Sốc phản vệ do tự ý sử dụng kháng sinh
Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) cho biết, vừa tiếp nhận, cấp cứu 1 trường hợp sốc phản vệ độ III do tự ý mua, dùng thuốc kháng sinh Cephalexin.
Bệnh nhân T.T.H. (62 tuổi, ở thị trấn Nghĩa Đàn), vào viện trong tình trạng nổi mẩn ngứa toàn thân, tức ngực, khó thở, da tím tái, lạnh, sốc. Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân T.T.H. đã từng 2 lần bị dị ứng, lần này, trước khi nhập viện, bà H. đã tự mua kháng sinh Cephalexin về uống. Sau khi uống thuốc 20 phút, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, ngay lập tức, được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành khám, làm các xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán sốc phản vệ độ III do tự ý dùng thuốc kháng sinh. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, hết tím tái. Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi tại trung tâm.
Trước đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) cũng thông tin về trường hợp một nữ bệnh nhân nguy kịch, phản vệ độ II khi tự ý mua thuốc hạ sốt về uống. Cụ thể, nữ bệnh nhân B.K.D. (29 tuổi, TP Cẩm Phả) được người thân đưa đến nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, tức ngực, sẩn ngứa toàn thân.
Khai thác nhanh từ người thân bệnh nhân được biết, trước đó 1 ngày chị D. bị sốt nên có ra hiệu thuốc mua thuốc hạ sốt về uống. Trong quá trình mua, chị D. có nói với nhà thuốc bản thân có tiền sử dị ứng với Paracetamol, Ibuprofen nhưng nhân viên bán thuốc nói Ibuprofen là thuốc chống viêm, hạ sốt, ít gây dị ứng nên vẫn bán cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, sau khi uống 1 viên Ibuprofen 400mg được khoảng 1 giờ, chị D. xuất hiện tức ngực, khó thở, nổi ban ngứa toàn thân. Trước tình thế khẩn cấp, chị D. đến phòng khám tư gần nhà và được xử trí tại đó. Sau khi được xử trí, chị D. hết khó thở, hết nổi ban ngứa và được bác sĩ tư vấn nên vào viện ngay để theo dõi, điều trị tiếp.
Tuy nhiên, thấy cơ thể đã đỡ nên chị D. không vào viện mà quay về nhà. Sau 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện nổi ban ngứa toàn thân, kèm theo khó thở... Lúc này chị D. mới vào viện cấp cứu. Quá trình thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán chị D. bị sốc phản vệ độ II với thuốc Ibuprofen nên kíp cấp cứu xử trí phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế.
Thực tế, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng trong những năm qua, tình trạng một số người khi bị bệnh nhưng ngại đến bệnh viện, tự tìm mua kháng sinh để uống vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều người bị cảm cúm do virus cũng tự mua kháng sinh về dùng với mong muốn nhanh khỏi bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc là vô cùng nguy hiểm. BS Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng bộ phận điều trị oxy cao áp của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga cho rằng: Nhiều người thường có thói quen tự ý dùng thuốc mỗi khi mắc phải một số triệu chứng thông thường như: ho, sốt, đau đầu, mất ngủ, cảm thấy không được khỏe... Đây là hành động có thể rất nguy hiểm do những tác hại không thể lường trước được, như có thể gây kháng thuốc, sốc thuốc nguy hiểm đến tính mạng, các tác dụng phụ không mong muốn, rối loạn chức năng của các cơ quan không hồi phục... thậm chí có thể làm bỏ sót các bệnh nguy hiểm. Sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh không đúng liều, đúng bệnh dễ gây ra tình trạng kháng thuốc, đa kháng thuốc.
Đến khi thực sự cần thiết thì các thuốc kháng sinh này không còn hiệu quả, làm khó khăn và thất bại trong điều trị. Các nhóm thuốc giảm đau, corticoid sử dụng lâu ngày, bừa bãi không đúng cách gây ra nhiều tác dụng không mong muốn từ viêm loét dạ dày tá tràng cho tới xuất huyết nội tạng, rối loạn điều hòa hoạt động các cơ quan như loãng xương, hội chứng cushing do thuốc, suy vỏ thượng thận... Các thuốc này còn làm giảm hoặc mất các triệu chứng quan trọng khiến người bệnh dễ bỏ sót các nguyên dân gốc nguy hiểm như các khối u, viêm tụy cấp, viêm ruột thừa... hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng một số bệnh như: Các vấn đề về tim mạch, lao phổi... Ngoài ra, hầu hết tất cả các loại thuốc kể cả thực phẩm chức năng đều chuyển hóa và đào thải qua gan, thận nên có thể vô tình làm tổn thương hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh sẵn có của các cơ quan này.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, người bệnh không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ. Trẻ nhỏ và người cao tuổi cũng là những đối tượng cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, người dân cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự động thay đổi thuốc cũng như liều lượng và thời gian sử dụng thuốc. Tuyệt đối không được tự ý kéo dài thời gian sử dụng thuốc vì có thể gây phản tác dụng. Người bệnh cũng cần lưu ý, không chia sẻ đơn thuốc của mình với người thân, bạn bè có cùng các triệu chứng bởi sức khỏe và cơ địa của mỗi người không giống nhau.