Phố xưa nhà cổ…
Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ/ Mái ngói thâm nâu… Lời bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn vang lên đâu đó, trong một quán cà phê, hay trong tâm hồn những người ưa hoài niệm.
Đi trong lòng Hà Nội bây giờ, đương thu, không thấy cây cơm nguội vàng, cây bàng cũng chưa rộn lên sắc đỏ. Nhiều lúc chỉ thấy một Hà Nội chật chội, đông đúc, xô bồ. Nhà cửa thì san sát, cái dài cái ngắn, cái cao cái thấp, lô nhô mỏng dẹt kiến trúc thất thường, không đồng nhất. Rồi thì những tòa nhà cao ngất ngưởng như những… cục bê tông đục lỗ. Suy cho cùng, đó cũng chỉ là những mặt trái của đô thị, khi mà diện tích đất đai quá chật hẹp và gu thẩm mĩ, tiền bạc và nhu cầu sử dụng của mỗi người dân là khác nhau. Tuy vậy, bạn có lúc nào đó để ý, đang đi đường vun vút, giữa nhà hàng, cửa hiệu đủ màu sắc, bỗng chùng lòng vì một mái ngói tường rêu quá đỗi giản dị đượm màu thời gian.
Hay một sáng nắng lên, từ trên lan can tầng hai của một ngôi nhà nào đó, cánh cửa khép chặt mọi hôm bỗng dưng hé mở và tuyệt nhất là có bóng dáng một người đang dịu dàng tưới hoa. Hay trong ánh sáng của ngày sắp tắt, bên hàng lan can sắt uốn hoa văn mềm mại, những bông dạ hương bắt đầu khe khẽ tỏa mùi thơm đặc trưng của mình cạnh con số ghi niên đại xây dựng của ngôi nhà. 1920, 1935… với những tên Phúc Hưng, Gia Thịnh không chỉ gợi nên vẻ xưa cũ mà còn khiến người ta rất muốn tìm hiểu thông tin về những gia đình, thương hiệu, nếp sống ẩn chứa bên trong ngôi nhà mà chắc chắn rằng đã gắn bó rất lâu đời với Hà Nội ấy.
Tôi rất thích lang thang trong các khu phố cổ vào những ngày cuối tuần. Đặc biệt, vào mùa thu như thế này, tiết trời se se lạnh, nắng vàng như mật ong, những con phố cũng như duyên hơn với từng nét đẹp ẩn hiện trong các khoảng màu sáng tối. Đây là Hàng Mã với đủ sắc màu đồ chơi trẻ em, đồ trung thu, đồ trang trí sinh nhật, đám cưới… Đây là Hàng Ngang, Hàng Đào với tấp nập khách du lịch nước ngoài và những cửa hàng quần áo. Kia là Hàng Đồng vẫn còn một số gia đình làm nghề gò đồng, một nghề truyền thống của kinh kì xưa. Rồi đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc, dấu tích của việc đúc bạc nén một thời. Những căn nhà nhỏ với mặt tiền tấp nập bán mua, đúng kiểu “tấc đất tấc vàng”, song, chỉ cần ở gác hai, bên những chậu cây nho nhỏ, những ô cửa nhỏ bạc màu thời gian, dưới những mái ngói thâm nâu cổ kính, một cuộc sống khác dường như đang lặng lẽ hơn, chậm rãi hơn cùng Hà Nội.
Thi thoảng, chen giữa những lô xô bề thế lại có những chiếc cổng với những dòng Hán tự chẳng biết đã được xây dựng tự bao giờ, đến nay vẫn sống cùng Hà Nội, như nhân chứng trải nghiệm bao tháng năm, mưa nắng, bao vật đổi sao dời. Cũ kỹ đấy, rêu phong đấy, cổ kính đấy mà không hề lạc lõng, thậm chí lại còn quyện cùng với kiến trúc mới của Hà Nội, quyện cùng với nhịp sống mới một cách rất hài hòa, tạo nên một tổng thể rất phong phú, làm thành dấu ấn riêng của Thủ đô ngàn năm tuổi. Điều thích nhất ở Hà Nội và mang nhiều ngạc nhiên nhất có thể kể đến những ngôi đình, chùa. Nhiều khi đình, chùa ở ngay mặt phố nhưng cũng có lúc, phải đi sâu vào trong ngõ nhỏ, bất ngờ thấy một không gian xanh mướt bóng cây, ngan ngát khói hương, yên tĩnh và thanh tịnh.
Gia đình bà lang Lan, nhiều đời sống phố Lãn Ông, làm thuốc gia truyền, ăn với thuốc bắc, ngủ với thuốc bắc. Sau khi lấy chồng, về ở khu Nam Đồng, mấy chục năm nay, cứ rằm mồng một hàng tháng bà Lan lại bắt taxi hoặc xe ôm lên chùa Hàng Than, đều chằn chặn, mưa cũng như nắng. Bà bảo, làm nghề bốc thuốc cứu người, cái tâm càng phải đề cao, nên lễ Phật để cầu sao tâm mình luôn trong sáng, bắt đúng bệnh, kê đúng đơn, cứu giúp được nhiều người hơn nữa. Với nhiều người, lên chùa là để cầu mong hạnh phúc bình an, cầu mua may bán đắt, cầu phúc cầu lộc, cũng với rất nhiều người, lên chùa để lòng mình lắng lại trước những xô bồ. Những ngột ngạt, toan tính rất đời thường bỏ lại bên ngoài cổng chùa, đứng trước Phật, nghe mấy câu kinh, ngắm hàng hoa ngâu, hoa mộc nở, ngửi mùi hương trầm thoảng lẫn với hương hoa, tự dặn lòng mình hướng đến thiện căn nhiều hơn giữa cuộc đời vốn quá nhiều toan tính.
Rồi khi nhiều năm nữa qua đi, những mái nhà ngày nay cũng sẽ trở thành xưa cũ, những con người hiện tại cũng sẽ già đi, cả những góc phố, hàng cây cũng sẽ biến đổi. Người tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng sống lâu ở Hà Nội rồi cũng thành người Hà Nội. Tất cả cảnh sắc, tâm hồn, văn hóa, nếp sống ấy dưới sự sàng lọc của thời gian sẽ như một lớp phù sa đọng lại những gì tinh túy nhất. Nó sẽ trở thành đặc trưng của Hà Nội để mãi mãi nơi đây trở thành chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương (Chiếu dời đô), là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Hà Nội, dù có muôn vàn đổi thay thì cái tinh thần Hà Nội muôn đời chỉ phong phú, bồi đắp thêm chứ chẳng thể nào mai một.