Bờ sông Mã đang bị 'ăn mòn'
Nhiều năm qua, do tình trạng khai thác cát (có phép và trái phép), cộng với mưa lớn và thủy điện xả lũ đã khiến bờ sông Mã, đoạn qua các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng.
Người dân lo lắng
Tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, sau đợt mưa lớn từ ngày 25-28/9 vừa qua, nước sông Mã đã dâng cao, cách mặt bờ khoảng 3m. Có mặt tại thôn Sành, chúng tôi thấy bờ sông đang sạt lở với chiều dài gần 100m, kéo theo cây cối trôi tuột xuống nước. Theo thông tin từ lãnh đạo UBND xã Cẩm Ngọc, việc bờ sông sạt lở đã khiến 8 hộ dân có đất canh tác tại khu vực này bị mất đất sản xuất.
Cách đó không xa là bãi bồi thuộc thôn Kìm, nơi có đất canh tác của 16 hộ dân. Khoảng 2 năm về trước, bờ sông tại khu vực này bị ăn sâu vào đất liền khoảng gần 5m. Hiện nay, khu vực này vẫn đang xảy ra sạt lở. Bà Bùi Thị Trọng (57 tuổi), trú xã Cẩm Ngọc cho biết: Gia đình được xã giao thầu 2 sào đất ở bãi bồi làng Kìm để trồng hoa màu nhưng chỉ trong vòng 3 năm qua, gần 1 sào đất đã trôi tuột xuống sông.
Còn tại thôn Yên Duyệt, xã Cẩm Yên, nơi có nhiều điểm sạt lở với tổng chiều dài 700m, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của Trường mầm non xã và 7 hộ dân gần đó. Ông Nguyễn Ngọc Hương (hộ dân sống trong vùng bị sạt lở) cho biết: Trong khoảng 2 năm trở lại đây, cứ mỗi lần có mưa lớn hoặc thủy điện xả lũ là nước lại dâng cao, đe dọa đến tài sản và tính mạng của gia đình.
Xuôi dòng sông Mã xuống xã Cẩm Vân, nơi đây có 7km đường ven sông, từng là địa phương bị sạt lở nặng nhất tại các thôn Quan Bằng, Quan Phác, Vân Trai, Tường Yên. Theo người dân địa phương, từ năm 2012 đến nay, do hoạt động khai thác của mỏ cát số 45, 46 (đã dừng khai thác cuối năm 2022) và 47, cộng với mưa lớn và thủy điện xả lũ nên toàn xã đã bị sạt mất hơn 12 ha đất bãi bồi, bờ sông ăn sâu vào đất liền từ 30-40m, các vách đất dựng cao từ 3-5m. Ghi nhận của chúng tôi tại khu vực thôn Quan Phác xảy ra một điểm sạt lở mới với chiều dài trên 10m.
Tại huyện Vĩnh Lộc, bờ sông đoạn qua xã Vĩnh Hòa hiện đang có một cung sạt lở dài hơn 600m, ăn sâu vào bờ từ 30-50m, đi qua 2 thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ. Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh Hòa, tình trạng sạt lở diễn ra từ năm 2018, gia tăng nhanh từ đầu tháng 8/2023. Qua kiểm tra, đã xác định có hơn 20 hộ dân bị mất đất 12.000m2 đất canh tác và việc sạt lở đang gây ảnh hưởng tới 32 hộ dân với 128 nhân khẩu sống gần khu vực này.
Hàn lại “vết thương” cho bờ sông
Ông Trịnh Huy Tuyến - Trưởng thôn Nghĩa Kỳ cho biết: Ngoài việc mưa lớn và thủy điện xả lũ, nguyên nhân khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng là do tình trạng hút cát rầm rộ, hút sâu vào lòng sông Mã khiến bãi bồi bị mất chân, sau đó, đất và cát cứ lở ào ào và trôi theo dòng nước. Cùng ý kiến với ông Tuyến, ông Phạm Duy Kỳ - người dân thôn Quan Phác (xã Cẩm Vân) và bà Bùi Thị Trọng – người dân thôn Kìm (xã Cẩm Ngọc), cùng huyện Cẩm Thủy cũng đều cho rằng: Việc hút cát là nguyên nhân chính khiến bờ sông các địa phương bị sạt lở.
Để ứng phó với thực trạng sạt lở bờ sông, một số địa phương đã áp dụng biện pháp chăng dây, lắp biển cảnh báo cấm người qua lại, biển báo cấm khai thác cát gần bờ, chèn bao đất, đóng cọc tre để gia cố bờ sông...
Cùng với đó, các địa phương cũng đã gửi báo cáo lên cơ quan cấp trên để xin kinh phí xây kè, bảo vệ bờ sông. Cụ thể là ngày 15/8 vừa qua, UBND huyện Vĩnh Lộc đã có tờ trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin hỗ trợ 28,5 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp sạt lở bờ tả sông Mã. Ngày 27/9, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra khu vực sạt lở tại xã Vĩnh Hòa, và chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Lộc khẩn trương phối hợp với các ngành của tỉnh, nhanh chóng đề xuất phương án xử lý khoa học, phù hợp để triển khai phòng chống sạt lở, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho nhân dân.