[eMagazine] Quảng Nam: Miền núi chăm lo cho thế hệ tương lai
Năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị rất cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đã huy động học sinh ra lớp ổn định. Đó cũng là kết quả của việc triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Năm học mới 2023 - 2024, ngành Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị rất cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đã huy động học sinh ra lớp ổn định. Đó cũng là kết quả của việc triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Chúng tôi trở lại vùng đất bị sạt lở núi kinh hoàng vào ngày 28/10/2020 ở làng Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, lần đó đã vùi lấp 15 ngôi nhà, có đến 55 người chết, bị thương và mất tích, lực lượng chức năng đã cứu sống 33 người, tìm thấy 10 người chết, đến nay vẫn còn 12 người mất tích. Chính nhờ sự vào cuộc sớm của chính quyền, Mặt trận các cấp, các nhà hảo tâm, sự nỗ lực không ngừng vươn lên của người dân, giờ đây cuộc sống của bà con nơi này đã ổn định và từng ngày đổi thay, trong đó có giáo dục, trẻ em đã được đến với trường lớp đã ổn định, khang trang.
Điều đó đã minh chứng cho thành công của quá trình triển khai hiệu quả Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 cùng với đó là Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi của Tỉnh ủy Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nội dung nói trên cùng với những chính sách quan trọng khác đã thật sự đem lại hiệu quả trong đó có chăm lo cho GDĐT.
Như tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBT) Tiểu học, ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nơi có hơn 397 em học sinh, với 15 lớp học, từ lớp 1 đến lớp 5 trong năm học mới 2023 - 2024. Nơi đây, cơ sở, vật chất và trang thiết bị, sách vở được nhà trường chuẩn bị cơ bản đầy đủ phục vụ giảng dạy năm học mới. Thật sự vui mừng khi thấy các em tung tăng đến trường, vui chơi và được nghe tiếng thầy, cô giảng bài, cảm nhận được ở vùng đất này bình yên.
Thầy Bùi Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng cho hay, trước khi bước vào năm học, nhà trường đã huy động các thầy, cô giáo đến trường dọn dẹp vệ sinh và kiểm tra lại bàn ghế, dụng cụ học tập để chuẩn bị cho học sinh đến trường đi học trở lại. Còn từ khi khai giảng đến nay mọi việc đã ổn định.
Thầy Ngọc cho biết cụ thể hơn: “Để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GDĐT huyện Nam Trà My đã cung cấp đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ cho công tác giảng dạy. Nhà trường đã triển khai cho toàn thể cán bộ, giáo viên về các mặt công tác cho năm học mới. Tuy nhiên, hiện nay nhà trường đang thiếu một giáo viên dạy môn tin, do chưa tuyển dụng được nên cũng gặp khó khăn về vấn đề này. Nhưng thật đáng mừng, thầy cô ở đây đều tận tâm, tận lực với học trò, còn các cháu ngoan hiền, chăm lo hiếu học. Đối với chúng tôi đó thật sự là hạnh phúc”.
Cô Nguyễn Thị Vy, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng cho biết: “Trước khi bước vào năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo cho cán bộ, giáo viên đến các nhà dân tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Nhà trường đã sửa chữa lại bàn ghế, khu vui chơi, phòng học để đảm bảo công tác dạy học, đến nay các em đã đến trường ổn định việc học, chúng tôi vô cùng mừng rỡ”.
Không chỉ ở Trà Leng mà các địa phương khác ở miền núi Quảng Nam đã triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy rất hiệu quả. Như đã chăm lo ổn định cơ sở vật chất cho năm học mới này.
Như tại xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập cho biết: “Năm học này nhà trường có tổng cộng 457 em học sinh. Để đưa được các em học sinh này đến lớp, với trường, trước khi bước vào năm học mới các thầy cô đã đến từng thôn bản làng, động viên phụ huynh và các em học sinh vượt khó đến lớp học trở lại. Cùng với đó là chăm lo sao cho cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới. Nay mọi việc đã ổn định, đó thật sự là niềm khích lệ với chúng tôi”.
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng Phòng GDĐT huyện Nam Trà My cho biết, dưới sự quan tâm và chỉ đạo của Sở GDĐT, UBND huyện Nam Trà My thì ngành GDĐT địa phương đã chuẩn bị kỹ càng cho năm học mới. Về công tác xây dựng cơ sở vật chất, phòng học và dọn dẹp vệ sinh, trang trí và chuẩn bị các điều kiện ăn ở sinh hoạt cho học sinh thật chu đáo. Đặc biệt là học sinh bán trú cơ bản đảm bảo.
“Còn các trang thiết bị dạy học, trong đó sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 đã được phòng GDĐT mua bổ sung, còn lớp 4 và lớp 8 thì đơn vị mua mới hoàn toàn để cấp cho các em học sinh người đồng bào DTTS, hiện nay sách đã đến các trường học rồi. Tuy nhiên riêng về thiết bị dạy học của chương trình mới thì hiện nay vẫn còn thiếu, do chưa có nguồn kinh phí để bổ sung trang thiết bị dạy học cho học sinh”, ông Võ Đăng Thuận nói.
Ông Thuận cũng cho biết thêm, năm học 2023 - 2024, toàn huyện Nam Trà My có tổng cộng có 29 trường, từ mầm non đến Trung học cơ sở (THCS), trong đó trường Mầm non, Mẫu giáo có 10 trường, Tiểu học có 8 trường và THCS có 8 trường và 3 trường có 2 cấp học từ Tiểu học đến THCS, tổng số 367 lớp học, với số lượng hơn 9.800 học sinh.
Trong khi đó tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, trước khi bước vào năm học mới, các thầy cô đã đến trường dọn dẹp khuôn viên sân trường, phòng học, bàn ghế, trang thiết hoặc cho sửa chữa lại phòng học;... để đón học sinh bước vào năm học mới.
Cô Bùi Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My cho biết: “Năm học 2023 - 2024, có 9 lớp học ở 5 điểm trường, với số lượng hơn 210 em. Mọi công tác chuẩn bị cho năm mới hoàn thiện, nay chúng tôi đã đón các cháu đi học trở lại. Thật sự mọi việc giờ đã ổn định chúng tôi mới an tâm”.
Cô Lê Thị Thanh Hiền, giáo viên Trường Mẫu giáo Họa Mi cho hay: “Trước khi bước vào năm học mới, toàn thể giáo viên của trường đã dọn vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên trường học, trang trí các hình ảnh dễ thương để đón các em học sinh đi học. Chúng tôi còn kiểm tra, lau chùi trang thiết bị, dụng cụ học tập; quét sơn các khu vui chơi của em để tạo một điểm mới mẻ, gây ấn tượng cho học sinh vào năm mới. Nay mọi việc đã ổn định các em đã trở lại trường học, đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi”.
Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng phòng GDĐT huyện Bắc Trà My cho biết, năm học này từ cấp Mầm non đến THCS ở huyện có hơn 11.600 học sinh, với 448 lớp học. Sách giáo khoa cho chương trình GDPT mới 2018, đơn vị đã tham mưu UBND huyện cấp kinh phí cho các đơn vị trường học mua sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 với tổng nguồn kinh phí là hơn 500 triệu đồng. Cùng với đó, 100 % cán bộ quản lý và giáo viên đều được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực; tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục học sinh khuyết tật học hòa nhập và học sinh di cư có hoàn cảnh khó khăn; bồi dưỡng giáo viên THCS và Tiểu học sử dụng sách giáo khoa lớp 8 và lớp 4 năm học 2023-2024.
Ông Tú còn cho biết cụ thể: “Từ nguồn các chương trình mục tiêu ngành GDĐT đang tiếp tục đầu tư xây mới hơn 15 công trình trường học với tổng nguồn vốn hơn 70 tỷ đồng và UBND huyện đã cấp kinh phí sửa chữa trường lớp học như: sơn sửa trường lớp, cổng trường, thay hệ thống điện, sửa nhà vệ sinh, nhà công vụ giáo viên gần 5 tỷ đồng, và cấp gần 2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học cần thiết như: tivi máy vi tính, bàn ghế học sinh, bảng, các thiết bị dạy học cho bậc mầm non,…”
Không chỉ 2 huyện nói trên, mà hiện tại ở các huyện miền núi của Quảng Nam như: Phước Sơn, Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang;… đã được các cấp chính quyền, ngành GDĐT đã chỉ đạo các trường khẩn trương nỗ lực hoàn tất các công việc sửa chữa phòng học, trang thiết bị dạy học đến ổn định đội ngũ giáo viên. Đặc biệt đẩy mạnh công tác vận động học sinh đến lớp cùng với đó thực hiện dạy và học thật tốt.
Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết: “Về công tác chuẩn bị năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh có tổng số trường 727 trường, tổng số học sinh 345.968 học sinh, tăng 3.102 học sinh so với cuối năm học 2022-2023, trong đó số học sinh tuyển mới lớp 1 là 28.059 học sinh, tăng 364 học sinh so với năm học 2022-2023, số học sinh tuyển mới lớp 6 là 29.722 học sinh, tăng 3.455 học sinh so với năm học 2022-2023 và số học sinh tuyển mới lớp 10 là 19.744 học sinh, tăng 840 học sinh so với năm học 2022-2023. Hiện nay mọi việc đã ổn định và các trường đang ra sức nỗ lực thực hiện day và học đạt kết quả tốt.
Vùng miền núi Quảng Nam là nơi đến mùa mưa bão liên tục xảy ra các trận sạt lở núi, đe dọa nhà cửa, trường học, tính mạng, tài sản của người dân. Đã có những trận sạt lở núi kinh hoàng như Trà Leng, nhưng chính nhờ sự vào cuộc của các cấp chính, quyền, của Mặt trận, của các nhà hảo tâm, nhất là triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy rất hiệu quả, nên không chỉ đời sống người dân được nâng cao mà công tác chuẩn bị cho năm học mới nói riêng và chăm lo cho GDĐT nói chung đã đạt được những kết quả đáng được ghi nhận.