Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Hà Nội vẫn đáng để chúng ta tự hào

CẨM THÚY (thực hiện) 16/10/2023 08:05

Bà là một nhà thơ nổi tiếng từ rất sớm, được biết đến rộng rãi với bài thơ "Hương thầm" được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc, với những câu thơ trong sách giáo khoa: Làm anh khó lắm/ Phải đâu chuyện đùa…; với những câu thơ tình quen thuộc: Khi anh đi với người yêu/ Chỉ xin anh có một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em…

Bây giờ gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ngoài đời, không ai nghĩ bà đã ở tuổi 80. Nhà thơ người Hà Nội ăn mặc trang nhã, thanh lịch, vẫn đi bơi, đạp xe quanh hồ Tây mỗi ngày, giữ vóc dáng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Cả trí tuệ, tâm hồn, độ hóm hỉnh của bà cũng rất tươi trẻ.

PV: Bà hay viết trên trang cá nhân về gia đình mình, một gia đình Hà Nội đông con của thế kỷ trước. Không khí một vùng đất cực kỳ đặc trưng Hà Nội những năm tháng ấy ảnh hưởng gì đến cuộc đời và sáng tác của bà sau này?

Nhà thơ PHAN THỊ THANH NHÀN: Tôi sinh ra ở làng Tứ Liên, xóm đê Yên Phụ, một bên là hồ Tây, một bên là sông Hồng. Tôi sáng tác thơ khi mới 10 - 11 tuổi. Mặc dù bố mẹ đều là người làm kinh doanh nhưng lại vô cùng thích đọc sách nên từ bé tôi đã được tiếp xúc với nhiều cuốn sách kinh điển của thế giới.

Bố mẹ tôi có 8 người con, cho đến giờ, đại gia đình tôi đã lên tới hơn 60 người mấy thế hệ nhưng vẫn cực kỳ gắn bó và yêu thương nhau. Mỗi lần nhà có giỗ, tất cả các con cháu đều tụ tập đông đủ.

Trong gia đình tôi có một nhóm chung đặt tên là A Lưới - nghĩa trang mà Phan Hữu Khải, em trai thứ 3 trong gia đình tôi đã hy sinh hồi chiến tranh chống Mỹ, nằm lại. Lúc nào cũng nhớ đến một người thân, tự nhiên địa danh A Lưới của Thừa Thiên - Huế trở thành một cái tên thân thiết của đại gia đình.

Đó chính là nhân vật của bài thơ tình “Hương thầm” nổi tiếng?

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943. Sau khi tốt nghiệp khoa Báo chí Trường Tuyên giáo Trung ương, Phan Thị Thanh Nhàn về làm phóng viên thời sự của Báo Hà Nội Mới trong nhiều năm rồi bà về làm Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội. Sau đó, bà giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội trước khi nghỉ hưu. Phan Thị Thanh Nhàn kết hôn với nhà thơ Thi Nhị và người bạn đời của bà đã mất năm 1979, hiện bà đang sống cùng con gái duy nhất tại Hà Nội.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều giải thưởng văn học khác. Không chỉ làm thơ, Phan Thị Thanh Nhàn còn sáng tác văn xuôi, với lối viết riêng đầy duy-ên dáng qua các tập truyện thiếu nhi: "Xóm đê ngày ấy" (1977), "Tuổi trăng rằm" (1982), "Bỏ trốn" (1995)… Đặc biệt, năm 2010 bà cho ra mắt cuốn "Sự cực đoan đáng yêu" (thuộc thể loại chân dung văn học). Tập sách là tài liệu tham khảo quý cho những ai quan tâm đến nghiên cứu văn học đương thời.

- Đúng vậy. Tôi sáng tác bài “Hương thầm” vào năm 1969. Gia đình tôi sống ngoài đê Yên Phụ trong một căn nhà nhỏ với mảnh vườn khá rộng, có trồng một cây bưởi. Mùa xuân là thời điểm cây bưởi nở hoa. Trước ngày em Khải tôi lên đường nhập ngũ, có cô bạn nhà ở cạnh bên, học cùng lớp sang chơi. Em trai và bạn học cùng ngồi dưới tán cây bưởi, chỉ ngồi cạnh nhau bối rối mà không nói với nhau điều gì cả.

Đó là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác bài thơ “Hương thầm”: "Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Không hiểu vì sao không khép bao giờ/ Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…"

Từ chiến trường miền Nam, có lần Khải gửi thư tâm sự với tôi rằng: “Đêm nay, bọn em ở trong rừng Trường Sơn, đơn vị có một cái đài thôi và cả đội đang nghe chương trình Tiếng thơ có bài thơ “Hương thầm” của chị do nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm, nhớ nhà lắm!”.

Rồi Khải hy sinh năm 1974, giờ vẫn nằm lại ở nghĩa trang A Lưới, khi còn chưa một lần cầm tay bạn gái. Trong lá thư cuối cùng gửi cho chị gái, Khải đã viết dòng tái bút: “Chị nói mẹ đừng lo gì cho em. Khi nào đất nước thống nhất em sẽ về.” Cho đến lúc Khải hy sinh tôi cũng không chắc em có biết bài thơ “Hương thầm” em nghe qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam là chị gái viết về mình không.

Và bài thơ "Hương thầm" có phải là dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp thơ ca, khẳng định chỗ đứng của bà trên thi đàn không?

- Có lẽ là vậy. Bài thơ đoạt giải thưởng của báo Văn nghệ (năm ấy Phạm Tiến Duật đoạt giải Nhất và tôi giải Nhì) đã gây được một tiếng vang lớn. Đúng 15 năm sau, “Hương thầm” được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và ca khúc rất lan tỏa trong đời sống văn nghệ nước nhà. Sau này, nhiều người cũng phổ bài thơ này, họ cũng gửi cho tôi bản nhạc nhưng không bản nào đi được vào đời sống như bài mọi người vẫn nghe của nhạc sĩ Vũ Hoàng.

Tôi viết một bài thơ rất thật về gia đình mình nhưng vào những năm tháng chiến tranh ấy, bài thơ lại mang tâm sự, cảm xúc chung của nhiều người. Tôi viết rất tự nhiên với những cảm xúc riêng của mình và không nghĩ rằng bài thơ lại thành công như thế.

Trở lại với ký ức tuổi thơ ở vùng Tứ Liên - Yên Phụ, có lẽ nó đã được thể hiện rất sinh động trong tác phẩm dành cho thiếu nhi “Xóm đê ngày ấy” của bà? Tôi nhớ là hồi bé đã đọc đi đọc lại đến nhàu nát cuốn sách ấy, một vùng không gian bát ngát của xóm đê một bên là hồ Tây, một bên là sông Hồng với những đứa trẻ vừa nghịch ngợm vừa hồn nhiên, trong sáng?

- Nhiều người cũng nói với tôi như vậy. Hồi tôi còn bé, vùng này còn rất rộng, cây cối vườn tược tươi tốt. Nó mang đến cho mình những cảm xúc trong trẻo, nó nuôi dưỡng tâm hồn mình. Tứ Liên, Nghi Tàm, Quảng Bá… lúc ấy đẹp vô cùng.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn giao lưu với các em học sinh.

Còn bây giờ hàng ngày bà vẫn đạp xe quanh hồ Tây, bà có cảm giác gì?

- Tôi luôn luôn tiếc nuối. Hồ Tây giờ bị bao bọc bởi nhà cao tầng. Gần đây nhất người ta chèn vào một khối nhà cao to đen xì. Mỗi ngày, có thể vẫn bắt gặp ở hồ Tây những khoảnh khắc đẹp, nhưng hiếm hoi hơn. Cũng như cảm xúc về một mặt hồ sương giăng khói tỏa không còn nữa. Nhưng mỗi ngày, tôi vẫn chắt chiu niềm vui bằng những giờ phút đi bộ hoặc đạp xe, chỉ cần còn đủ sức được đi 1 vòng hồ Tây là đã đủ hạnh phúc rồi.

Văn hóa ứng xử ở Hà Nội thì hiện nay bà thấy sao?

- Tôi luôn lạc quan nên thường nhìn mọi việc ở khía cạnh đẹp. Tôi thấy, về cơ bản Hà Nội vẫn là một thành phố mà đi đâu cũng được bạn bè công nhận là thanh lịch, khéo léo và thông minh... Ví dụ, học sinh Hà Nội học giỏi, con gái Hà Nội đẹp, các bà mẹ nấu ăn ngon, mọi người đều ăn mặc thanh lịch...

Tôi nghĩ như vậy, Hà Nội vẫn đáng để chúng ta tự hào. Còn sự xuống cấp của văn hóa ứng xử của một số người Hà Nội theo tôi, một thành phố lớn, là Thủ đô, là nơi hấp dẫn người dân tứ xứ đổ về, thì chẳng phải bây giờ, mà từ lâu đã có những hiện tượng như vậy. Ví dụ, thời Vũ Trọng Phụng cũng đã có Bà Phó Đoan, Xuân tóc đỏ... Nhưng những hiện tượng đó, vẫn chỉ là số ít.

“Hương thầm” viết về tình yêu của một thế hệ thanh niên thời chiến, còn tình yêu đầu tiên của riêng bà, được viết như thế nào? Gần đây, bà hình như đã tiết lộ mối tình đầu trên trang cá nhân?

- “Nếu anh đi với người yêu/ Chỉ xin anh với một điều nhỏ thôi/ Con đường ta đã dạo chơi/ Xin đừng đi với một người khác em…”. Bài thơ “Con đường” được nhiều người thuộc ấy tôi viết vào năm 19 tuổi, cho mối tình đầu của mình. Năm ấy tôi 19, còn chàng độ 22, 23 tuổi. Lần đầu tôi có buổi đi chơi riêng, khoảnh khắc được chàng cầm tay, run rẩy vô cùng! Bình thường, hai đứa không dám cầm tay nhưng có hôm trời đổ cơn mưa, chàng quay sang nói: “Anh thấy trời xầm xì nên mang sẵn áo mưa”, nói đoạn, kéo vai tôi che chung áo. Cũng bởi tôi chưa bao giờ chạm tay vào con trai nên khi ấy né ra vì ngại ngùng.

Hôm khác, khi đang đi dưới hàng cây cơm nguội mới trồng, tôi bị đứt guốc nên anh ấy ngỏ ý đóng lại giúp. Sửa xong anh nhẹ nhàng nhấc lấy chân tôi đặt vào chiếc guốc, hình ảnh ấy khiến tôi cực kỳ cảm động.

Một thời gian sau, nhân vật trong bài thơ đi học xa, chiến tranh sơ tán khắp nơi nên việc thư từ rất khó, vì vậy chúng tôi mất liên lạc trong khoảng 9 tháng. Thời điểm ấy, Hội Nhà văn cũng tổ chức một lớp học văn chương trên đường Quảng Bá và tôi gặp ông xã. Anh ấy sống trên Tây Bắc về học ở Trường viết văn Nguyễn Du gần nhà tôi nên ngày nào cũng ghé qua chơi và bày tỏ tình cảm. Lúc đó, nhân vật trong bài thơ cũng không liên hệ gì nên tôi dứt áo lên xe hoa. Một năm sau, anh ấy cũng lập gia đình.

Ngẫm lại, dù lời đã ngỏ, ý thư cũng đã trao nhưng vì xa cách quá lâu nên mối tình ấy như một cơn gió thoáng qua, mang theo những rung động đầu đời.

Du khách tham quan Ô Quan Chưởng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Đức Quảng.

Mối tình đầu của bà, nhân vật của bài thơ “Con đường” sau này trở thành một người nổi tiếng?

- Anh ấy sau này là đại sứ Việt Nam tại một số nước như: Ấn Độ, Ai Cập, Israel, Kuwait, Syria, Palestine. Anh còn là một nhà báo, là người yêu văn thơ.

Thỉnh thoảng, anh ấy vẫn viết thư cho tôi, bức ảnh anh chụp với cố Thủ tướng Ấn Độ được gửi cho tôi vào năm 1991, khi đó chồng tôi đã mất từ năm 1979. Nhiều lần sinh nhật, hoa được gửi về tòa soạn nơi tôi công tác (Báo Hà Nội Mới), nhưng thường chỉ thấy hoa mà không thấy người đâu. Sau đó, anh sẽ nhắn tin hỏi xem tôi nhận được hoa chưa.

Do công việc làm đại sứ, thi thoảng anh gửi tặng cho tôi những món quà đặc trưng của một số quốc gia. Có lần anh ấy viết thư cho tôi kể về chuyến đi Nepal.

Đám cưới anh ấy mời tôi đến dự, thậm chí cả lúc con trai chào đời cũng báo tin. Dù có gửi lời chúc mừng nhưng tôi chưa bao giờ đến nhà. Cả hai luôn giữ một khoảng cách nhất định vì hoàn cảnh mỗi người giờ đây đã khác.

Khi viết “Con đường”, tôi cũng không kể với anh ấy. Có thể anh đã đọc, nhưng chưa bao giờ cả hai lên tiếng xác nhận rằng bài thơ nói về mối tình đó. Một phần do thói quen khi viết về ai, tôi không bao giờ nói cho họ biết.

Mới đây, khi chia sẻ bức ảnh và câu chuyện trên trang Facebook cá nhân, người quen báo anh mất rồi, tôi ngạc nhiên và thật sự buồn. Nếu có dịp, tôi cũng muốn đến thăm mộ thắp cho anh nén hương để trọn tấm lòng với một người bạn đặc biệt.

Vâng, có lẽ chúng tôi cũng biết ông, khi nghỉ hưu, ông đã cộng tác nhiều năm với báo Đại Đoàn Kết. Nhưng hôm nay mới biết đó là nhân vật của bài thơ “Con đường”. Bây giờ bà làm thế nào giữ được sự tươi trẻ khi tuổi đã cao? Có bí quyết gì không ạ?

- Tôi tập luyện mỗi ngày, hồi trước tôi chơi thể thao, đi bơi, đạp xe, đi bộ, khiêu vũ. Giờ lớn tuổi hơn con tôi không cho tập nhiều nữa. Hạn chế hơn nhưng tôi vẫn giữ thói quen rèn luyện. Tôi vẫn đi nhiều nơi. Ví dụ mới rồi tôi đi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa lên Sơn La nói chuyện văn chương với một trường học.

Quan trọng nhất là tôi giữ tinh thần lạc quan, không nói xấu ai, không bon chen, cũng không quan tâm đến những bức xúc xã hội. Thỉnh thoảng thấy mọi người lại bức xúc gì đó trên mạng xã hội nhưng tôi cũng không đọc xem nó là gì. Tôi chăm chỉ chơi mạng xã hội nhưng chỉ để khoe ảnh, kể chuyện vui. Thậm chí trên Facebook tôi vẫn tếu táo gọi nhà thơ Trần Đăng Khoa là “bồ ảo” hoặc “người tình tin đồn”.

Tôi nghĩ rằng, việc bố mẹ sinh ra và cho mình sống thôi vốn đã là một niềm vui rồi. Được đi dạo vòng hồ Tây, ngắm những đóa hoa nở rộ hay chỉ cần nhìn con trẻ vui đùa thôi… đã đủ thấy yêu mến cõi nhân gian này. Vì vậy, tôi không có lý do gì để chán ghét cuộc đời mà vẫn tận hưởng từng giây phút mình đang sống. Được hòa mình vào đất trời và có những cuộc gặp gỡ với bạn bè đã là một thứ hạnh phúc không phải ai cũng có được.

Xin cảm ơn bà và chúc bà sức khoẻ, hạnh phúc!

Con đường

Nếu anh đi với người yêu

Chỉ xin anh nhớ một điều nhỏ thôi

Con đường ta đã dạo chơi

Xin đừng đi với một người khác em

Hàng cây nay đã lớn lên

Vươn cành lá để êm đềm chạm nhau

Hai ta ai biết vì đâu

Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài

Nếu cùng người mới dạo chơi

Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu

Bài thơ “Con đường” được nhiều người thuộc ấy tôi viết vào năm 19 tuổi, cho mối tình đầu của mình. Năm ấy tôi 19, còn chàng độ 22, 23 tuổi. Lần đầu tôi có buổi đi chơi riêng, khoảnh khắc được chàng cầm tay, run rẩy vô cùng! Bình thường, hai đứa không dám cầm tay nhưng có hôm trời đổ cơn mưa, chàng quay sang nói: “Anh thấy trời xầm xì nên mang sẵn áo mưa”, nói đoạn, kéo vai tôi che chung áo. Cũng bởi tôi chưa bao giờ chạm tay vào con trai nên khi ấy né ra vì ngại ngùng.

Hôm khác, khi đang đi dưới hàng cây cơm nguội mới trồng, tôi bị đứt guốc nên anh ấy ngỏ ý đóng lại giúp. Sửa xong anh nhẹ nhàng nhấc lấy chân tôi đặt vào chiếc guốc, hình ảnh ấy khiến tôi cực kỳ cảm động.

Một thời gian sau, nhân vật trong bài thơ đi học xa, chiến tranh sơ tán khắp nơi nên việc thư từ rất khó, vì vậy chúng tôi mất liên lạc…

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

CẨM THÚY (thực hiện)