Ưu tiên giải pháp trùng tu di tích, kiến trúc cổ
Trong danh sách hơn 30 di tích, công trình kiến trúc cổ nằm rải rác ở nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức, TPHCM chỉ đạo tập trung ưu tiên trùng tu các di tích đang xuống cấp trầm trọng. TPHCM còn coi đó là giải pháp để phát triển hiệu quả của ngành “công nghiệp không khói”.
Cấp thiết trùng tu công trình xuống cấp
Thực trạng công trình cổ xuống cấp đã được các sở, ngành và cơ quan, đơn vị có liên quan của TPHCM lên tiếng cảnh báo từ nhiều năm gần đây. Trường hợp Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM (quận 1) mới đây đã phải trình kiến nghị trùng tu tất cả hạng mục ở phía trong và ngoài của di tích này để thành phố lập phương án là một việc “cực chẳng đã”. Nguyên do, công trình di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố này được xây dựng từ năm 1929, đến nay đã nghót nghét trăm năm tuổi và phần lớn hạng mục đến nay đã bị xuống cấp, trong đó có tình trạng lún nền, nứt tường, bong tróc nhiều mảng tường. Trước đó, từ năm 2021 di tích này xuất hiện tình trạng xuống cấp khá nặng, khi nhiều vị trí nứt tường, trần ở các khối nhà chính và sụp lún, bong gạch lát nhưng do thiếu kinh phí nên bảo tàng chưa thể có giải pháp trùng tu ngay. Dù vậy, với khả năng hạn hẹp bảo tàng vẫn nỗ lực sơn lại tường theo màu nguyên bản tại một số vị trí để tạm thời duy trì việc đón du khách thập phương.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, bước qua năm 2023 khi tình trạng xuống cấp ở mức nghiêm trọng thì Bảo tàng đã có văn bản trình kiến nghị trùng tu tất cả hạng mục ở phía trong và ngoài của bảo tàng để thành phố lập phương án. Rất may mắn, do đây là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, nên sau khi xem xét Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được đưa vào danh sách 31 di tích văn hóa, lịch sử của thành phố dự kiến được tu sửa trong giai đoạn từ nay đến 2025. Cách không xa Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, công trình kiến trúc cổ tọa lạc tại địa chỉ 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, hiện là trụ sở của TAND TPHCM) cũng vừa phải trùng tu khẩn cấp do xuống cấp trầm trọng. Công trình này được xây từ thời Pháp từ những năm 1881 - 1885, đến nay cũng đã hàng trăm năm tuổi. Do đã xây dựng quá lâu nên công trình cũng bị xuống cấp bong tróc nhiều nơi, mái ngói cũ thấm dột, máng xối bị mục nát… Từ năm 2006, lãnh đạo TAND TPHCM đã lên ý tưởng trùng tu, chuẩn bị hồ sơ và được đồng ý chủ trương trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, do khó khăn về tìm kiếm nguồn tài chính và tìm đơn vị có kinh nghiệm để tu bổ đã khiến quá trình tôn tạo lại công trình kéo dài chưa thể hoàn thành.
Tính đến phiên xét xử gần nhất vụ bà Nguyễn Phương Hằng vào tháng 9/2023, ông Phạm Ngọc Duy - Chánh Văn phòng TAND TPHCM cho biết, tòa án vẫn phải hạn chế người tham dự các phiên xét xử do điều kiện cơ sở vật chất tại trụ sở tòa án đang được tu sửa. Ngoài ra, theo đơn vị thực hiện tu bổ, tôn tạo công trình thì phương án trùng tu trụ sở TAND TPHCM được tính toán triển khai thận trọng nhằm tránh tác động đến kết cấu, kiến trúc của tòa nhà. Như vậy, cũng phải mất gần 10 năm chuẩn bị, công trình kiến trúc cổ trụ sở TAND TPHCM sắp hoàn thành trùng tu toàn bộ, với kinh phí dự kiến khoảng 320 tỷ đồng, để xứng tầm một di tích cấp quốc gia.
Cùng với công trình trụ sở TAND TPHCM thì công trình trụ sở UBND TPHCM và HĐND TPHCM, Bưu điện TPHCM là các tòa di tích kiến trúc cổ điển tiêu biểu nhất của TPHCM còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn được cho đến nay. Riêng công trình tự sở làm việc của UBND và HĐND TPHCM đã được HĐND TP cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, cải tạo với kinh phí gần 190 tỷ đồng và dự kiến hoàn thiện vào năm 2025.
Phát huy được giá trị di sản
Trong danh sách 31 di tích nằm rải rác ở nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức, UBND TPHCM chỉ đạo các Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch và các địa phương tập trung ưu tiên trùng tu các di tích đang xuống cấp trầm trọng như đình Tân Quy Đông, lò gốm Hưng Lợi, các công trình di tích cấp thành phố đang được khai thác, sử dụng công sở…Tại buổi đối thoại cùng chính quyền thành phố do HĐND TPHCM tổ chức với chủ đề về đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và khai thác các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TPHCM mới đây, ông Trương Kim Quân - Phó trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VHTT TPHCM) nhấn mạnh, Sở này đã phối hợp với UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành khảo sát các di tích và sau đó đã ban hành kế hoạch về tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025, trong đó có danh sách nhiều di tích cần ưu tiên tu bổ, tôn tạo.
Cũng theo ông Quân, trong 5 năm qua TPHCM, các quận huyện, TP Thủ Đức và các tổ chức xã hội và người dân đã cũng nỗ lực ưu tiên thực hiện tu bổ hơn 50 di tích. Các di tích được tu bổ xong đã đảm bảo bảo tồn được các yếu tố nguyên gốc và giá trị về cảnh quan, môi trường hài hòa trong quá trình đô thị hóa của TPHCM, đồng thời được khai thác trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Về hướng giải pháp này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, thành phố đã đánh giá các tiềm năng về sản phẩm khai thác du lịch, trong đó có khoảng 15 di tích trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với TPHCM, như: công trình Hội trường Thống Nhất, Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, chợ Bình Tây và gần đây nhất là chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TP đã được triển khai. Riêng đối với tour thăm quan trụ sở HĐND và UBND TPHCM, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM cho biết, chương trình tham quan đã đáp ứng rất hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, thăm quan của du khách thập phương. Bằng chứng là thông qua một số tour vừa qua, đa số du khách đã có thêm kiến thức và trải nghiệm về một trong những công trình kiến trúc hơn 100 tuổi của TPHCM bằng nhiều hình ảnh, tư liệu quý về di tích, các sản phẩm lưu niệm du lịch…
Theo ông Huỳnh Thanh Hùng - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TPHCM, thời gian tới các Sở VHTT, Kế hoạch - Đầu tư sẽ rà soát và tham mưu UBND TP xây dựng danh mục dự án, công trình văn hóa của thành phố dự kiến kêu gọi để trùng tu, cải tạo, đáp ứng yêu cầu bảo tồn các giá trị di tích, công trình kiến trúc cổ của thành phố. Đặc biệt, hướng giải pháp về phát huy nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư tu bổ các di tích được thành phố đặc biệt quan tâm. Việc trùng tu, tu bổ các di tích, kiến trúc cổ không chỉ giúp bảo tồn tốt nhất các di sản văn hóa, kiến trúc cổ của thành phố mà còn được khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, tạo thêm cơ sở cho việc hội nhập và phát triển của thành phố.