Hamas bất ngờ tấn công Israel
Ngày 8/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine, trước cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel khiến hơn 500 người chết, hơn 2.000 người bị thương của cả hai phía chỉ trong ngày 7/10.
Vào lúc 6h30 sáng ngày 7/10, người Israel bị đánh thức bởi tiếng còi báo động khi hàng ngàn quả rốc két từ dải Gaza bắn vào nhiều khu vực ở miền Trung và Nam nước này. Cuộc tấn công của nhóm vũ trang Hamas được đánh giá là chưa từng có tiền lệ về mặt quy mô kể từ khi nhóm này bắt đầu kiểm soát Dải Gaza (năm 2007).
Israel tuyên bố tình trạng chiến tranh
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả nỗ lực ngoại giao nhằm tránh xung đột lan rộng. Trong khi đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố tình trạng chiến tranh. Thủ tướng Israel gọi những vụ tấn công vào lãnh thổ Israel của Phong trào Hamas Palestine phát động mang tên “Chiến dịch bão Al-Aqsa” đã đẩy xung đột Israel - Palestine lên một nấc thang chưa từng thấy. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã tiến hành chiến dịch "Kiếm sắt" ở Dải Gaza. Bộ Quốc phòng Israel cho biết ngoài rốc-két, lực lượng Hamas đã tấn công tổng lực vào Israel bằng dù lượn, qua biển và trên mặt đất.
Trong khi đó, chỉ huy quân sự Mohammad Deif của Hamas tuyên bố rằng cuộc tấn công “đa mặt trận” là để trả đũa việc Israel "xúc phạm" nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, đồng thời cáo buộc Israel đã giết và làm bị thương hàng trăm người Palestine kể từ đầu năm đến nay. Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cho biết cuộc tấn công bắt đầu ở Dải Gaza sẽ lan sang Bờ Tây và Jerusalem.
Đây là cuộc bạo lực vũ trang đẫm máu nhất ở Israel kể từ cuộc chiến Yom Kippur (còn được gọi là Chiến tranh Ả Rập - Israel lần thứ tư) 50 năm trước.
Vì sao Hamas bất ngờ tấn công?
Quan điểm cứng rắn của Hamas trong căng thẳng Israel - Palestine và những cáo buộc xoay quanh đền thiêng Hồi giáo đã dẫn đến cuộc tấn công tổng lực của nhóm vũ trang vào Israel. Mohammed Deif - chỉ huy quân sự của tổ chức Hamas kêu gọi tất cả người Palestine tham gia "Chiến dịch bão Al-Aqsa" và tuyên bố Palestine không thể tiếp tục chịu đựng tình trạng chiếm đóng do Israel áp đặt.
Hamas trong tiếng Ả Rập có nghĩa là Phong trào Kháng chiến Hồi giáo. Nhóm được hình thành từ năm 1987 sau khi phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ nhất của người Palestine bùng nổ, chống lại việc quân đội Israel chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza. Mục tiêu của Hamas là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948; đồng thời không công nhận Nhà nước Israel.
Trong những năm qua, Israel đã gia tăng kiểm soát khu vực đền thờ Al-Aqsa, hạn chế người Palestine tiếp cận vùng đất thiêng.
Theo Al Jazeera, chiến dịch của Hamas còn nhằm phát đi thông điệp đến các nước Ả Rập và Hồi giáo đang có xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel. "Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế chấm dứt những tội ác đang diễn ra ở Gaza, những tội ác chống lại nhân dân Palestine và xâm phạm các địa điểm thiêng liêng như Al-Aqsa. Đó là lý do chúng tôi bắt đầu cuộc chiến này" - Khaled Qadomi, người phát ngôn Hamas, nói.
Dư luận quốc tế lên tiếng
Trong bối cảnh chiến sự ác liệt giữa phong trào vũ trang Hamas từ Dải Gaza và quân đội Israel, nhiều quốc gia trong khu vực đã lập tức lên tiếng. Bộ Ngoại giao Ai Cập cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và tránh làm cho dân thường gặp rủi ro hơn nữa. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến tình hình ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ngừng leo thang, bình tĩnh và kiềm chế.
Tương tự, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia kêu gọi dừng ngay lập tức việc leo thang chiến sự giữa hai bên, bảo vệ dân thường. Đồng thời Saudi Arabia kêu gọi cộng đồng quốc tế kích hoạt tiến trình hòa bình dẫn đến giải pháp hai nhà nước, nhằm đạt được an ninh và hòa bình trong khu vực cũng như bảo vệ dân thường.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi Israel và Palestine hành động sáng suốt và tránh leo thang thêm. Nga kêu gọi phía Israel và Palestine thực hiện kiềm chế, đồng thời cho biết đang liên lạc với tất cả các bên, bao gồm người Israel, người Palestine và người Ả Rập.
Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây lên án mạnh mẽ hành động của Hamas. Chính quyền Mỹ khẳng định sự ủng hộ đối với chính phủ và người dân Israel, đồng thời lên án hành vi khủng bố của Hamas. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố đang xảy ra ở Israel, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân, gia đình và người thân của họ. Bộ Ngoại giao Anh và Đức cũng đưa ra tuyên bố lên án các cuộc tấn công khủng khiếp của Hamas nhằm vào dân thường Israel, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền tự vệ của nước này.