Kinh tế

Hỗ trợ vay vốn giúp đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó, thoát nghèo

Thu Trang 06/12/2023 16:39

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ đã giúp cho các hộ nghèo nói chung và hộ nghèo người DTTS nói riêng thoát nghèo, phát triển bền vững.

Chính sách tín dụng đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, các doanh nghiệp, hợp tác xã...thoát nghèo, phát triển bền vững. Ảnh: Thu Trang
Chính sách tín dụng đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo, chuyển đổi cây trồng, phát triển bền vững. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, 5 chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và mỗi chính sách cũng được quy định cụ thể về đối tượng cho vay, điều kiện vay vốn, mục đích sử dụng vốn vay, mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi xuất cho vay để các địa phương triển khai thực hiện.

Huyện miền núi Sơn Động đổi thay từng ngày (Ảnh: Xuân Thỏa).
Huyện miền núi Sơn Động (Bắc Giang) đổi thay từng ngày (Ảnh: Xuân Thỏa).

Đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định trong từng thời kỳ, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định tại nghị định. Địa bàn thực hiện cấp xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong từng thời kỳ.

Theo thống kê, từ năm 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã giải ngân số tiền 7.295 triệu đồng, hỗ trợ làm nhà ở cho 58 hộ với số tiền 2.320 triệu đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 53 hộ với số tiền 4.975 triệu đồng. Riêng năm 2023 giải ngân cho 41 hộ chuyển đổi nghề với số tiền 3.900 triệu đồng.

Gia đình ông Mã Văn Muộn, ở tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang chỉ có hơn mẫu ruộng và 2 ha trồng keo. Mỗi năm thu được tấn thóc, chỉ đủ ăn và trả tiền phân bón giống má. 2ha đất đồi rừng trồng keo, 5 năm mới cho thu hoạch một lần được tầm 50 triệu nên gia đình ông bao năm qua vẫn là hộ nghèo. Năm 2021, về quê ở Lạng Sơn, thấy họ hàng nuôi ngựa bạch đem lại nguồn kinh tế ổn định, ông Muốn quyết định đầu tư vào chăn nuôi ngựa. Năm 2022, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng, mua 2 con ngựa cái sinh sản. Theo tính toán của ông Muộn, mỗi năm, thông đồng bén giọt có ngựa con, nuôi 6 tháng bán được 50 triệu đồng, món nợ 100 triệu đồng trong 4 năm sẽ sớm trả được. Trước mắt, năm tới, bán ngựa con, ông sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại để lấy chỗ chăn nuôi. Hiện tại, ông Muộn cũng trồng thêm ngô, chuối để lấy thức ăn cho ngựa.

Anh Hoàng Văn Chính, dân tộc Cao Lan, thôn Trại Răng, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động cho hay: Gia đình anh là hộ nghèo, năm 2022 gia đình anh được vay số tiền 100 triệu. Với số vốn vay, gia đình anh đã đầu tư trồng vải thiều, táo với diện tích gần 0.5ha. Sau 1 năm trồng, đến nay vườn táo nhà anh bắt đầu cho ra hoa và cuối năm nay sẽ thu hoạch, vườn vải cho thu hoạch vào năm tới.

Anh Hoàng Văn Chính được vay vốn chuyển đổi nghề, anh đã đầu tư trồng vải thiều, táo. Ảnh: Thu trang.
Anh Hoàng Văn Chính được vay vốn chuyển đổi nghề, anh đã đầu tư trồng vải thiều, táo. Ảnh: Thu Trang.

Bên cạnh đó anh được tham dự các lớp tập huấn của tỉnh, huyện, xã hướng dẫn kỹ thuật trồng cây vải, táo; lần đầu trồng anh còn bỡ ngỡ và được cán bộ xã xuống tận nơi hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Anh tin tưởng với số tiền được vay hỗ trợ chuyển đổi nghề, gia đình anh sẽ thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Gia đình anh Bùi Văn Hòa, thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động được vay số tiền 100 triệu đồng, thời hạn 5 năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ chuyển đổi nghề. Sau khi nghiên cứu gia đình anh quyết định dùng số tiền được vay để phát triển vườn cây táo của gia đình và mua phân bón chăm sóc cây. Đến nay đã có một số cây được thu hoạch giúp gia đình tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế. Anh cũng được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây táo. Theo tính toán của anh với việc trồng, chăm sóc vườn táo theo tiêu chuẩn, đầu ra ổn định, món nợ 100 triệu đồng sẽ được trả trong vòng 3 năm, anh Hòa cho biết.

Anh Bùi Văn Hòa đang chăm sóc vườn táo của gia đình. Ảnh: Thu Trang
Anh Bùi Văn Hòa đang chăm sóc vườn táo của gia đình. Ảnh: Thu Trang
Vườn táo của gia đình anh Bùi Văn Hòa. Ảnh: Thu Trang
Vườn táo của gia đình anh Bùi Văn Hòa. Ảnh: Thu Trang

Ông Lê Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động chia sẻ: Chính sách hỗ trợ cho vay vốn chuyển đổi nghề đã giúp bà con nhân dân thay đổi nhận thức và có cơ hội tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Thời gian tới xã sẽ lựa chọn các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thể nhân rộng cho người dân học hỏi, thực hiện theo, đồng thời tích cực vận động người dân đầu tư sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi nghề đã giúp cải thiện, nâng cao đời sống, mạnh dạn hơn trong cách nghĩ, cách làm từng bước đời sống được cải thiện, góp phần giảm nghèo bền vững.

Thu Trang