Doanh nghiệp công nghiệp dần hồi phục

H.HƯƠNG - M.SANG 09/10/2023 10:00

Chỉ số sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng, doanh nghiệp tái đầu tư lại nhà xưởng, tuyển dụng lao động. Những tín hiệu tích cực gần đây cho thấy doanh nghiệp đang dần hồi phục.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bước vào giai đoạn phục hồi

Theo Bộ Công thương, mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng nhìn chung ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Thống kê trong quý III/2023, tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của Bộ Công thương, nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,2%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,8%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%.

Đơn cử như chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đánh giá, chính sách hỗ trợ của thành phố cho ngành công nghiệp hỗ trợ đã bao phủ ở nhiều lĩnh vực từ hạ tầng, phát triển thương hiệu, kết nối ứng dụng khoa học kỹ thuật, cho đến việc hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công trong và ngoài nước.

Nhờ đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày, sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Ngoài ra, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Hà Nội là địa điểm đầu tư cơ sở, nhà máy và hợp tác với các doanh nghiệp.

Mới đây, sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, Tập đoàn Inventec (IEC) - doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy Inventec Việt Nam tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 125 triệu USD. Tổng công suất thiết kế cho năm sản xuất ổn định là 32 triệu sản phẩm/năm, tương đương 20.352 tấn sản phẩm/năm. Dự kiến, vào khoảng quý IV/2024, nhà máy sẽ đi vào hoạt động và tạo ra cơ hội việc làm cho 15.000 đến 20.000 lao động.

Ông Yeh Li-cheng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Inventec Việt Nam cho biết, các giai đoạn tiếp theo, Tập đoàn Inventec sẽ phát triển để thành lập Tổ hợp cứ điểm nghiên cứu sáng chế và sản xuất, chia sẻ công nghệ với chuỗi sản xuất toàn cầu của IEC cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia. IEC hiện sử dụng khoảng 10 - 30% sản phẩm linh kiện phụ trợ sản xuất tại Việt Nam nên sẽ tăng cường sử dụng trên 50% linh kiện doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, như vậy sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển.

Nỗ lực để tăng trưởng

Bộ Công thương cũng cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Đồng thời sẽ đẩy mạnh tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng...

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian tới ngoài việc sửa đổi các chính sách, sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua đào tạo và mở rộng thị trường. “Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào đó, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ” - ông Phạm Tuấn Anh thông tin.

Bà Sabrina Ánh Trần - Giám đốc mua hàng Công ty Techtronic Industries Việt Nam cũng cho biết, công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp cho các thành phần kim loại, gia công tiện và phay, dập kim loại, đúc khuôn, các bộ phận của động cơ… để chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất. Bà Sabrina Ánh Trần cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nước ngoài hiện có xu hướng rút ngắn quy trình sản xuất, giảm dung sai cho sản phẩm nên sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm đa chi tiết hóa. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần có sự liên kết để tự nâng cao năng lực cung ứng, cần thiết phải thành lập chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đa chi tiết tương ứng cho nhà cung ứng cấp 1, 2. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì đơn hàng cũng như gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

H.HƯƠNG - M.SANG