Xã hội

[EMagazine] Từ đồng vốn vay đồng bào dân tộc nhiều nơi đã thoát nghèo

Thái Nhung - Lê Khánh 08/09/2023 18:23

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Giang hay Yên Bái đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP (Nghị định 28) để chuyển đổi nghề, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Gia đình ông Mã Văn Muộn ở tổ dân phố Ké, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang chỉ có hơn mẫu ruộng và 2 ha trồng keo. Mỗi năm thu được tấn thóc, chỉ đủ ăn và trả tiền phân bón giống má. 2ha đất đồi rừng trồng keo, 5 năm mới cho thu hoạch một lần được tầm 50 triệu nên gia đình ông bao năm qua vẫn là hộ nghèo.

Năm 2021, về quê ở Lạng Sơn, thấy họ hàng nuôi ngựa bạch đem lại nguồn kinh tế ổn định, ông Muộn quyết định đầu tư vào chăn nuôi ngựa. Năm 2022, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng, mua 2 con ngựa cái sinh sản. Theo tính toán của ông Muộn, mỗi năm, thông đồng bén giọt có ngựa con, nuôi 6 tháng bán được 50 triệu đồng, món nợ 100 triệu đồng trong 4 năm sẽ sớm trả được. Trước mắt, năm tới, bán ngựa con, ông sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại để lấy chỗ chăn nuôi. Hiện tại, ông Muộn cũng trồng thêm ngô, chuối để lấy thức ăn cho ngựa.

Không đầu tư vào nuôi ngựa như gia đình ông Muộn, gia đình anh Chu Văn Soi ở thôn Hợp Thành, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vay 100 triệu đầu tư vào trồng keo, bạch đàn. Lãi suất thấp, chỉ bằng 1/3 lãi vay tại ngân hàng thương mại, nên anh Soi mạnh dạn thuê máy xúc về đào xới, cải tạo đất, mua cây giống. Trước mắt, anh trồng ngô, trồng vải, lấy ngắn nuôi dài chờ sau 5 năm thu một món tiền lớn từ bán gỗ.

Gần chục năm trước, do bản thân mắc bệnh thận, cha mẹ già yếu, con đi học, ông Hoàng Hồng Hà, người Tày ở bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái rơi vào diện hộ nghèo. Đến lúc bệnh tình ổn định thì kinh tế gia đình kiệt quệ. Năm 2019, ông được vay 50 triệu nguồn vốn cho hộ nghèo từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào trồng 2ha quế. Sau 4 năm, đến nay, ông bắt đầu có thu nhập từ quế. Vụ vừa rồi, ông Hà thu được 20 triệu tiền bán lá, bán cành tỉa cây. Với chu kỳ thu hoạch lên tới 15-20 năm, theo ông Hà tính toán, với giá bán như hiện nay, 1ha quế cũng phải đem về 300 triệu đồng. Chỉ sau hai năm vay vốn trồng quế, gia đình ông Hà đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Do vốn vay lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, nên gia đình ông Hà không khó khăn trong việc trả nợ, trả lãi hàng năm.

Khác với gia đình ông Hà, không đầu tư vào trồng quế do cần vốn lớn, công chăm sóc nhiều, gia đình anh Vũ Anh Tuấn và chị Hoàng Thị Xuân ở bản Bến (xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái) cũng như nhiều vợ chồng trẻ khác lại vay vốn để trồng keo. Lấy ngắn nuôi dài, vay 50 triệu từ năm 2018, phân kỳ trả nợ mỗi năm 10 triệu, đến tháng tới, sau khi trả nốt 10 triệu cho ngân hàng chính sách, 3ha keo lá bồ đề, nếu để đến lúc 7 năm tuổi, chị Xuân, anh Tuấn có thể thu về hơn 200 triệu đồng. Chị Xuân cho biết, tương lai, để kinh tế gia đình phát triển hơn nữa, không chỉ là thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, anh chị rất mong được tiếp cận nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ ngân hàng chính sách xã hội.

Ông Chu Văn Com, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Hợp Thành, xã Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn cho biết, không chỉ anh Soi mà nhiều tổ viên cũng được vay nguồn vốn chuyển đổi nghề từ Ngân hàng chính sách xã hội. Món vay 100 triệu, lãi suất 3,3% nên mỗi tháng hộ vay chỉ phải trả hơn 200 nghìn đồng. Tổ của ông quản lý địa bàn 65 hộ dân thì tới 48 hộ dân là khách hàng của Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện tại, tổ của ông Com dư nợ 3,6 tỷ đồng, cao nhất trong số 15 tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Hộ Đáp.

Niềm vui của bà con người dân tộc, của những Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cũng là niềm vui của các cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội Bắc Giang. Anh Thân Văn Nguyên, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lục Ngạn chia sẻ, để xóa bỏ được tâm lý e dè, ngại nợ, ngại vay của bà con, các cán bộ tín dụng của Ngân hàng chính sách xã hội đã phối hợp cùng cấp ủy chính quyền địa phương và các hội đoàn thể nhận ủy thác đến tận nhà vận động, tuyên truyền hướng dẫn người dân. Bà con vay vốn rồi thì phối hợp với khuyến nông, khuyến lâm hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Còn ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên thì chia sẻ, gần chục năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo tại đây lên tới trên 40%. Nhưng năm 2023 này, trong số gần 700 hộ dân của xã chỉ còn khoảng 30 hộ nghèo, tỷ lệ hơn 5%. Gia đình nào con cái cũng được học hành đầy đủ, có xe máy, có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo tiêu chí 5 không 3 sạch của một huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Như tại thôn mà hội cựu chiến binh xã nhận ủy thác vay vốn, có 129 hộ thì 107 hộ là khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước. Cả thôn chỉ còn 4 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.

Nhờ được vay vốn ưu đãi trồng rừng, trồng quế, nuôi trâu bò sinh sản hay vịt cổ xanh đặc sản, cuộc sống của bà con ở Trấn Yên đã thay đổi đáng kể. Từ năm 2019, huyện Trấn Yên đã được công nhận là huyện nông thôn mới và đang phấn đấu tới năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Trần Thành Lâm, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Trấn Yên cho biết, với 20 xã 1 thị trấn, hiện nay dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Trấn Yên là 490 tỷ đồng với 267 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Hơn 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã thực hiện giải ngân cho vay được trên 470 nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số tiền cho vay trên 10.800 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bằng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, đến tháng 6/2023, đã có 16 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trên địa bàn với tổng dư nợ đạt 4.572 tỷ đồng. Hiện tại có trên 84.000 khách hàng đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 68,9%. Tỷ lệ hộ vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm trên 50% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm từ 4 đến 5%. Còn tính riêng đến nửa đầu năm 2023, đã có 16 chương trình tín dụng được triển khai, tổng dư nợ đạt 4.572 tỷ đồng.

Nghị định 28 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 được ban hành ngày 26/04/2022.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay các chương trình tín dụng đến toàn thể cán bộ trong chi nhánh; tổ chức các lớp tập huấn cán bộ Ban Giảm nghèo, tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như phối hợp với Ban dân tộc chỉ đạo Phòng dân tộc các huyện khẩn trương trong việc rà soát, lập danh sách tham mưu UBND cùng cấp phê duyệt đối tượng cho vay. Sau 1 năm chính sách được ban hành, đến tháng 8/2023 toàn chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang đã giải ngân cho vay đối với 358 khách hàng, số tiền giải ngân là: hơn 20 tỷ 435 triệu đồng trong đó có 122 hộ được vay chuyển đổi nghề với số tiền gần 11 tỷ đồng.

Để nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Cảnh, cũng cần phải tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đặc biệt là trong việc phê duyệt đối tượng thụ hưởng để đảm bảo giải ngân kịp kế hoạch đã đề ra, giúp bà con nhanh chóng có nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống.

Về khó khăn mà cán bộ tín dụng ở Yên Bái gặp phải trong quá trình hỗ trợ các hộ dân vay vốn, ông Nguyễn Văn Bằng cho biết: Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng nhận thấy có những khó khăn, đó là do phải chờ các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn về quy trình rà soát đối tượng thụ hưởng nên tiến độ giải ngân nguồn vốn chương trình này còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

Chính sách tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 là chính sách tốt; là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có thêm nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Hy vọng rằng, quá trình tháo gỡ những khó khăn trên đây sẽ thật nhanh chóng để bà con yên tâm làm kinh tế.

Thái Nhung - Lê Khánh