Quan tâm, khuyến khích đội ngũ 'cơm nhà, việc Mặt trận'
Tại Hội nghị tổng kết và ký kết Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam diễn ra chiều 9/10 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu, đề xuất giải pháp định hướng cho công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, công tác phối hợp giữa 3 đơn vị ngày càng chặt chẽ, khoa học, hiệu quả và đạt được những kết quả tích cực; các cơ quan luôn chủ động và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhau để triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bà Trần Kim Yến kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm chỉ đạo giải quyết triệt để ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân khi xác định được nguyên nhân bức xúc, tồn tại điểm nghẽn; chú trọng giao nhiệm vụ theo vai chủ trì, vai phối hợp đối với các ý kiến, kiến nghị liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp; đồng thời nghiên cứu quy định mở rộng các kênh thông tin kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri một cách nhanh chóng như: quy định đăng tải kiến nghị cử tri và kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trên phương tiện thông tin đại chúng, trên Website của Quốc hội và Ủy ban nhân dân các cấp để đông đảo cử tri có thể truy cập, theo dõi.
Bà Trần Kim Yến cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Khoản 1, điều 26 Luật MTTQ Việt Nam, trong đó bổ sung đối tượng giám sát là đảng viên nhằm đảm bảo thống nhất thực hiện với các quy định trong Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu ban hành Luật Giám sát và phản biện xã hội, trong đó cần quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản Quy phạm pháp luật, đồng thời quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát.
“Cần xem xét, điều chỉnh Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng mở đối với nội dung hỗ trợ chi kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhằm động viên, khuyến khích đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, người có uy tín tham gia, hướng dẫn kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng khi thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, bà Trần Kim Yến kiến nghị.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất, dự thảo Nghị quyết liên tịch về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới cần bổ sung nội dung về động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc giám sát cán bộ, viên chức các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu, phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định pháp luật.
Theo ông Nguyễn Túc, giám sát và phản biện xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, nhiệm vụ trung tâm của Mặt trận, trong các cấp Mặt trận đều có các hội đồng tư vấn, tổ tư vấn, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Những người "cơm nhà, việc Mặt trận" này đã giúp MTTQ Việt Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, thông tin phục vụ cho công tác giám sát, phản biện xã hội. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Túc kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cùng với MTTQ Việt Nam có những chính sách động viên, khuyến khích đối với đội ngũ chuyên gia này.