Hàng xuất khẩu đối diện phòng vệ thương mại
Các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao trở thành đối tượng bị một số quốc gia tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) bao gồm kim loại và các sản phẩm kim loại (các sản phẩm thép, các sản phẩm nhôm, các sản phẩm đồng), ngành cao su và chất dẻo, ngành hóa chất, ngành vật liệu xây dựng, ngành gỗ.
Thép, sợi thường xuyên bị điều tra
Đầu tháng 9 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thông tin, sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam tiếp tục bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế lên tới 220,68%. Ngoài ra, sản phẩm này cũng đang bị áp thuế chống trợ cấp với mức thuế là 31,58%.
Thống kê của Cục PVTM, đến hết tháng 9/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia ... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD. Trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra.
Lý do chính khiến các vụ kiện PVTM “nhắm” vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng trưởng nhanh trong thời gian vừa qua nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định Hiệp định thương mại (FTA). Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
Đáng chú ý, gần đây, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp PVTM (như thép, nhôm...).
Theo Cục PVTM, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ cao trở thành đối tượng bị một số quốc gia tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM thời gian tới bao gồm kim loại và các sản phẩm kim loại (như các sản phẩm thép, các sản phẩm nhôm, các sản phẩm đồng), ngành cao su và chất dẻo, ngành hóa chất, ngành vật liệu xây dựng, ngành gỗ.
“Đây là những ngành hàng trong thời gian qua có sự tăng trưởng nhanh và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu nên dễ dẫn đến phát sinh các vụ việc điều tra PVTM”- đại diện Cục PVTM cho biết.
Doanh nghiệp lưu ý gì?
Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân lớn nhất của việc gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM là xu thế bảo hộ thương mại, còn có các nguyên nhân khác như DN thiếu kiến thức về pháp luật PVTM , thiếu thông tin về các vụ việc PVTM đang áp dụng, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt…
Bên cạnh đó, có thể có một số DN cá biệt lợi dụng chính sách đầu tư, chính sách thuận lợi hóa thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu để thực hiện các hành vi gian lận thương mại.
Do đó, cơ quan quản lý cần có các biện pháp tổng thể và lâu dài để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển đề xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba…
Trong khi đó ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý: “Khi các DN Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cần đặc biệt chú ý vấn đề xuất xứ hàng hóa, xuất xứ nguồn nguyên liệu; cần chủ động nghiên cứu, đánh giá rủi ro, theo dõi các cảnh báo về khả năng điều tra PVTM do cơ quan hữu quan của Việt Nam, đặc biệt là Cục PVTM của Bộ Công thương đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ. Qua đó, góp phần giúp việc xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ được ổn định, bền vững và hỗ trợ DN Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này trong thời gian tới”.
Để ứng phó tốt hơn với các vụ việc PVTM, Bộ Công thương khuyến nghị các DN cần trang bị kỹ các kiến thức về PVTM. Theo bà Nguyễn Trang Nhung - phòng Xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM khi có kế hoạch phát triển xuất khẩu ở một thị trường, DN nên tìm hiểu xem quốc gia đó đã từng điều tra mặt hàng xuất khẩu của mình hay chưa hoặc đã từng điều tra với quốc gia khác về mặt hàng này hay chưa. Bên cạnh đó, các DN cũng cần thường xuyên theo dõi, trao đổi thông tin với hiệp hội, cơ quan quản lý và từ chính nhà nhập khẩu tại các nước để nắm bắt sớm thông tin và có biện pháp xử lý. Trong quá trình điều tra PVTM các cơ quan điều tra sẽ yêu cầu trích xuất các số liệu hoạt động sản xuất kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí còn đến trực tiếp để kiểm tra hệ thống sổ sách kế toán. Do đó, DN cũng cần xây dựng được hệ thống quản trị kế toán đầy đủ và rõ ràng để việc trích xuất số liệu được thuận lợi.