồng.

Vụ thứ hai là vụ án đau lòng khi cô gái làm nghề giúp việc gia đình trở thành nghi phạm bắt cóc và sát hại một đứa trẻ 21 tháng tuổi. Nhìn vào cuộc sống mà cô ta đã trải qua, hành trình mà cô đã thực hiện, có thể phần nào hình dung chính áp lực về một cuộc sống đầy đủ xa hoa…

Đó chỉ là những ví dụ đã nhìn thấy rõ tác hại của “flex” có thể dẫn tới phạm tội. Còn lại, thì sự phô trương quá đà đang khiến cuộc sống của con người hiện đại trở nên mệt mỏi. Hướng tới một cuộc sống cho “bằng chị bằng em” dồn cho cuộc sống một gánh nặng.

Khoe khoang không phải là xấu, việc khoe thành tích lên mạng xã hội là điều bình thường, phù hợp với nhu cầu thể hiện bản thân của con người. Người Việt, nhất là giới trẻ ngày càng giỏi giang thông minh, khoe một chút để truyền năng lượng tích cực tới mọi người là điều tốt. Chia sẻ thành tích thật của bản thân, không vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức, không hạ bệ lẫn nhau và cùng hướng đến niềm vui, tạo sự tích cực nên được khuyến khích.

Nhưng khoe khoang không có nghĩa là dùng nó như một nhu cầu để thỏa mãn thứ mà mình không có trong đời thực. Xu hướng khoe khoang, tô vẽ những hình ảnh về một cuộc sống ảo đã và đang dẫn đến việc người tiếp nhận các thông tin có nguy cơ bị áp lực đồng trang lứa cho rằng bản thân kém cỏi, dẫn đến tự ti. Một số khác nảy sinh ham muốn nên bịa đặt thông tin, tạo ra những hình ảnh ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Flex” cũng tốt, nhưng cái gì quá đà thì cũng không tốt, thậm chí còn gây hại. Trong khi cuộc sống hiện đại đã dồn lên con người đủ thứ áp lực, thì tự chúng ta còn tạo ra áp lực cho chính mình và áp lực lẫn nhau. Vì sao một phụ nữ dùng toàn hình ảnh ảo lại đi lừa được nhiều tiền? Phải chăng vì dần dần chúng ta đã bị một thế giới ảo đánh lừa, thật ảo lẫn lộn và đôi khi sống trong ảo giác.

NGỌC ANH