Ngăn chặn tội phạm rửa tiền

H.Hương 05/10/2023 06:31

Công nghệ chuỗi khối (blockchain) phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính nhưng cũng đặt ra thách thức mới trong việc phòng, chống tội phạm rửa tiền.

Người dùng dễ dàng tìm thấy đồng tiền số Bitcoin trên các trang web. Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance. Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 đến 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.

Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain. Còn tại Việt Nam, mặc dù Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa). “Giám sát tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” - ông Hùng khuyến nghị.

Theo giới chuyên gia, tiền mã hóa “hấp dẫn” tội phạm rửa tiền nhờ tính chất ẩn danh, giao dịch tức thì xuyên biên giới và thiếu quy định đồng bộ. Chính sự thiếu đồng bộ khiến việc xác định và xử lý hành vi rửa tiền xuyên biên giới trở nên khó khăn. Chẳng hạn, tội phạm rửa tiền chuyển tiền mã hóa từ Liên minh châu Âu (EU) có cơ sở xác định hành vi phạm tội nhưng khi chuyển khoản tiền này vào thị trường Việt Nam thì sẽ khó xác minh hành vi phạm tội do Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2023, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Thông tư quy định, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế có từ 1.000 USD thì các ngân hàng phải báo cáo.

Tuy nhiên, nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…; Cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động "cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo" vào Luật Phòng, chống rửa tiền

“Phải nhận dạng được một loạt giao dịch đối ứng qua tài khoản cá nhân, thanh toán qua hệ thống Napas, qua hệ thống online banking, từ đó lọc ra và kết hợp với việc đối chiếu danh sách để dịch chuyển đến các sàn giao dịch tập trung. Từ đó nhận diện và ngăn chặn tội phạm rử tiền” - đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam nêu ý kiến.

H.Hương