Mở rộng không gian văn hóa sáng tạo
Hà Nội sở hữu số lượng không gian văn hóa sáng tạo lớn của cả nước, giúp thành phố đạt được mục tiêu phát triển cân bằng và bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chí phân loại, đánh giá không gian văn hóa sáng tạo cho Thủ đô là hết sức cần thiết, từ đó hình thành, kết nối Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội với Mạng lưới không gian sáng tạo của Việt Nam và thế giới.
Hội tụ nguồn lực
Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Sau 4 năm gia nhập, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách để phát triển công nghiệp văn hoá, xây dựng thành phố sáng tạo. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO. Với việc trở thành thành viên của Mạng lưới sáng tạo của UNESCO, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội.
Cho đến nay, các không gian sáng tạo tại Hà Nội hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực như thiết kế, nghệ thuật thị giác, kiến trúc, âm nhạc, trình diễn, thủ công mỹ nghệ, xuất bản, nhiếp ảnh, điện ảnh... do các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức nước ngoài, các cá nhân, nhóm sáng tạo điều phối, tổ chức hoạt động. Các không gian cũng phong phú về loại hình.
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố hiện có 124 không gian sáng tạo, trong đó 33 không gian thuộc sở hữu nhà nước, 82 không gian thuộc sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân, 6 không gian công cộng, 21 không gian văn hoá di sản sáng tạo, 10 không gian giáo dục; 10 bảo tàng, 11 làng nghề thủ công; 16 DN sáng tạo, 24 không gian nghệ thuật, 4 không gian trực tuyến; 24 không gian sáng tạo bao gồm: thư viện, phòng tranh, cà phê, không gian làm việc chung.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội - một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, đã tiến bước trên con đường có tầm nhìn xa, rộng để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp văn hóa và tiềm năng sáng tạo của mình. Các hoạt động thực chất của Hà Nội trong 2 năm qua kể từ khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO là minh chứng rõ ràng cho sự tận tâm, cống hiến của thành phố trong việc khai phá sự sáng tạo như một động lực cho sự tiến bộ xã hội, kinh tế và văn hóa.
“Các không gian sáng tạo và văn hóa đóng vai trò là trung tâm của sự khéo léo và thể nghiệm, thúc đẩy kết nối giữa các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và tới cộng đồng rộng lớn hơn. Những không gian này không chỉ làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của Hà Nội mà còn tạo cơ hội việc làm, tạo sức sống cho thành phố và là chất xúc tác cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo” - ông Hồng nhấn mạnh.
Xây dựng mạng lưới sáng tạo phát triển, bền vững
Mặc dù là thành phố giàu lịch sử và văn hóa, tuy nhiên Hà Nội vẫn chưa thể huy động được những tiềm năng to lớn đó để tham gia vào hoạt động sống động và tiếp biến phát triển công nghiệp văn hóa.
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc thực hiện chương trình phát triển không gian sáng tạo, tạo lập hệ thống không gian sống động là yếu tố vô cùng quan trọng và chắc chắn khi thực hiện sẽ thành công. Khi làm được điều đó, sẽ giúp cho Hà Nội sẽ trở nên lung linh hơn, có nhiều cơ hội cho chúng ta hoạt động thu hút được khách du lịch và làm cho người dân yêu quê hương của mình hơn. Cùng với đó, thế hệ trẻ sẽ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, phát triển bản thân, góp phần đưa hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam vươn tầm đến thế giới.
Theo giới chuyên gia, để hiện thực hóa một tương lai đô thị bền vững, đổi mới thì Hà Nội cần bắt tay vào phân loại, đánh giá các không gian sáng tạo. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, xây dựng bộ tiêu chí để tham gia Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo của thành phố với mong muốn giữ gìn, phát triển không gian sáng tạo để người dân Thủ đô và du khách hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Theo bộ tiêu chí, khi tham gia Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội, các thành viên sẽ được cấp chứng nhận thành viên, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định. Hỗ trợ kết nối công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của không gian trên hệ thống trang chính thức thành phố sáng tạo Hà Nội.
Một số đại diện doanh nghiệp không gian sáng tạo cho rằng, khi thành lập bộ tiêu chí để tham gia Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo của Hà Nội sẽ tạo thuận lợi, có định hướng về phát triển sáng tạo văn hoá, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi kinh doanh.
KTS Nguyễn Bùi Vũ - chủ đầu tư Complex 01, một không gian văn hóa sáng tạo, kiến nghị, cần phải có những hướng dẫn, hỗ trợ về mặt định hướng trong việc tổ chức các hoạt động sáng tạo để doanh nghiệp có thể tham gia vào các hoạt động sáng tạo, mang lại những giá trị nhiều hơn cho xã hội, cũng như mang lại những lợi ích cho chính doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.
Còn theo TS Nguyễn Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Phát triển CNVH và nghệ thuật đương đại (VICAS), bộ tiêu chí còn đang theo hướng hành chính hoá. Cụ thể, theo bộ tiêu chí, để tham gia mạng lưới của thành phố, các không gian sáng tạo cần phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy, kê khai thuế, có tư cách pháp nhân… Với tiêu chí như vậy, trong 124 không gian văn hoá sáng tạo có bao nhiêu nơi đủ điều kiện? Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo cần giảm thiểu thủ tục hành chính, hoạt động trên tinh thần tự nguyện.