Điện ảnh Việt Nam: Vì sao khó vươn xa?
Điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam hiện nay mới chỉ làm được những việc nhỏ, trong phạm vi vừa phải, chưa thực sự bứt phá.
Những nốt trầm của phim Việt
Trong 10 năm gần đây, thị trường điện ảnh ở Việt Nam được coi là tăng trưởng nóng. Theo số liệu thống kê của Công ty CGV, sau 10 năm số lượng phòng chiếu phim năm 2019 tăng gấp hơn 12 lần so với năm 2009; doanh thu chiếu phim năm 2019 so với năm 2000 tăng hơn 86 lần. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cảnh thì sự phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập ngoại (chiếm khoảng 70% tổng doanh số).
Do không có hạn ngạch giới hạn phim nhập, phim nước ngoài áp đảo phim sản xuất trong nước về tỷ lệ phim ra rạp, trung bình mỗi năm có khoảng 40 phim Việt Nam ra đời, trong khi phim nhập ngoại là 200. Không chỉ thất thế trên sân nhà mà các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam cũng rất ít xuất hiện trong mạng lưới phát hành ở nước ngoài, hầu như chỉ được biết đến qua một số liên hoan phim quốc tế và khu vực, các tuần phim, tuần văn hóa…
Bên cạnh đó, một số phim được cho là nghệ thuật của các đạo diễn trẻ được trao giải đây đó tại liên hoan phim quốc tế nhưng lại gặp nhiều vướng mắc với cơ quan quản lý. Đơn cử như trường hợp phim “Ròm” được giải cao tại Liên hoan Phim quốc tế Busan song lại bị phạt và gây xôn xao dư luận trong năm 2019, hay phim “Vị” được giải tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin 2021 nhưng sau đó không được phổ biến.
Nhìn nhận về thực trạng này, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, nguyên nhân là do chúng ta cũng chưa có những bộ phim xuất sắc có thể chinh phục thế giới mà một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Iran... đã làm được. Nhưng cũng có một nguyên nhân sâu xa là chưa có sự quan tâm thích đáng từ Nhà nước để phát huy thế mạnh của điện ảnh, coi đây là một kênh hữu hiệu quảng để bá hình ảnh đất nước. Các chương trình lớn ở nước ngoài của Bộ VHTTDL thường tập trung vào ca múa nhạc, chương trình phim, nếu có, cũng chỉ như “gia vị”.
Cũng theo bà Lan, một số bộ phim Việt Nam bán được cho nước ngoài, được chiếu ở rạp hoặc trên truyền hình và các nền tảng số hầu hết là của các hãng phim tư nhân sản xuất, hạn hữu mới có phim Nhà nước đặt hàng. Có lẽ một phần do phim đặt hàng của Nhà nước chưa đạt được sức hấp dẫn, chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng một phần còn do cách quảng bá, tiếp thị các phim này rất yếu, hầu như... bằng không! “Thị trường điện ảnh Việt Nam, tuy được coi là một thị trường phát triển “nóng” nhưng thiếu tính bền vững và cạnh tranh chưa lành mạnh” - bà Lan bày tỏ.
Gắn kết điện ảnh với du lịch
Có thể nói, việc đưa các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam “xuất ngoại” vẫn đang là một hành trình đầy gian nan. Giới chuyên gia đánh giá, với một ngành nghệ thuật có tính mở như điện ảnh, việc huy động mọi lực lượng cả trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển thị trường cần có một tư duy, một tầm nhìn chiến lược trong dài hạn.
Để huy động, tập hợp được lực lượng sản xuất gồm các nhà đầu tư, đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật viên… đến từ các nguồn khác nhau, bên cạnh Luật Điện ảnh, các thông tư, nghị định rất cần một sự điều tiết đến từ các cấp quản lý ngành, các hiệp hội, các hãng phim cũng như các luật liên quan về thuế, xuất nhập khẩu thiết bị… để cùng mở ra một môi trường làm nghề năng động, thông thoáng, chuyên nghiệp và phù hợp cho điện ảnh Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Một thực tế đang đặt ra là lực lượng làm phim khá tản mát. Theo ước tính, nếu có cùng lúc 4-5 dự án khởi quay thì sẽ thiếu hụt trầm trọng về nguồn nhân lực chất lượng cao tại tất cả các khâu, các thành phần, lĩnh vực trong quy trình sản xuất một bộ phim.
Thực tế cho thấy, điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, xúc tiến hình ảnh quốc gia, thúc đẩy du khách cả trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khám phá đất nước và con người, góp phần tăng trưởng du lịch, qua đó, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước. Minh chứng rõ nhất là nhiều bộ phim điện ảnh của Việt Nam thời gian qua đã gây được hiệu ứng khi tạo ra những xu hướng dịch chuyển của khách đến với những địa điểm quay phim như là những tour du lịch trải nghiệm văn hóa. Nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan. Đơn cử như vùng cao nguyên đá Hà Giang trong “Chuyện của Pao”; vùng đất Ninh Bình đẹp nên thơ trong “Thiên mệnh anh hùng”; Cố đô Huế thâm trầm trong “Trăng nơi đáy giếng”, “Mắt biếc”, “Gái già lắm chiêu”...; Hội An trầm mặc cổ kính trong “Ngọc Viễn Đông”, “Áo lụa Hà Đông”...; miền Tây hào sảng trong “Đất phương Nam”, “Cánh đồng bất tận”, “Tro tàn rực rỡ”... hay mùa nước nổi độc đáo Nam Bộ trong “Mùa len trâu”...
Song, để điện ảnh Việt Nam có cơ hội khẳng định mình, TS Ngô Phương Lan cho rằng, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh đưa phim Việt Nam phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim cùng việc phát triển các sản phẩm “ăn theo” phim như nhiều nước đã làm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế nên gắn điện ảnh vào mọi hoạt động hợp tác khác trong lĩnh vực văn hoá, kinh tế, ngoại giao... Điều này vừa thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh nước nhà, vừa tạo cơ hội để đưa hình ảnh Việt Nam vươn cao và vươn xa hơn ra thế giới.
PGS. TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh: Cần liên kết với các mô hình hoạt động điện ảnh xã hội hóa, đào tạo tốt gắn với sử dụng tốt; xây dựng cơ sở đào tạo điện ảnh như một trung tâm đào tạo dịch vụ điện ảnh, để không chỉ đào tạo mà còn chủ động tiến hành các hoạt động kinh doanh điện ảnh; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài, trước tiên với các nước trong khu vực châu Á, với các nước có nền điện ảnh phát triển (như Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Australia...).