Tạo dấu ấn cho ‘Thành phố sáng tạo’

ĐĂNG NGỌC 17/10/2023 13:28

Cách đây 4 năm (ngày 31/10/2019), Hà Nội cùng với 66 thành phố khác trên thế giới được UNESCO vinh danh “Thành phố sáng tạo”. Với tâm thế một người dân được thụ hưởng thành quả bước đầu, tôi nghĩ rằng quá trình xây dựng thương hiệu ấy còn phải trải qua những dặm dài. 

Múa lân - sư - rồng khai mạc Festival với chủ đề "Thu Hà Nội - Đến để yêu" diễn ra tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm ngày 1/10/2023.

Lựa chọn sáng tạo về thiết kế

Mạng lưới thành phố sáng tạo (UCCN-UNESCO Creative Cities Network) của Tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) được thành lập năm 2004. Một trong những mục tiêu của UNESCO khi đề nghị các thành phố tham gia vào UCCN là nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 - một chương trình về phát triển bền vững. Vì thế các thành phố tham gia UCCN đều nhắm đích khai thác làm gia tăng các yếu tố về sáng tạo, giảm thiểu các yếu tố tiêu cực về môi trường, gắn kết cộng đồng. UNESCO xét ghi danh vào UCCN, gồm 7 lĩnh vực: Thủ công và nghệ thuật truyền thống, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc.

Hà Nội đã chọn lĩnh vực thiết kế khi xây dựng hồ sơ trình Ủy ban di sản thế giới của UNESCO, sau khi bỏ phiếu, ngày 31/10/2019, Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố sáng tạo”- sáng tạo về thiết kế.

Hà Nội chọn lĩnh vực này vì sáng tạo về thiết kế bao trùm nhiều lĩnh vực, từ làm đồ thủ công mỹ nghệ đến ẩm thực. Hà Nội có tới 1.300 làng nghề, các sản phẩm làng nghề rất cần thiết kế sáng tạo mới lạ trong thời đại công nghiệp 4.0; Ẩm thực cũng cần trang trí (décor) các món ăn cho thật bắt mắt, hấp dẫn khách du lịch.

Cứ 4 năm sau khi gia nhập UCCN, các thành phố sẽ phải báo cáo kết quả thực hiện. Với Hà Nội, thời hạn báo cáo là tháng 11/2023. Nhìn lại chặng đường qua, Thủ đô đã thực hiện các sáng kiến cam kết được thể hiện ở 3 sáng kiến thuộc cấp độ quốc tế như: Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2022; Xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ thông qua việc tổ chức các cuộc thi, các hoạt động kết nối không gian sáng tạo với các trường đại học, các tổ chức, cá nhân, kết nối các doanh nghiệp, các sản phẩm có giá trị đóng góp vào ngành công nghiệp sáng tạo của Thủ đô; Cuối tháng 11 này sẽ tổ chức Diễn đàn UCCN khu vực Đông Nam Á; Sáng kiến ở cấp độ địa phương có: Xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo; Tổ chức chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội…

Việc làm cụ thể của những chương trình đó mà người dân được tham gia và thụ hưởng có thể kể tới như, cuộc thi: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”… Nhưng phát triển các “không gian sáng tạo” ở Hà Nội mới là câu chuyện thiết thực với đời sống. Đề cập tới khái niệm này, trước tiên phải nói tới “Không gian sáng tạo làm việc chung”. Ở đó, các cá nhân sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được cung cấp mặt bằng để kết nối và chia sẻ về nghề nghiệp, ý tưởng sáng tạo, tiếp cận với các quỹ đầu tư mạo hiểm giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp sáng tạo có thể thành công. Thứ nữa là các “Không gian sáng tạo văn hóa - nghệ thuật”, đây chính là nơi để các nghệ sĩ trưng bày, giới thiệu các sáng tạo, thử nghiệm nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi để thu hút cộng đồng tham gia, trong đó có phố đi bộ. Nếu thời điểm nộp hồ sơ ứng cử vào UCCN, Hà Nội có 2 không gian tuyến phố đi bộ - hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn thì nay đã phát triển thêm 5 không gian đi bộ.

Tôi thường đi bộ bên Hồ Gươm, Công viên Thống nhất - phố Trần Nhân Tông và trải nghiệm 2 không gian sáng tạo là Complex 01 (ngõ 167, phố Tây Sơn, Đống Đa) và 282 Workshop (ngõ 156, phố Phú Viên, Long Biên). Complex 01 được hình thành từ nhà máy in Công đoàn cũ, nhóm kiến trúc sư đã biến nơi đây thành một tổ hợp vui chơi, giải trí đa năng, thu hút đông đảo du khách, nhất là thanh thiếu niên.

Complex 01vẫn giữ được những nét xưa như bức tường gạch cũ, với thiết kế không gian mở. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo, triển lãm, hội chợ, tọa đàm. Thật ấn tượng khi tôi được thưởng thức buổi hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống”. Dàn hợp xướng đã mang âm nhạc đến với cộng đồng, có sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả, cả người khuyết tật, người bán hàng rong cũng có thể tới thưởng thức âm nhạc.

Tương tự, 282 Workshop trước đây là nhà máy làm mũ cối cho quân đội, nhóm kiến trúc sư dưới sự chủ trì của anh Huy Phạm, đã cải tạo thành một không gian sáng tạo đa chức năng gồm, không gian vui chơi, không gian sản xuất, không gian triển lãm, không gian tương tác và không gian workshop. Tại đây trẻ con có thể nô đùa, người thích đọc có thư viện sách kiến trúc nghệ thuật, nghệ sĩ có thể tổ chức triển lãm, sinh viên có thể tổ chức các workshop làm gốm, làm gỗ. Từ một nhà máy từng là nơi thải ra khói bụi, nay trở thành nơi “sản xuất oxy” với những mảng cây cối xanh tươi, cân bằng được giữa tính kinh tế và đưa công chúng tiếp cận nhiều hơn với văn hóa, lại giảm được sự tác động tới môi trường.

Hà Nội còn vài địa chỉ thuộc không gian sáng tạo nữa đã dược hình thành từ khi mang danh hiệu “Thành phố sáng tạo” như, không gian bích họa Phùng Hưng, hay bãi Phúc Tân - khu vực bãi dọc sông Hồng, vốn rất ô nhiễm đã thành khu vực sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời… Những dự án mang yếu tố cảnh quan và cộng đồng như vậy đã làm cho không gian trước đây chật hẹp, ngổn ngang được cân bằng sinh thái và tìm được sức sống mới.

Làm sao để xứng tầm?

Chặng đường gần 4 năm kể từ khi Hà Nội tham gia vào UCCN gặp biết bao trắc trở, mất 2 năm đối phó với đại dịch Covid-19, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, rồi nhân sự cấp cao thành phố có biến động. Nhưng Hà Nội đã vượt qua được những khó khăn, huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng “Thành phố sáng tạo”, còn người dân bước đầu được thụ hưởng những thành quả, đó là điều rất đáng trân trọng và kích lệ. Nhưng công bằng mà nói, những kết quả đó chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng.

Trong Nghị quyết của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra mục tiêu: Doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ tăng dần từng năm, phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố, đưa Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” của châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế cao. Đây là mục tiêu khá cao, đòi hỏi phải có sự phấn đấu không mệt mỏi của các cấp, các ngành của tập thể sáng tạo, cá nhân sáng tạo mới mong có được những sản phẩm mới thiết thực phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Để có bước tiến vững chắc và đưa lại kết quả mà nhiều người được thụ hưởng trong quá trình xây dựng “Thành phố sáng tạo”, điều trước tiên cần coi trọng là nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu của các không gian sáng tạo. Chẳng hạn như, tăng cường các hoạt động sáng tạo ở các tuyến phố đi bộ, không để nó bị “chợ hóa”. Điều cốt lõi là nhanh chóng xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo mang tầm khu vực.

Hà Nội hiện đang có kế hoạch di dời 7 công ty, nhà máy cũ ra khỏi nội đô. Vẫn biết công tác quy hoạch, xây dựng bao giờ cũng đặt ra bài toán cân đối giữa kinh tế, bảo tồn và tái phát triển. Có lẽ, hãy chọn 1 địa điểm tốt nhất trong số 7 địa điểm phải di dời để xây dựng Trung tân thiết kế sáng tạo cho xứng tầm khu vực. Và như vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ cần đưa ra lời mời thì chắc các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ sẵn sàng đầu tư vào một dự án lớn này, chẳng bao lâu Hà Nội sẽ có công trình mang đầy dấu ấn của “Thành phố sáng tạo”.

Đích đến đã rõ, nhưng hành trình còn nhiều gian nan và chỉ khi hiểu đúng, hiểu đầy đủ về xây dựng thương hiệu này thì mới khai thác được tiềm năng của mọi tổ chức, cá nhân sáng tạo.

ĐĂNG NGỌC