[ẢNH] Hà Nội: Làng Mễ Trì rộn ràng mùa cốm mới

Lê Khánh 09/10/2023 10:39

Nghề làm cốm ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Cứ độ cuối tháng 9, đầu tháng 10 người dân làng cốm lại tất bật cho vụ cốm mới, hương thơm tỏa ngào ngạt khắp cả ngôi làng...

Nghề làm cốm ở Mễ Trì đến nay đã trải qua hơn một thế kỷ và được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cứ độ cuối tháng 9, đầu tháng 10 làng cốm lại tất bật sản xuất mùa cốm lớn nhất trong năm.
Để làm được cốm, người dân gặt lúa về, tuốt lấy hạt, sàng bỏ những cọng rơm, đãi qua nước, chọn lấy những hạt mẩy rồi đổ vào chảo rang bằng gang đúc. Rang lúa sao cho hạt cốm chín tới, không giòn mà tróc trấu là công đoạn khó nhất trong nghề làm cốm.
Ngọn lửa rang cốm cũng cần một sự chăm chút vô cùng cẩn thận. Khi mới rang cốm, lửa phải để to đều, nhưng khi gạo bắt đầu tái trắng thì để bớt lửa đi. Cốm rang cần được đảo liên tục cho nóng đều, bởi chỉ cần quá lửa chút là hạt cốm sẽ gãy.
Công đoạn giã đòi hỏi sao cho hạt cốm vừa mỏng vừa tơi, hạt vẫn giữ nguyên, không bị vụn. Tỷ lệ 10 kg thóc thì được 1,6 - 1,7 kg cốm.
Để chọn lọc những hạt cốm chất lượng nhất đến tay khách hàng, các cơ sở đều phải sàng lọc vô cùng tỉ mỉ để chọn ra những hạt cốm đạt chất lượng.
Mẻ cốm hoàn thành, tỏa ngát hương, ngay lập tức được đưa ra thị trường.
Người dân làng cốm Mễ Trì sử dụng máy hút chân không để giữ cốm luôn tươi ngon khi đến tay khách hàng.
Những phần lúa đã được lấy hết hạt được phơi khô để buộc các gói cốm, tạo sự thân thuộc đối với người dân Việt Nam.
Không chỉ có món cốm truyền thống, các mặt hàng như xôi cốm, bánh cốm... cũng được người dân nơi đây sáng tạo để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Nhờ vậy, cốm Mễ Trì đã trở thành một món ăn tao nhã, đặc sản của người dân Thủ đô...

Lê Khánh