Xuất khẩu gạo tiếp đà bứt phá

THANH TIẾN 09/10/2023 07:28

Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với thành tích này, gạo đang nằm trong top 3 mặt hàng nông sản đạt trị giá xuất khẩu cao nhất bao gồm cả rau quả và cà phê. Đáng chú ý, chỉ sau vài tuần chững lại và giao dịch chậm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã sôi động trở lại và lần đầu vượt cả Ấn Độ, Thái Lan, đạt 15 triệu đồng/tấn...

Để ngành gạo phát triển bền vững, cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo cùng với bố trí cơ cấu giống gieo trồng phù hợp, để mở rộng xuất khẩu. Ảnh: Lam Anh.

Giá gạo thời gian tới tăng hay giảm?

Điểm nhấn của ngành gạo nằm ở chỗ, xuất khẩu đạt 3,66 tỷ USD mà khối lượng chỉ ở mức 6,6 triệu tấn. Trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần 7,1 triệu tấn gạo. Điều đó cho thấy giá trị gạo xuất khẩu đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại ĐBSCL nhận định giá gạo sẽ tiếp tục giữ mức ổn định như hiện nay, ít nhất là đến hết năm 2023.

Trong nước, ngày 8/10 giá gạo tiếp tục duy trì đà đi ngang, dao động ở mức 7.800 – 8.100 đồng/kg. Kết thúc tuần, giá gạo tăng 100 - 150 đồng/kg lên mức 14.250 đồng/kg với gạo thành phẩm. Hiện tại một số chợ truyền thống, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo thơm hạt dài 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 19.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg…

Còn trên thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 598 USD/tấn. Xu hướng này của giá gạo được các chuyên gia dự báo tiếp tục giữ ổn định từ giờ tới cuối năm.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, nhìn lại từ năm 2019 đến nay, nước ta không còn xảy ra tình trạng phải giải cứu lúa gạo. Đây là thành quả khi chúng ta đi theo đúng định hướng sản xuất lúa gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp. Trên thị trường thế giới, gạo được giá và có thời điểm không có gạo để bán.

Không chỉ chiếm 80% thị trường Philippines và được người dân nước này ưa chuộng, gạo Việt Nam tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác như Malaysia, châu Phi... cũng khá ổn định. “Đối với ngành gạo, một số thị trường khi đã quen rồi thì thay đổi tập quán ăn uống cũng rất khó. Tuy nhiên, gạo Việt đã làm được những điều tưởng như không thể, chiếm được lòng tin của nhiều người dân Philippines bởi cơm mềm và có hương vị thơm” - ông Việt Anh thông tin và dự đoán, Ấn Độ sẽ chưa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong năm nay, thậm chí kéo dài sang năm sau vì hiện lượng mưa ở Ấn Độ rất thấp. Tuy nhiên, ngay cả Ấn Độ không cấm xuất khẩu gạo thì Việt Nam cũng không đủ gạo để bán do nhu cầu của thị trường rất lớn. “Gạo là sản phẩm thiết yếu. Chúng ta kỳ vọng giá cao nhưng ở góc độ người tiêu dùng, tất cả đều muốn giá cả hợp lý. Hơn nữa giá cao quá thì chúng ta dễ mất thị trường. Hiện gạo Việt nắm giữ thị phần áp đảo tại một số nước là nhờ chất lượng ổn định và giá cả hợp lý” - ông Việt Anh cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cũng dự đoán giá gạo từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định. “Tuy nhiên, nếu Ấn Độ thay đổi chính sách thì giá gạo sẽ biến động, nhưng hiện tại vẫn chưa thấy Ấn Độ thay đổi chính sách gì. Trong tình hình thế giới vẫn có nhu cầu lớn thì Ấn Độ có thay đổi chính sách cũng không ảnh hưởng lớn. Tôi cho rằng, nếu Ấn Độ có mở bán lại thì cũng không phải cùng một lúc mà sẽ mở bán từ từ thông qua các kênh giữa Chính phủ hoặc qua những quota phải đấu thầu... chứ không mở tràn lan để giá gạo xuống sâu” - ông Thành phân tích.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An nhận định, mặc dù giá gạo hiện nay tăng lên nhưng so với lạm phát và tăng giá của các mặt hàng khác trong 10 năm gần đây là tương đối phù hợp.

“Với một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu gạo tôi thấy giá lúa gạo ở Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ lập một mặt bằng mới. Biến đổi khí hậu khiến việc canh tác ngày càng khó khăn hơn, đồng nghĩa lương thực để cung cấp cho thế giới cũng ngày càng khan hiếm. Người tiêu dùng trên thế giới hay cả ở Việt Nam cũng sẽ phải chấp nhận mặt bằng giá mới này” – ông Bình cho biết.

Ngoài ra, theo nhận định của các doanh nghiệp, Philippines - khách hàng lớn nhất của ngành gạo Việt đã chính thức bỏ trần giá gạo nội địa, động thái này sẽ giúp thị trường khởi sắc trở lại. Giá gạo sẽ giữ ở mức cao.

Nông dân Hậu Giang đang thu hoạch lúa.

Liên kết để ổn định

Để đảm bảo đầu ra ổn định hạt gạo cho hạt gạo, nhiều năm nay, các địa phương vùng ÐBSCL đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân chưa mặn mà khi sản xuất liên kết, dẫn đến thiệt thòi khi thương lái “bẻ kèo”. Năm nay, do giá lúa gạo tăng cao tình trạng “bẻ kèo” của thương lái không xảy ra, nhưng không ít nông dân vẫn buồn vì chót nhận cọc giá thấp, khiến thu nhập bị giảm đáng kể.

Ông Tiến Hải (xã Trường Long A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, vụ thu hoạch này gia đình ông có lãi nhưng cũng tiếc vì đã nhận cọc của thương lái từ khi giá lúa ở mức 6.600 đồng/kg. “Lúc giá lúa lên thương lái liên tục tìm đặt cọc. Thấy họ thỏa thuận giá 6.600 đồng tôi đồng ý nhận cọc vì không nghĩ giá sẽ còn lên nữa. Giờ thu hoạch, giá lúa trên thị trường hơn 7.000 đồng/kg. Thương lái có hỗ trợ tôi thêm được một ít, nhưng không đáng kể. Tóm lại là nông dân luôn thua thiệt, giá thấp thì họ bỏ cọc, ép giá còn tăng thì hỗ trợ chẳng đáng là bao”- ông Hải nói.

Một số nông dân khi được hỏi cho biết, họ dự đoán giá gạo tiếp tục giữ ổn định từ nay tới cuối năm. Và giờ phải lời khoảng hơn 40% họ mới chịu bán lúa chứ không chấp nhận mức lợi nhuận khoảng 20% như trước đây. Hiện tại, bà con rất phấn khởi bởi lúa làm ra bao nhiêu thương lái và doanh nghiệp cũng mua hết.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo cùng chung nhận định, khi giá gạo “nóng lên” hồi tháng 8, nổi lên vấn đề thương lái bẻ kèo với doanh nghiệp và xảy ra tình trạng bán sang tay, đẩy giá lúa gạo tăng lên thêm. Vì thế, đã có một số doanh nghiệp không đủ nguồn xuất khẩu theo hợp đồng, ảnh hưởng uy tín.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế cho rằng, phải chú ý tới việc xây dựng vùng nguyên liệu, chừng nào còn mua trôi nổi thì chừng đó còn diễn ra tình trạng bẻ kèo.

Cùng quan điểm, ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, những doanh nghiệp có liên kết với nông dân và có nguồn hàng trước khi ký các đơn hàng xuất khẩu không gặp khó khăn trong đợt giá gạo tăng “nóng” như hồi tháng 8 năm nay.

“Khi đã liên kết với nông dân rồi thì giữa sản xuất với tiêu thụ mang tính hài hòa, tương đối ổn định, giá thị trường có biến động tăng các doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng gì” – ông Bình nói.

Thương lái thu mua lúa tại An Giang.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo nhận định của TS Trần Hữu Hiệp, trong ngắn hạn, từ nay đến giữa năm 2024, giá gạo sẽ vẫn giữ ổn định trong bối cảnh các nước tiếp tục tăng cường dự trữ lương thực trước các yếu tố bất lợi về biến đổi khí hậu và địa chính trị. Về lâu dài, để ngành gạo phát triển bền vững, cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo cùng với bố trí cơ cấu giống gieo trồng phù hợp, để vừa mở rộng các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng gạo cao như châu Âu vừa giữ vững được các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Quốc, Philippines…

“Có thể thấy, nhờ phát triển theo định hướng nâng cao chất lượng, những năm qua giá trị hạt gạo của Việt Nam ngày càng nâng lên. Có những lúc lượng xuất khẩu chúng ta giảm nhưng giá trị lại cao. Đặc biệt, trong những tháng vừa qua, giá gạo Việt nhiều lúc cao hơn giá gạo của Thái Lan. Chúng ta cần tiếp tục nâng cao chất lượng hạt gạo để mở rộng ở các thị trường khó tính. Tuy nhiên, cũng phải bố trí cơ cấu giống cho phù hợp để đảm bảo giữ vững các thị trường truyền thống; đồng thời, đảm bảo cung cấp gạo cho thị trường trong nước (chiếm 2/3 sản lượng) với giá cả hợp lý” - ông Hiệp cho biết.

Cũng theo ông Hiệp, để ngành lúa gạo phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư phát triển những mặt hàng chế biến sâu từ gạo như: mì, phở, bún… Tăng cường chế biến phụ phẩm từ cây lúa để nâng cao giá trị gia tăng.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng cuối năm 2023, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu. Bộ cũng đã tăng cường các giải pháp ổn định năng suất, chất lượng lúa gạo, trong đó tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông thêm 50.000ha.

THANH TIẾN