Triển vọng sáng của ngành cà phê
Xuất khẩu cà phê tiếp tục ghi nhận những ấn tượng với con số dự báo xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD, tức là sẽ vẫn lập được mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Tăng giá trị
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 9/2023 đạt 65.000 tấn, trị giá 205 triệu USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 20,8% về trị giá so với tháng 8/2023. So với tháng 9/2022, xuất khẩu cà phê trong tháng 9/2023 giảm 32,7% về lượng và giảm 12,8% về trị giá. Trong quý III/2023, Việt Nam xuất khẩu 259.000 tấn cà phê, đạt kim ngạch 774 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước tính đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với cơ cấu chủng loại, xuất khẩu cà phê nhân xô giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng xuất khẩu cà phê chế biến tăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), do đẩy mạnh lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 nên trữ lượng xuất khẩu dành cho năm 2023 thấp, trong khi đó, sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ 2022/2023 giảm tới 10-15% so với niên vụ 2021/2022 do thời tiết không thuận lợi. Dẫn tới, lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao 10% so với năm trước, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ.
Đối với thị trường cà phê trong nước, giá cà phê nhân trên thị trường nội địa năm nay tăng cao, có thời điểm lên mức cao nhất 30 năm, vượt mốc 68.000 đồng/kg. Đến nay, giá bắt đầu giảm và đang dao động trong khung 64.200 – 64.600 đồng/kg, nhưng đây vẫn đang là vùng giá tốt.
Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho hay, bên cạnh việc nguồn cung suy giảm so với cầu, thì việc ngành cà phê nước ta đã nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê cũng là nguyên nhân đưa giá cà phê xuất khẩu tăng cao. Những năm qua, các doanh nghiệp cà phê nước ta đã thay đổi tư duy canh tác hướng đến sản xuất bền vững, có chứng nhận quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm nếu muốn xuất khẩu cà phê tới thị trường này.
Cà phê được ghi nhận là mặt hàng xuất khẩu chính của Gia Lai với sản lượng 165.000 tấn kể từ đầu năm đến nay.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai, mục tiêu của tỉnh là sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha vào năm 2025. Trong giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, tỉnh sẽ phát triển với diện tích cà phê đặc sản đạt 2.300ha. Vừa qua, sản phẩm cà phê Gia Lai cũng đã được lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam" bởi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai có bước tiến mạnh mẽ và vững chắc trên thị trường toàn cầu.
Những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân cả nước cũng đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Trên thị trường nội địa, ghi nhận vào ngày 7 và 9/10, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được thu mua quanh mức 63.700 - 64.000 đồng/kg. Như vậy chỉ sau 1 tuần, giá cà phê trong nước đã giảm mạnh 2.200 - 2.400 đồng/kg.
Nhiều triển vọng
Mặc dù giá đang có dấu hiệu giảm, nhưng ghi nhận ý kiến từ giới chuyên gia, hầu hết đều cho rằng, triển vọng ngành hàng cà phê vẫn rất sáng trong năm 2024 và nhiều năm tới.
Thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt trên thị trường thế giới, Bộ NNPTNT và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Vì vậy, Bộ NNPTNT xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
“Vấn đề quan trọng nhất cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất ở các vùng miền để nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho cà phê Việt Nam. Nhiệm vụ chính của đề án là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chuẩn của quốc tế và đặc biệt hướng đến giảm phát thải. Nội dung này đã được Bộ NNPTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các địa phương xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ cho người dân sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.