Công tác phòng, chống tham nhũng được cử tri quan tâm

THANH GIANG 03/10/2023 07:30

Ngày 3/10, nhiều tổ đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận 3, nhiều cử tri quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Cử tri nêu ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Ông Lâm Ngọc Mạnh, cử tri phường 12, quận 3 cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cử tri mong muốn, trong thời gian tới công tác này được triển khai quyết liện hơn, triệt để hơn và dứt điểm hơn. Theo ông Mạnh, nhiều vụ án đặc biệt xử lý nhiều cán bộ, song thực chất xử lý chưa triệt để, còn kéo dài. Để giải quyết dứt điểm, cần phải xử lý mối quan hệ và nguyên nhân gây ra tham nhũng, tiêu cực. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không nhẹ trên nặng dưới, xử đúng người đúng tội. “Điều mà cử tri quan tâm hiện nay là, các vụ án vừa và nhỏ giải quyết dứt điểm. Riêng những vụ án lớn liên quan đến cá nhân có chức vụ thì xử lý hành chính như vậy có đúng không?” - ông Mạnh đặt vấn đề.

Về công tác cán bộ, cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm chất lượng cán bộ trong việc thực thi công việc. Cử tri Nguyễn Hữu Châu (phường Võ Thị Sáu, quận 3) chia sẻ, thành phố đang thực hiện khối lượng lớn công việc. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo, phải nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai... Để giải quyết hiệu quả khối lượng lớn công việc, Bí thư Thành ủy yêu cầu, tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng rủi ro, vi phạm, tiêu cực. Công khai, minh bạch để người dân giám sát cán bộ, viên chức. Ông Châu dẫn lời của Bí thư Thành ủy TPHCM về tình trạng cán bộ không thuộc bài, không đúng vai. Thậm chí là tâm lý sợ sệt, lựa chọn việc làm an toàn của đội ngũ cán bộ dẫn đến máy móc, thiếu sáng tạo, ì ạch trong giải quyết hồ sơ hành chính. “Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức bị kỷ luật Đảng vì không xử lý hồ sơ người dân theo diễn tiến bình thường” - ông Châu dẫn chứng thêm.

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Kim Yến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM ghi nhận ý kiến các cử tri nêu ra. Về PCTN, bà Yến cho biết, trong những năm gần đây việc xử lý các vấn đề liên quan đến tham nhũng, các vụ án được các cấp thực hiện khá quyết liệt. Những vụ án mang tính chất rất lớn được đưa vào diện theo dõi của Ban Bí thư và xử lý. TPHCM cũng thành lập Ban chỉ đạo PCTN. Theo bà Yến, việc xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng đang được làm nghiêm và có ảnh hưởng rất tích cực đến dư luận xã hội, cũng như việc thực thi chức trách của đội ngũ cán bộ công chức.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tình trạng cán bộ, công chức không đúng vai, không thuộc bài, né tránh đã được nhắc nhiều trên các diễn đàn Quốc hội. Nguyên nhân của tình trạng này có phần do pháp luật chồng chéo, bất cập, công tác tổ chức, nhận thức cán bộ...

Cùng ngày, tổ đại biểu số 7, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng tiếp xúc cử tri quận Gò Vấp. Tại đây, cử tri thắc mắc về giải quyết hậu quả từ vụ Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Cử tri Bùi Hữu Tuấn (phường 1, quận Gò Vấp) bày tỏ: “Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB. Tuy nhiên, không biết có tính đến giải pháp giải quyết hậu quả mà ngân hàng này gây ra cho các nạn nhân hay không?”. Ông Tuấn bày tỏ mong muốn trong kỳ họp này Quốc hội sẽ đưa ra xem xét. Về vấn đề cử tri Tuấn quan tâm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra. Riêng vấn đề bồi thường là một trong những nội dung cần xem xét theo luật và bàn bạc kỹ. Lý do, nếu Nhà nước bồi thường thì số tiền đó cũng là tiền thuế của người dân. Vì vậy, trường hợp 100 người đóng thuế để đền bù cho một số người thì có được đồng thuận hay không? “Nhưng chắc chắn Nhà nước không buông trôi vấn đề này và đặt mục tiêu thu hồi tiền để trả lại cho người bị hại” - bà Lan nói.

THANH GIANG