Không tự ý điều trị đau mắt đỏ
Dịch đau mắt đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thời gian qua, các cơ sở y tế ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này do người bệnh tự ý điều trị.
Tại Hà Nội, thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, hàng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám. Trung bình 100 bệnh nhân khám, có khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ.
PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Kết - Giác mạc (Bệnh viện Mắt trung ương) đánh giá: Hàng năm khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp. Năm nay dịch nặng và kéo dài hơn, hiện đã là mùa thu nhưng dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng nói, năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ.
Thông tin về tình hình khám chữa bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội cũng cho hay, trong tháng 9 đã tiếp nhận 1.498 trường hợp đau mắt đỏ, tăng khoảng 20% so với tháng 8 và tăng gần gấp đôi so với số ca mắc trong tháng 6. Trong đó, khoảng 20% số ca đến khám có chỉ định điều trị nội trú do có biến chứng nặng.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu - Chủ tịch CLB Giác mạc, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng nhận định: Bệnh đau mắt đỏ năm nay diễn biến phức tạp hơn hẳn mọi năm. Bên cạnh đó, tình trạng đau mắt đỏ có giả mạc nhiều hơn. Nếu như các năm trước, đau mắt đỏ có giả mạc xuất hiện chủ yếu ở trẻ em thì năm nay người lớn cũng bị nhiều. Người bệnh bị đau mắt đỏ khi phản ứng viêm rất mạnh, mi mắt sẽ sưng nề và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc. Đau mắt đỏ có giả mạc khiến mắt của người bệnh sưng rất nặng và kéo dài do giả mạc bám vào mặt sau mi mắt, làm cho thuốc tra không ngấm vào được, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Bệnh viện E thông tin về một ca bệnh điển hình bị đau mắt đỏ biến chứng do không thăm khám mà tự ý điều trị. Theo lời kể của bệnh nhân N.M.N. (20 tuổi, Hà Nội), cách đây 1 tuần thấy mắt ngứa, đỏ, cộm, nên nghĩ mình bị đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự mua thuốc uống và nhỏ về dùng liên tục trong 6 ngày, song tình trạng đau mắt không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Tới ngày thứ 6, bệnh nhân không còn nhìn thấy nữa mới hoảng loạn gọi người nhà đưa vào viện thăm khám.
Theo BS Nguyễn Duy Bích - khoa Mắt (Bệnh viện E), bệnh nhân đến viện muộn, chẩn đoán bị loét giác mạc nghi do nấm và mủ tiền phòng. Hiện bệnh nhân đang được điều trị chuyên khoa theo phác đồ và tư vấn của bác sĩ để lấy lại thị lực. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mắc bệnh do chủ quan, tự ý điều trị dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Chuyên gia nêu thực trạng, hiện nay, rất nhiều người còn chủ quan trong điều trị đau mắt đỏ, không cần biết nguyên nhân đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh về nhỏ và điều trị. Điều này rất nguy hiểm, gây nhiều tác dụng phụ, biến chứng, thậm chí là mù lòa. Một số trường hợp khác, thường dùng mẹo để chữa đau mắt đỏ, khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm.
Các bác sĩ nhấn mạnh, điều trị bệnh đau mắt đỏ không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh.
Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể như tình trạng viêm quá mức. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc này phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài…
Khi mắt có giả mạc thì nhất thiết phải được làm thủ thuật bóc giả mạc, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc. Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác. Nhiều khi phải bóc giả mạc tới vài lần mới khỏi viêm kết mạc. Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.
BS Nguyễn Thị Thanh - Phụ trách khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Hà Nội) cho hay, nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân bị đau mắt đỏ tới viện trong tình trạng bệnh trở nặng là do tự ý điều trị, dùng thuốc khi chưa có sự thăm khám, đặc biệt là tự ý sử dụng những thuốc nhỏ mắt có corticoid; không tuân thủ phác đồ điều trị; có những thói quen như dụi mắt, nhỏ thuốc khi chưa vệ sinh tay…