Không ai là ngoại lệ

CẨM THÚY 07/10/2023 07:00

Cách đây hơn 10 năm, có một vụ việc hẳn nhiều người còn nhớ, khi tổ công tác Cảnh sát giao thông khống chế một người điều khiển xe ô tô dừng lại vì vi phạm giao thông, anh ta đã hỏi: “Có cần tôi gọi điện cho anh N. để nói chuyện với các anh không?”. Một vụ khác khi tổ công tác đặc biệt kiểm tra một chiếc xe có biểu hiện vi phạm giao thông, người lái xe đã rút điện thoại ra gọi rồi quay sang nói với cảnh sát: “Viết đơn nghỉ việc hết đi”...

Đương nhiên, những vụ việc này sau đó được xác minh là “cáo mượn oai hùm”. Nhưng thực tế nhiều năm đúng là không hiếm những trường hợp vi phạm giao thông “gọi điện cho người thân” nhằm can thiệp, xin xỏ. Và có những trường hợp can thiệp được, xin xỏ được.

Bởi vậy mới dẫn đến việc một vài “thiếu gia” đi xe sang, biển đẹp ra đường hễ bị công an hỏi tới là thái độ ngạo ngược, tìm cách gọi điện cho “người quen” để can thiệp. Và rõ ràng cũng có sự “nể nang” của các lực lượng chức năng với “người quen”, “người nhà”. Đâu đó có cả việc quan chức “can thiệp” để cảnh sát phải tha lỗi khi có người nhà vi phạm pháp luật, đơn giản nhất là phạm luật giao thông.

Hễ có người nhà “làm to” là người ta đem ra dọa hoặc gọi điện cầu cứu. Và sự cầu cứu ấy có lúc, có nơi hiệu quả. Tới mức phổ biến tình trạng gọi điện thoại đi đâu đó, rồi cảnh sát giao thông cũng lại “nể nang” khi thấy có ý kiến của ai đó là tha.

Thế nên mới có câu chuyện: Đồng nghiệp của tôi là phóng viên một tờ báo, đi đường không để ý đã vượt đèn đỏ, bị cảnh sát chặn lại. Vốn là người rất nghiêm túc, bạn tôi trình giấy tờ rồi vui vẻ nộp phạt. Cảnh sát thấy có người vi phạm luật mà không xin câu nào, lại đâm ra thắc mắc, hỏi: Công tác ở đâu? Con ông bà nào?...

“Dọa” cảnh sát khi đang thi hành nhiệm vụ là hành vi của một số ít những kẻ hoặc có tính chất côn đồ, hoặc quá ngạo ngược, cậy thần cậy thế. Nhưng nếu lực lượng thực thi pháp luật làm nghiêm và bản thân các quan chức nêu gương trong việc tuân thủ pháp luật, không can thiệp xin xỏ cho người nhà những chuyện vi phạm như vậy thì sẽ thay đổi được hành vi của xã hội. Chọn phương án “gọi điện thoại cho người thân” cũng không giải quyết được việc gì thì sẽ không thể ngạo ngược vi phạm pháp luật rồi còn “dọa” cả người thi hành công vụ.

Thực tiễn của việc xử phạt người vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã diễn ra như vậy. Chủ tịch một phường ở Hà Nội khi bị chặn lại để chấp hành việc thử nồng độ cồn đã không hợp tác mà rút điện thoại ra “cầu cứu”. Nhưng tổ kiểm tra kiên quyết không nghe cuộc điện thoại của “người nhà”.

Khi chỉ cần không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong xử phạt đối với việc vi phạm nồng độ cồn, việc chấp hành quy định đã có chuyển biến rõ rệt.

Từ ngày 31/8 đến ngày 15/9 vừa qua, khi các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) triển khai các tổ kiểm tra ở nhiều địa phương đã phát hiện và xử lý 88 trường hợp người điều khiển xe trên đường trong hơi thở có nồng độ cồn là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe...

Xuyên suốt không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đương nhiên sẽ không còn tồn tại phương án “gọi điện cho người thân”. Thậm chí ngoài xử lý theo quy định, cơ quan chức năng còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cũng đồng thời với việc nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức. Chuyển biến tích cực của việc này là tạo ra ý thức tác động tới hành vi trong xã hội: Không có vi phạm nào có thể “xin” được, mọi người buộc phải có ý thức chấp hành cao. Mong rằng sự lan tỏa ấy không phải chỉ theo từng đợt làm nghiêm của ngành công an, cũng không phải chỉ với mỗi việc “nồng độ cồn”.

Tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ phải được lan tỏa đối với việc chấp hành luật giao thông và chấp hành pháp luật nói chung. Nếu vi phạm rồi “xin” được thì người ta còn vi phạm trắng trợn hơn, công khai hơn. Và khẩu hiệu “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” mãi vẫn là khẩu hiệu.

Khi đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ, sẽ không còn cảnh người vi phạm giao thông là bất cứ ai có thể ngạo nghễ nói với lực lượng đang thực thi công vụ: “Các anh có biết tôi là ai không?”. Không một ai dám ra đường nói với nhà chức trách câu nói ngạo mạn ấy nếu thực sự luật pháp bất vị thân.

CẨM THÚY