Bàn giải pháp nâng cao chất lượng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
Ngày 4/10, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong giai đoạn hiện nay". Dự và chủ trì Hội nghị có bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Giám sát trực tiếp của nhân dân được phát huy
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thời gian qua nhiều văn kiện của Đảng đã đề cập đến quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền. Việc kiểm soát quyền lực Nhà nước có kiểm soát từ bên trong bộ máy Nhà nước và kiểm soát quyền lực từ bên ngoài, trong đó kiểm soát quyền lực từ bên ngoài không thể thiếu chủ thể là nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến quyền giám sát của nhân dân như Luật Thanh tra; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (nay là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở); Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Đây là tiền đề quan trọng để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, một trong những hình thức giám sát cơ bản của MTTQ Việt Nam là giám sát thông qua hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Trong thời gian qua, hình thức giám sát này đã được triển khai rộng rãi, phổ biến, thường xuyên và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên thực tế, góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò giám sát trực tiếp của nhân dân, góp phần ổn định xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, thực hiện có hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.
"Để phát huy hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam nói chung và hình thức giám sát thông qua Ban GSĐTCCĐ nói riêng cần có sự đánh giá tổng thể về thực trạng và nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra các giải pháp khả thi nâng cao chất lượng Ban GSĐTCCĐ đáp ứng yêu cầu tình hình mới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam. Việc nghiên cứu, đánh giá về tổ chức hoạt động của Ban GSĐTCCĐ là nhiệm vụ quan trọng, có tính cấp thiết", Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh gợi mở.
Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học tích cực thảo luận, góp ý trực tiếp vào các nội dung đề dẫn của Hội thảo, trong đó tập trung đánh giá thực trạng, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ trong thực tế hiện nay tại cơ sở, đề xuất các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng hoạt động của Ban GSĐTCCĐ.
Lựa chọn thành viên Ban GSĐTCCĐ có uy tín, kinh nghiệm
Nêu ý kiến tại Hội thảo, ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị cần đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ủy ban MTTQ các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về vai trò chủ thể nhân dân giám sát đầu tư thông qua Ban GSĐTCCĐ ở xã, phường, thị trấn.
Theo ông Thường, để nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của Ủy ban MTTQ cấp xã và chất lượng các thành viên của Ban GSĐTCCĐ. Cán bộ Mặt trận cấp xã và các thành viên Ban GSĐTCCĐ cần nhận thức sâu sắc quyền và trách nhiệm trước nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nâng cao bản lĩnh chính trị "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm" để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ở góc độ khác, ông Phạm Ngọc Thảo - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, cấp ủy đảng cần quan tâm phối hợp với MTTQ giúp về chuẩn bị nhân sự, lãnh đạo chính quyền xã thôn, tổ dân phố lựa chọn, giới thiệu họp nhân dân để bầu đủ, bầu đúng người vào Ban GSĐTCCĐ, đưa hoạt động của Ban GSĐTCCĐ vào hoạt động của HĐND, UBND cấp xã, tạo điều kiện để Ban hoạt động hiệu quả.
"Các cơ quan Trung ương, thành phố,... cùng các chủ đầu tư cần thực sự ý thức được trách nhiệm của mình, phối hợp tốt với chính quyền, MTTQ cấp xã khi triển khai các dự án tại cơ sở thì phải liên hệ với MTTQ các địa phương và Ban GSĐTCCĐ, cung cấp đầy đủ thông tin về dự án, phối hợp thực hiện với Ban GSĐTCCĐ trong quá trình thực hiện dự án, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban GSĐTCCĐ liên quan đến thực hiện dự án. Đây là điểm quan trọng cần khắc phục, đổi mới", ông Thảo đề xuất.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của Ban GSĐTCCĐ tại địa phương, ông Hoàng Như Huyên - đại diện Ủy ban MTTQ phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ năm 2018 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Cửa Nam đã ban hành quyết định thành lập 12 Ban GSĐTCCĐ. Khi phát hiện có vi phạm trong quá trình giám sát các dự án trên địa bàn phường, Ban GSĐTCCĐ đã kịp thời phản ánh với lãnh đạo chính quyền phường cho dừng thi công, dỡ bỏ những đoạn đã làm sai và thi công lại đúng với yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế.
"Trong giai đoạn hiện nay, tổ chức và hoạt động của Ban GSĐTCCĐ nên có những điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế cho thấy các dự án được chủ đầu tư thông báo cho UBND phường thường sát ngày triển khai thi công. Quy định Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường xây dựng kế hoạch giám sát đầu tư của cộng đồng và thông báo cho chủ đầu tư trước 45 ngày là chưa phù hợp, cần sửa đổi điểm này để đảm bảo tính khả thi", ông Huyên nói.
Bà Đỗ Cẩm Thục, đại diện Ủy ban MTTQ phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hoạt động của Ban GSĐTCCĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thi công các dự án. Tuy nhiên hoạt động của Ban GSĐTCCĐ vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như các thành viên Ban GSĐTCCĐ hầu hết tuổi đã cao, nhiệm vụ chuyên môn đôi khi còn hạn chế. Do đó, công tác lựa chọn các thành viên Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở cần đảm bảo về sự uy tín, có kinh nghiệm, am hiểu về chuyên môn và biện pháp xử lý tình huống thực tế. Đồng thời các thành viên Ban GSĐTCCĐ cần được tập huấn và cung cấp đủ tài liệu hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ chuyên môn về giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động Ban GSĐTCCĐ trong giai đoạn hiện nay" đã góp phần làm rõ hơn những cơ sở lý luận, đánh giá đầy đủ về thực trạng, tổ chức hoạt động của Ban GSĐTCCĐ và đưa ra giải pháp chuyên sâu, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng Ban GSĐTCCĐ, đáp ứng yêu cầu giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, sau Hội thảo, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo các ban chuyên môn nghiên cứu các nội dung, xây dựng hướng dẫn, ban hành văn bản trên cơ sở những kiến nghị, đề xuất sâu sắc của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn, tổng hợp thành những giải pháp cho hệ thống MTTQ các cấp trên cả nước về hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng, qua đó phát huy được vai trò trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong việc làm nòng cốt, chỗ dựa giúp nhân dân thực sự phát huy được quyền làm chủ.