Cảng cá bồi lắng, ngư dân bất an

HẠNH NGUYÊN 06/10/2023 07:01

Mùa mưa bão đang đến nhưng các điểm tránh trú bão ở Hà Tĩnh đều bồi lắng, tàu thuyền ra vào mắc cạn, hư hỏng khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Thực trạng này diễn ra nhiều năm nhưng địa phương vẫn chưa có giải pháp xử lý.

Cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bị bùn, cát lấp 3/4 cầu cảng.

Ngư dân chịu thiệt

Ghi nhận của phóng viên những ngày đầu tháng 10/2023 tại Cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) cho thấy, có khoảng 2km luồng lạch ra vào bến cảng và khu neo đậu tránh trú bão ở đây đang dần bị thu hẹp. Ngay khi thủy triều rút xuống, nhiều đoạn cạn trơ đáy, tàu thuyền ra vào mắc cạn thường xuyên gây hư hỏng phương tiện.

Ngư dân Nguyễn Văn Hồng (trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) chia sẻ, tàu cá của anh dài hơn 15m, đánh cá vùng lộng, mỗi chuyến đi tầm 5 ngày thì cập bến. Mấy năm nay do luồng vào cảng bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu không vào sát bờ được nên anh Hồng phải thuê tàu nhỏ trung chuyển cá vào cầu cảng để bán. “Tính thêm khoản này thì chi phí đội lên hơn 10%/chuyến nên hiệu quả kinh tế, thu nhập của thuyền viên giảm đi nhiều so với trước đây” - anh Hồng nói.

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Cảng cá Cửa Sót mà các cảng cá khác ở Hà Tĩnh cũng chung cảnh ngộ. Cảng cá Xuân Hội và lối vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bồi lắng nghiêm trọng thời gian qua khiến ngư dân hết sức bất an, nhất là trong những tháng mưa bão.

Ở đây, mỗi khi có bão, khoảng 100 tàu thuyền công suất nhỏ với khoảng 300 ngư dân bản địa vào tránh trú. Tuy nhiên, ngư dân muốn đưa tàu vào neo đậu phải canh chờ thủy triều lên, đưa tàu ra khơi trước khi thủy triều xuống.

Ngư dân Nguyễn Xuân Huấn (trú xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) cho hay, nhiều năm nay cộng đồng ngư dân trên địa bàn đã kiến nghị các cấp, các ngành sớm nạo vét cảng cá và khu neo đậu, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển nhưng hàng năm nếu có nạo vét cũng chỉ làm được một góc nhỏ, tình trạng bồi lắng không được cải thiện. “Mỗi khi có bão, ngư dân chúng tôi phải đi trú nhờ các khu neo đậu tránh trú bão bên Nghệ An, rất bất tiện” - ông Huấn nói.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng không khả quan hơn. Hiện nay, khu neo đậu tàu thuyền này mới được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 (gồm nhà điều hành, sân bãi, hệ thống điện, nước...) nên chưa có kè chắn sóng, âu thuyền tạm bợ và luồng lạch từ lâu chưa được nạo vét nên bị bồi lắng nghiêm trọng.

Cần sớm nạo vét, khơi thông

Theo lãnh đạo Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, đơn vị đang quản lý 2 cảng cá là Cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) và Cửa Sót (huyện Lộc Hà); 4 khu neo đậu tránh trú bão: Cửa Hội - Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh). Cả 6 khu vực neo đậu, tránh trú bão trên đều bị bồi lắng. Nghiêm trọng nhất là cảng cá Xuân Hội (đã bồi lắng 3/4 cầu cảng) và khu neo đậu tránh trú bão Xuân Hội. Khu tránh trú bão này thiết kế cho tàu 800CV vào neo đậu nhưng hiện chỉ tàu dưới 90CV mới vào được và phải “canh” lúc thủy triều lên.

Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động buôn bán hải sản của ngư dân và thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão. Khi tàu thuyền gặp sự cố ngoài khơi, đúng lúc thủy triều xuống thì việc huy động tàu lớn của ngư dân đang neo đậu trong khu vực cảng tham gia cứu hộ, cứu nạn sẽ khó triển khai.

Lãnh đạo Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cũng cho biết, mỗi năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên việc bị bồi lắng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý của đơn vị cũng như hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện của ngư dân. Bởi vậy, việc đầu tư các dự án nạo vét cảng và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn Hà Tĩnh là cực kỳ cấp bách nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân cũng như phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển trong mùa mưa bão.

HẠNH NGUYÊN