Có nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

T.Hằng - M.Sang 10/10/2023 07:25

Trong nhiều năm trở lại đây, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để can thiệp thị trường mỗi khi có biến động giá. Tuy nhiên, tình hình quản lý và sử dụng quỹ của các doanh nghiệp cũng đặt ra câu hỏi vai trò của quỹ này.

Thị trường xăng dầu đang có nhiều điểm nghẽn.

Phát sinh những bất cập

Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ bình ổn) là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Tuy nhiên, các vụ việc liên quan đến Quỹ bình ổn xảy ra trong thời gian gần đây đặt câu hỏi về cách thức quản lý cũng như cách thức điều hành Quỹ bình ổn.

Điển hình là một đầu mối kinh doanh xăng dầu tại miền Nam, Công ty Xuyên Việt Oil vi phạm các quy định liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với Công ty Xuyên Việt Oil. Công ty này cũng bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hoạt động. Theo quy định, Công ty Xuyên Việt Oil phải nộp lại toàn bộ số tiền từ Quỹ bình ổn giá vào ngân sách nhà nước, tuy nhiên đơn vị chưa chuyển lại số tiền 219,34 tỷ đồng - số dư Quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp tính đến ngày 30/6/2023.

Theo các quy định về kinh doanh xăng dầu, nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và được hạch toán, theo dõi riêng bằng tài khoản mở tại ngân hàng. Việc chi sử dụng quỹ do liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.

Nhưng trên thực tế, việc quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn đang phát sinh những bất cập, trong đó việc 2 lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị bắt liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một điển hình, điều này cũng cho thấy nhiều bất cập trong quản lý hơn 7.000 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang nằm tại doanh nghiệp.

Đã đến lúc bỏ quỹ hay chưa?

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đã đến lúc không nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi, Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, từ giá gạo cho đến các mặt hàng khác đều điều tiết theo cơ chế thị trường. Giữ Quỹ bình ổn nhằm tạo ra sự ổn định nhất định nhưng sự thực lại không ổn định như mục đích.

Cùng quan điểm, GS.TS Phạm Thế Anh - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để xăng dầu có giá sát thị trường, đồng thời để giải phóng nguồn lực cho xã hội.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nói rằng, thời gian qua có nhiều ý kiến đánh giá hoạt động không hiệu quả về Quỹ bình ổn, cho nên phải có những giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu thay vì để tiền trong quỹ rồi điều hành như hiện nay.

Liên quan đến việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong Luật Giá (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thì vẫn có quy định về Quỹ bình ổn giá. Trước khi thông qua, Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều ý kiến và có báo cáo đầy đủ, khách quan đối với việc duy trì quỹ hay không.

Theo ông Chi, cùng với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, một giải pháp quan trọng là dự trữ nhà nước. Hiện Bộ Công thương đã thực hiện dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu. Nhưng trong đề xuất xây dựng chiến lược ngành Dự trữ nhà nước thì Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để nâng cao vai trò của Tổng cục Dự trữ nhà nước trong dự trữ xăng dầu, để có thể đáp ứng nhu cầu trong tình uống cấp bách, thậm chí là nếu đủ tiềm lực thì can thiệp vào bình ổn giá.

T.Hằng - M.Sang