Hàng triệu người mắc suy tim cần được điều trị

Đức Trân 04/10/2023 07:10

Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong. Hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Thăm khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh suy tim. Ảnh: Bệnh viện K.

Thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10 - 20%. 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân thì hiện nay đã tăng trung bình 15%/năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ghi nhận số lượng bệnh nhân trẻ từ 25 - 40 tuổi đến khám, điều trị ngày càng tăng và có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não… thì nay đã xuất hiện ở những người 30 - 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Đáng lưu ý, có đến 44,3% người 25 - 74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.

Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

Trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến do lối sống công nghiệp hóa khiến con người ít vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Ngoài ra, suy tim cũng là một trong những bệnh lý có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sau đại dịch Covid-19, các bệnh nhân mắc Covid-19 có khả năng tăng nguy cơ mắc suy tim lên đến 72%.

Theo PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, suy tim là một hội chứng hậu quả của rất nhiều nguyên nhân, dẫn đến tim không thể đẩy máu đi được hoặc là tim không thể chứa máu được (rối loạn đổ đầy). “Trong những năm gần đây, nếu tính theo tần số của châu Âu thì hiện nay Việt Nam có hàng triệu người bị suy tim đang cần điều trị”- ông Vinh nói.

Chuyên gia cho hay, gánh nặng suy tim lên nền kinh tế toàn cầu đang ước tính khoảng 346,17 tỷ USD. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân suy tim tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) là 5 đến 12 ngày và có tới 15% bệnh nhân tái nhập viện trong vòng 30 ngày.

“Suy tim có 4 giai đoạn, nếu để đến giai đoạn cuối phải ghép tim, thay tim thì chi phí vô cùng tốn kém. Một người suy tim nặng, một năm có thể nhập viện đến 2 – 3 lần. Nếu phải vào phòng hồi sức cấp cứu, mỗi ngày có thể tiêu tốn 10 – 20 triệu đồng. Nguy hiểm là vậy, nhưng nhận thức về suy tim của bệnh nhân và bác sĩ vẫn còn hạn chế về các dấu hiệu và triệu chứng của suy tim. Đồng thời, thiếu những trung tâm chăm sóc, theo dõi bệnh nhân sau khi xuất viện hoặc khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các dịch vụ phục hồi chức năng tim mạch…” - PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh cho biết.

Suy tim nói riêng và các bệnh tim mạch nói chung có thể phòng ngừa được nếu có thể kiểm soát và khắc phục các yếu tố nguy cơ. Để phòng ngừa suy tim nói riêng và các bệnh tim mạch, nên có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng. Theo đó, nên tăng cường ăn rau và cá, giảm ăn muối, đồ ngọt, dầu mỡ; không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia. Vận động thể lực mỗi ngày ít nhất 30 phút. Đồng thời, cần thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra huyết áp, cholesterol và glucose thường xuyên.

Đức Trân