Hệ lụy từ việc 'bùng nợ' ngân hàng
Nợ xấu vay tiêu dùng tăng nhanh, tình trạng trốn nợ đang ở mức báo động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), “bùng nợ” sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy không chỉ với các công ty tài chính, mà cả với chính người đi vay, những người thân và xã hội.
Chị N.T.N (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho biết, do làm ăn thua lỗ chị đã vay tín dụng đen 200 triệu đồng qua một ứng dụng cho vay. Tưởng công việc thuận lợi có tiền trả lãi cao nên lúc vay chị tin sẽ sớm trả được nợ. Ai ngờ sau gần nửa năm công việc kinh doanh càng tồi tệ khiến chị rơi vào cảnh nợ nần. Chủ cho vay tín dụng đen qua ứng dụng liên tục gọi điện uy hiếp tinh thần chị và những người trong gia đình. Không có tiền trả, chị N. tìm cách bùng nợ. Chị lên mạng thấy có nhóm “Rủ nhau bùng nợ” và đã làm theo.
Không dính vào tín dụng đen, anh T.V.L (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) vay ngân hàng 300 triệu đồng, đến thời hạn trả không có khả năng trả anh cũng chọn cách bùng nợ khi thay đổi chỗ ở, số điện thoại dù vậy anh luôn sống với tâm trạng hoang mang lo lắng vì biết mình vi phạm pháp luật. Đó chỉ là một vài câu chuyện phổ biến cho thấy tình trạng khách vay vốn tại các tổ chức tín dụng, kể cả vay ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ gia tăng trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, trên thị trường còn có rất nhiều công ty tư vấn tài chính, các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các ứng dụng cho vay (không do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng, không hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng), tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” cũng thực hiện hoạt động cho vay, dẫn đến sự hiểu nhầm và đánh đồng trên thị trường với các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Hiện, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các hội, nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay từ công ty tài chính, vay qua App, thậm chí cả vay ngân hàng. Chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hay “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội, nhóm với số lượng thành viên rất lớn như: Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (87.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và cách đối phó (2.600 thành viên); Bùng nợ Fe Credit, tổ chức tín dụng ngân hàng (10.000 thành viên)…. Theo các chuyên gia, đây là hành vi sai trái, các “con nợ” không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thực trạng trên đang khiến các công ty tài chính tiêu dùng (do Ngân hàng Nhà nước cấp phép, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng) và cả ngân hàng đều đau đầu với tình trạng người đi vay không thanh toán nợ đúng hạn theo hợp đồng đã ký kết, thậm chí tình trạng trốn nợ đang tăng lên.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Quy định của pháp luật hiện hành có quy định về thời hạn đòi nợ. Do đó, khi đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết. Với việc tìm mọi cách để “bùng nợ” vay từ ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng, những con nợ không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA, nợ xấu vay tiêu dùng tăng nhanh. Với người đi vay, việc không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, thậm chí tìm cách trốn nợ sẽ đẩy họ vào thế khó. “Khi người vay không hoàn trả số tiền đã vay ở mức độ nghiêm trọng, các ngân hàng và công ty tài chính hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra Tòa án nhân dân, nơi xảy ra hoạt động cho vay. Trong trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện điều tra và áp dụng các hình thức xử lý theo luật hiện hành, có thể bao gồm phạt hành chính, tịch thu tài sản, hay truy tố” - ông Hùng cảnh báo.
Nhằm hạn chế thực trạng trên, chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan trên các phương tiện truyền thông. Mục đích để giúp người dân thay đổi nhận thức, hiểu rõ về trách nhiệm của người vay, chỉ ra những hậu quả của việc “bùng nợ” để mọi người nhận ra tính nghiêm trọng của sự việc. “Các cơ quan chức năng cũng phải xử lý các trường hợp “bùng nợ” để mọi người lấy đó làm bài học. Và quan trọng, phải triệt phá các tổ chức tín dụng đen vì đó cũng là nguồn cơn gây ra tình trạng “bùng nợ” hiện nay” - ông Hiếu lưu ý.