Thanh Hóa lồng ghép tuyên truyền phòng chống tảo hôn
Theo số liệu từ Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, tỉnh hiện có 11 huyện miền núi với nhiều người dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Mường sinh sống. Do nhiều khu vực biên giới còn nặng quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có nhân lực làm nương rẫy, giữ của cải trong nhà, đặc biệt ở dân tộc Mông, nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại.
Theo đó, tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm giảm thiểu tình trạng này, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính nên chưa có tính răn đe cao. Bởi vậy, giai đoạn 2020 - 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 14.700 cặp kết hôn, trong đó có 325 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân nhân cận huyết thống.
Để giải quyết tình trạng này, đại diện lãnh đạo Ban dân tộc tỉnh cho biết, hiện cơ quan đang thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đẩy lùi tình trạng này tại các xã miền núi”. Thanh Hóa, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện truyền thông, hội thi, giao lưu văn hóa, văn nghệ; tuyên truyền qua pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay...
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tranh thủ sự ảnh hưởng của người có uy tín, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân. Ngoài ra, chính quyền các địa phương địa phương ở 11 huyện miền núi đã xây dựng các mô hình điểm tại trường học về tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức nói chuyện truyền thông cho học sinh tại các trường THPT, trường dân tộc nội trú; tổ chức sinh hoạt định kỳ các câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…