Tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các nạn nhân da cam
Trong những năm qua, Hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã và đang có nhiều hoạt động để xoa dịu nỗi đau, giúp các nạn nhân CĐDC vươn lên, ổn định cuộc sống.
Tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho các nạn nhân da cam
Với mong muốn bù đắp phần nào những mất mát, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động với những cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân CĐDC.
Trong giai đoạn 2018-2023, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đã vận động được tổng số tiền và hiện vật quy đổi là hơn 27 tỷ đồng. Số tiền này được dành để thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp khó khăn; hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở; trợ giúp vốn, công cụ, phương tiện sản xuất; hỗ trợ nuôi dưỡng hàng tháng; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe…. Hơn 5 năm qua, trên 600 nạn nhân CĐDC đã được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở mới; 523 nạn nhân được hỗ trợ vốn, công cụ, phương tiện sản xuất để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống; 141 nạn nhân được hỗ trợ nuôi dưỡng hằng tháng; gần 1.500 lượt nạn nhân được hỗ trợ chăm sóc, khám chữa bệnh, giải độc tố, phục hồi chức năng…
Trở về từ cuộc chiến, cựu binh Đào Xuân Thịnh (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) mang trong mình di chứng chất độc da cam khiến sức khỏe ngày càng suy yếu, giờ đây ông Thịnh bị tai biến não và liệt nửa người. Hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi bà Nguyễn Thị Len (vợ của ông Thịnh) mắc bệnh hiểm nghèo. Ba trong số năm người con của ông lần lượt mất, chỉ còn lại 2 người; đến thế hệ thứ 3, một người cháu của ông cũng bị bệnh thần kinh… Vì vậy mà hơn 40 năm qua, gia đình ông Thịnh vẫn ở trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, dột nát.
Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh tỉnh vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 150 triệu đồng giúp ông Thịnh xây nhà ở mới. Trong đó, Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 60 triệu đồng. Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Len vừa nghẹn ngào vừa nói: “Ngôi nhà cũ đã xây dựng từ hơn 40 năm trước, cứ đến mùa mưa bão là cả gia đình lại phải dọn đi nơi khác để ở vì lo nhà bị sập. Đến năm nay gia đình được hỗ trợ xây nhà mới nên có thể an tâm rồi”. Đôi mắt của người cựu binh già ánh lên sự phấn khởi, xúc động bởi lẽ chưa bao giờ ông dám nghĩ là mình sẽ có ngôi nhà mới, khang trang như bây giờ.
Không chỉ riêng gia đình ông Thịnh, niềm vui khi có được ngôi nhà mới còn tiếp tục lan tỏa đến thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều. Trung tuần tháng 7 vừa qua, ngôi nhà mới của bà Đặng Thị Sim và người con gái tật nguyền do di chứng chất độc da cam Phạm Thị Bẩy đã chính thức được khánh thành.
Ngắm nhìn ngôi nhà mới của mình, bà Sim không khỏi xúc động: “Cảm ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền, mẹ con tôi đã có được ngôi nhà mới. Tôi rất biết ơn”. Giờ đây, khi đã được ở trong ngôi nhà kiên cố, người phụ nữ gần 90 tuổi mới thật sự an lòng để yên tâm chăm sóc cho con. Dẫu biết cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng ngôi nhà mới chính là hy vọng, là niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Theo thống kê, tại tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 4.300 nạn nhân da cam. Nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng qua nhiều thế hệ, là minh chứng rõ nét cho sự tàn khốc và đau thương mà chiến tranh đã để lại. Những nạn nhân da cam và gia đình của họ vẫn đang ngày ngày sống trong sự đau đớn về cả tinh thần lẫn thể xác.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội nạn nhân CĐDC/ dioxin tỉnh Quảng Ninh đã cùng tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách, các văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước về công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức có hiệu quả hơn trước. Đồng thời, tổ chức các sự kiện gắn với các nội dung tuyên truyền tạo sức lan tỏa trong xã hội, hướng các nguồn lực xã hội hóa vào các mục tiêu kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin, trọng tâm là cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tăng thu nhập của nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Hội cũng xây dựng được mối quan hệ, kết nối với nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm liên tục đồng hành với nạn nhân chất độc da cam, giúp họ giảm bớt khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với sự đoàn kết, đồng tâm phối hợp chặt chẽ của tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở, đổi mới trong các hoạt động linh hoạt, sáng tạo trong cách làm và tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ hội các cấp, hoạt động của Hội luôn được triển khai đồng bộ và xuyên suốt.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Phương Yên, Quyền Chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/dioxin phường Bạch Đằng bày tỏ: “Chúng tôi làm bằng cái tâm, bằng tinh thần trách nhiệm. Tôi chỉ mong được cùng chung tay hỗ trợ và chia sẻ 1 phần nào đó những khó khăn mà các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và gia đình họ phải chịu đựng”.
Hội nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành việc xác định nạn nhân qua các thế hệ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để các nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, phấn đấu đảm bảo 100% hộ gia đình người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.