Cái nóng đeo đuổi người nghèo
Thủ đô Dhaka của Bangladesh hiện phải đối phó với tác động của nắng nóng cực độ. Trong đó, người lao động có thu nhập thấp đặc biệt dễ bị tổn thương, bởi họ không có đủ những điều kiện chống nóng cần thiết như cây xanh, nước mát hay nơi trú ẩn an toàn.
Khi nhiệt độ ở châu Á tăng gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu, cô Afreen - người sinh ra và lớn lên ở Bangladesh, nơi được coi là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, phải đối phó với tác động của nắng nóng cực độ ở thành phố quê hương, Thủ đô Dhaka. Nhưng Afreen đang đảm nhận một vai trò mới, vai trò đầu tiên trong lĩnh vực này ở châu Á: Giám đốc Nhiệt của Bắc Dhaka.
Người phụ nữ 30 tuổi tham gia mạng lưới nhân viên nhiệt độ toàn nữ ở các thành phố trên khắp thế giới, bao gồm: Miami (Mỹ); Athens (Hy Lạp); Melbourne (Australia); Santiago (Chile,); Freetown (Sierra Leone); và thành phố Monterrey của Mexico.
Việc bổ nhiệm những người như Afreen là một phần trong sáng kiến do Trung tâm Phục hồi Quỹ Adrienne Arsht-Rockefeller của Hội đồng Đại Tây Dương (được gọi là Arsht-Rock) dẫn đầu nhằm giúp các cơ quan hành chính đô thị phối hợp ứng phó với tình trạng nắng nóng cực độ và bảo vệ cư dân của họ tốt hơn.
Năm nay, nhiệt độ ở Dhaka đạt 40,6 độ C - cao nhất trong 6 thập kỷ - dẫn đến số ca nhập viện tăng và ít nhất 20 trường hợp tử vong. Cô Afreen cho biết: “Nhiệt độ cực cao là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong hàng năm trên toàn cầu hơn bất kỳ mối nguy hiểm khí hậu nào khác”.
Người lao động có thu nhập thấp đặc biệt dễ bị tổn thương. Cô Hazera Khatun làm công nhân tái chế rác thải và phải tiếp xúc với nhiệt độ và khói nguy hiểm suốt cả ngày. Trong đợt nắng nóng gần đây, cô ấy đã bị ngất xỉu 3 lần trong một tuần.
Cô Khatun – người sống ở Korail, khu ổ chuột lớn nhất Dhaka, giáp ranh với Gulshan và Banani, hai khu dân cư giàu có nhất Dhaka bày tỏ: “Chỉ người giàu mới có thể chịu được sức nóng này. Chúng tôi không có điều hòa trong khi túp lều thiếc của chúng tôi nóng đến mức chạm vào có thể bị bỏng tay”.
Không gian xanh là một thành phần quan trọng trong quy hoạch đô thị thường bị bỏ qua ở Bangladesh. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các không gian như công viên, rừng đô thị và thảm thực vật đã giảm 66% trong 3 thập kỷ qua tại Thủ đô Dhaka.
Theo ước tính, thủ đô đông đúc của Bangladesh là nơi sinh sống của hơn 23 triệu người, với khoảng 2.000 người di cư đến mỗi ngày.
Anh Jewel Ahmed, 27 tuổi, di cư từ Barishal đến Dhaka 1 năm trước và dành hơn 10 giờ mỗi ngày dưới cái nóng oi bức để chạy xe kéo. “Thật không thể chịu nổi với thời tiết nóng nực này, nhưng không thể bỏ lỡ một ngày làm việc ở Dhaka nên chúng tôi phải tiếp tục công việc, bất kể thời tiết thế nào. Không có đủ cây xanh trong thành phố khiến chúng tôi gặp nguy hiểm suốt cả ngày” - anh Ahmed chia sẻ.
Một trong những sáng kiến mà cô Afreen đang thực hiện là dự án phủ xanh đô thị, bao gồm việc trồng 200.000 cây xanh trong vòng hai năm, kể cả trong các khu ổ chuột hoặc “khu định cư không chính thức” - nơi các cộng đồng nghèo thường phải chịu tổn thương bởi nhiệt độ cực cao.
Cô Afreen cho biết: “Nắng nóng cực độ đã khiến Dhaka mất 8% sản lượng kinh tế vào năm 2020 và nếu không có các biện pháp thích ứng, con số này sẽ tăng lên”. Dhaka dễ bị tổn thương một cách bất thường do nền kinh tế sử dụng nhiều lao động và tỷ lệ các biện pháp làm mát thấp.
Phân tích của Arsht-Rock cho thấy, trong điều kiện khí hậu hiện tại ở Dhaka, 20% số giờ làm việc ngoài trời bị mất do nắng nóng mỗi năm, con số này có thể tăng lên 24% vào năm 2050.
Theo cô Afreen, có hơn 100 “trạm ATM nước”, nơi mọi người có thể mua nước uống giá rẻ ở phía Bắc Dhaka, đây cũng là sự án mà cô đang tìm cách mở rộng khắp thành phố. Cô cũng muốn tạo ra một “bản đồ mát mẻ” để giúp người dân tiếp cận quầy nước hoặc trung tâm làm mát gần nhất.
Tuy nhiên, việc mở rộng cơ sở hạ tầng cần có thời gian, đồng thời mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của vấn đề ở Dhaka đòi hỏi phải tăng cường nhanh chóng các nỗ lực để bảo vệ người dân và nền kinh tế của thành phố.