Bệnh Đậu mùa khỉ: Cảnh giác nhưng không hoang mang

Đức Trân 09/10/2023 10:00

Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 7 ca mắc đậu mùa khỉ . Theo kết quả giải mã gen ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại TPHCM, đây là chủng virus Mpox phát hiện gần đây tại Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.

Bác sĩ thăm khám, điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Bình Dương. Ảnh: TTXVN.

Ca bệnh mới nhất được ghi nhận là bệnh nhân tại tỉnh Bình Dương. Công bố ca bệnh, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, đó là nam bệnh nhân L.M.T. (sinh năm 2004), được phát hiện vào chiều 5/10. Bệnh nhân có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định trước, đó là N.T.S (nam, sinh năm 2001, địa chỉ tại phường 2, quận Tân Bình, TPHCM). Ca bệnh được Bệnh viện đa khoa quốc tế Becamex phát hiện, gửi mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Khoa nhiễm Trung tâm Y tế TP Thuận An. Trước đó, tại huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) cũng phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên là một bệnh nhân nữ.

Được biết, hiện nay cả 2 bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Bình Dương đều xuất hiện các bọng nước màu đỏ, nhưng sức khỏe ổn định.

Năm 2022, châu Âu cũng xuất hiện những ca mắc đậu mùa khỉ, làm dấy lên nhiều lo ngại. Bệnh có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, như giọt bắn, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của bệnh nhân và những lây nhiễm ghi nhận ở châu Âu là qua quan hệ tình dục…

Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, tính đến cuối tháng 9/2023, trên toàn thế giới đã có 90.630 ca đậu mùa khỉ được xác định. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số ca bệnh đậu mùa khỉ mới ở Thái Lan và Trung Quốc, hầu hết bệnh nhân là nam giới trẻ, đa số có quan hệ tình dục đồng giới.

Trong 2 tuần qua, việc phát hiện các ca đậu mùa khỉ ở phía Nam làm dấy lên lo lắng về khả năng lây lan và mức độ nguy hiểm của bệnh này trong cộng đồng. Thậm chí, có nhiều lo ngại cho rằng đậu mùa khỉ có thể lây lan và bùng phát thành dịch như Covid-19. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, khả năng này khó có thể xảy ra.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng: “Năm 2022, khi đậu mùa khỉ xuất hiện ở châu Âu, một số nước châu Mỹ, châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng bùng dịch như Covid-19. Tuy nhiên, thực tế, dịch bệnh đã không bùng phát mạnh, vẫn chỉ lây trong cộng đồng hẹp và triệu chứng không nặng như đậu mùa trước đây. Đến năm nay, dịch chỉ lây nhiễm trong một cộng đồng hẹp và không bùng phát mạnh ngoài khu vực châu Phi. Thực tế, dịch bệnh này chủ yếu lây qua quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới, qua những nhóm tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Tôi cho rằng nguy cơ bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ là không cao”.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lý giải: Về cơ bản, độc lực của bệnh đậu mùa khỉ không quá mạnh, không có nguy cơ gây tử vong cao. Do vậy, bệnh được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B và cần thực hiện các biện pháp phòng, chống như các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B, có đường lây tương tự.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho rằng, người dân cần hiểu rõ về bệnh này, không nên hoang mang, lo lắng thái quá. Thông thường, bệnh đậu mùa khỉ ủ bệnh từ 6 -13 ngày, không phát hiện triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Đến giai đoạn khởi phát kéo dài từ 1-5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân, kèm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Ở giai đoạn này, virus có thể lây sang người khác. Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày với sự xuất hiện của các ban, mụn nước trên da. Đáng chú ý, ở thể nhẹ, bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vòng từ 2-4 tuần. Tuy nhiên, với những nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn tiến nặng, tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Theo BS Khanh, bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây lan nhưng khó lây hơn những bệnh truyền nhiễm khác. Cụ thể, đối với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh phải tiếp xúc khoảng cách gần, cọ xát, da có trầy xước, quan hệ tình dục... với người mắc đậu mùa khỉ mới có thể bị lây truyền.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay việc ngăn chặn để bệnh không phát tán rộng là điều cần thiết. Khi không may, đậu mùa khỉ trở thành bệnh lưu hành ở một khu vực nào đấy, không thể nào làm sạch mầm bệnh, thì phải cố gắng kiểm soát để giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm tác hại của bệnh.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị đậu mùa khỉ. Tiêm vaccine đậu mùa có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine đậu mùa giảm dần theo thời gian. Để phòng ngừa, tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh. Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh. Cách ly, điều trị người bệnh tại cơ sở y tế. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh…

Đức Trân