Tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Chiều 5/10, Bộ Tài chính họp báo về công tác tài chính quý , nhiều vấn đề liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được đặt ra.
Thời gian qua, có nhiều ý kiến trái chiều về việc BIDV Long Biên đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Theo thông tin Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đưa ra, công ty đã có công văn về việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà. Công ty này khẳng định việc làm này là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).
Nhiều quan điểm chuyên gia cũng khẳng định Quỹ Bình ổn xăng dầu là loại quỹ được Luật Giá cho phép thành lập trên cơ sở trích từ giá mua xăng dầu của tổ chức, cá nhân sử dụng xăng dầu phục vụ cho mục tiêu bình ổn giá.
Quỹ Bình ổn giá không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước nhưng nó là một loại quỹ tài chính quốc gia do Nhà nước quản lý, điều hành đặt tại doanh nghiệp kinh doanh, giao cho doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chỉ thực hiện chỉ khi có chỉ đạo của Bộ Công thương, Bộ Tài chính.
Tại cuộc họp báo Bộ Tài chính quý III, Bộ Tài chính đã có chia sẻ về câu chuyện ngân hàng tự cấn nợ từ quỹ bình ổn giá xăng dầu này.
Ông Phạm Văn Bình - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Đối với trường hợp Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà), theo ông Bình, thương nhân đầu mối Hải Hà đã thực hiện việc báo cáo số tài khoản về Bộ Công Thương. Hàng tháng có báo cáo về trích chi số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho cơ quan điều hành.
Về việc BIDV Long Biên đã tự động cấn trừ 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của thương nhân Hải Hà, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước phối hợp chỉ đạo và giải quyết vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, tình hình trích lập, hình thành, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được triển khai đầy đủ khuôn khổ pháp lý… Tuy nhiên, diễn biến của tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng đặt ra cho cơ quan quản lý làm sao phải làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn việc sử dụng quỹ này.
“Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý giá phối hợp với các đơn vị liên quan để có thể rà soát, xem xét các quy định hiện hành, diễn biến trên thực tế để đề xuất cấp có thẩm quyền để bổ sung, chỉnh sửa quy định Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp trên tình thần chặt chẽ, đúng mục đích và minh bạch.” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Riêng về thị trường trái phiếu, dữ liệu Bộ Tài chính cung cấp cho biết, hiện nay thị trường có 455 mã trái phiếu (cả TPDN và TPCP) niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước; bình quân 9 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.
Tính đến ngày 15/9/2023, có 51 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng (giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% (56,9 nghìn tỷ đồng); 53,7% khối lượng trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 168,9 nghìn tỷ đồng (gấp 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2022). Cơ cấu nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%).
Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có hiệu lực thi hành (từ ngày 05/3/2023), khối lượng phát hành là 122,1 nghìn tỷ đồng.