Mưa lớn ở Cà Mau, hàng chục ngàn ha lúa tôm, hoa màu ngập úng
Triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa, hoa màu ở Cà Mau bị ngập úng.
Gia đình anh Lê Văn Nào ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh có 1,5 ha đất sản xuất lúa – tôm mới xuống giống được khoảng 1 tuần thì xảy ra mưa lớn kéo dài. Mực nước trong nội đồng liên tục dâng cao, ngập cả ngọn lúa. Cấy lúa trên đất nuôi tôm người dân thường không cấy sâu để tránh mặn nên lúa bị nổi rất nhiều.
“Lúa nhà tôi bị ngập toàn bộ. Ở đây nhà nào cũng vậy, lúa chìm trong nước hết. Thiệt hại chưa thê thống kê được, mong sao trời hết mưa mới tranh thủ bơm nước, cứu được lúa”, anh Nào chia sẻ.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua trùng với thời điểm triều cường dâng cao nước trong các kênh rạch thông ra biển không rút được. Hiện đang ngay thời điểm người dân các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời,… tiến hành trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm nên nhiều nông hộ bị ảnh hưởng. Riêng tại huyện U Minh đã có hơn 5.100 ha đất lúa - tôm bị ngập. Mặc dù hộ gia đình nào cũng có máy để bơm tát nước nhưng vẫn chịu cảnh thiệt hại.
Anh Trần Văn Trung, ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cho biết: “Mấy đêm rồi, đêm nào mưa cũng lớn. Tôi ráng chạy máy ga lớn để cứu lúa nhưng tát không kịp, đành phải bỏ. Nhìn lúa chìm trong nước mà xót ruột".
Không chỉ lúa mà hoa màu, thủy sản nuôi của người dân địa phương cũng bị ngập úng, thất thoát. Như gia đình ông Trần Hoàng Lăng (ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh) diện tích vườn quanh nhà bị ngập hoàn toàn. Nước dâng cao khiến những ao nuôi cá đồng hòa chung với diện tích ruộng lúa thành khoảng không mênh mông nước.
Ông Lăng cũng không biết cá nuôi của gia đình mình đã trôi đi đến đâu, bởi các bờ bao ngăn đã tràn nước.
“Cá thì không chết mà tràn hết ra ngoài. Tôi nuôi cá lóc, cá thác lác, cá sặc bổi nên thất thoát rất nhiều. Ra ngoài vườn nhìn mấy liếp rau cải, với hành, hẹ cũng chìm trong nước. Đường xá cũng ngập hết, đi lại bây giờ cũng khó khăn. Không thấy đâu là đường nữa”, ông Lăng chia sẻ.
Ngập lụt những ngày qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau không chỉ gây ảnh hưởng sản xuất mà còn ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của người dân. Số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ ngày 2 đến ngày 7/10, toàn tỉnh có hơn 22.000 ha lúa, hơn 170 ha rau màu và nhiều ha cây ăn trái bị ngập. Tại TP Cà Mau có 423 nhà dân và nhiều tuyến đường bị chìm trong nước. Ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài và triều cường dâng cao còn làm nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn, nhà dân ở một số khu vực nông thôn xảy ra tỉnh trạng ngập lụt cục bộ.
Theo dự báo trong các tháng 9, 10 và 11 (âm lịch), mực nước cao nhất các đợt triều cường sẽ có khả năng ở mức báo động III, tức khoảng 2m, thậm chí có khả năng vượt cả mức báo động III. Ðặc biệt, với mức triều này, nếu kết hợp với mưa lớn, sẽ gây ngập lụt một số vùng trũng thấp.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này hoàn toàn có khả năng xảy ra, bởi theo dự báo từ đây đến cuối năm 2023, bão, áp thấp nhiệt đới vẫn còn nguy cơ cao và có đường đi phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp khu vực Nam Bộ, nhất là vào các tháng 11, 12.
Trước diễn biến cũng như những dự báo kịch bản thời tiết từ đây đến cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo hoả tốc số 7782/UBND-NNTN, ngày 3/10/2023, về khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó, khắc phục ngập úng do mưa lớn và triều cường gây ra.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường, thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ vuông, bờ thửa, bờ bao khuôn hộ bảo vệ sản xuất; hướng dẫn người dân kê cao tài sản, hàng hoá hoặc di dời để tránh ngập gây hư hỏng; thực hiện các biện pháp phòng tránh ngập gây thiệt hại tài sản, tài liệu của cơ quan, đơn vị; vận động người dân tích cực khơi thông cống rãnh để tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường nhà ở, khu vực xung quanh nhà ngay sau khi hết ngập nước để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh…