Cân nhắc cơ hội học ngành yêu thích
Đến thời điểm này vẫn còn nhiều ngành của các trường cao đẳng (CĐ) chưa tuyển đủ chỉ tiêu và đang tiếp tục xét tuyển bổ sung theo hình thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc học bạ.
Thông tin từ Trường CĐ Công thương TPHCM cho biết, trường vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ tuyển sinh 2 ngành là Thương mại điện tử và Thiết kế thời trang, thời gian đến hết ngày 31/10/2023. Học phí của trường là 350.000đồng/tín chỉ. Trước đó, các ngành khác của trường đã dừng tuyển sinh từ ngày 02/10/2023.
Trường CĐ Kiên Giang thông tin đang nhận hồ sơ cho đợt xét tuyển bổ sung từ ngày 2/10 - 31/10/2023 với 17 ngành học, trong đó có nhiều ngành được nhà trường thực hiện giảm 70% học phí các khóa mới bậc CĐ, bao gồm các ngành: Bảo vệ thực vật, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ ô tô, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Dịch vụ thú y…
Theo quy định, các trường CĐ được phép tuyển sinh quanh năm tuy nhiên từ thực tế tuyển sinh cho thấy, mùa cao điểm chủ yếu tập trung ngay trong tháng 8 và tháng 9. Bên cạnh những thí sinh chủ động lựa chọn nhập học cao đẳng vì khó khăn về điều kiện tài chính hoặc mong muốn học nhanh để ra ngoài làm sớm thì nhiều thí sinh chờ kết quả xét tuyển đại học để cân nhắc việc chọn trường cao đẳng.
Nhìn lại con số thống kê của Bộ GDĐT, năm 2023 có 660.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ. Sau đợt 1 xét tuyển (kết thúc ngày 22/8), đã có gần 93% số này đã trúng tuyển, song trước khi kết thúc xác nhận nhập học ngày 8/9, đã có gần 80 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu xét tuyển bổ sung lên đến gần 30.000.
Con số này thống kê ở khối CĐ, trung cấp vẫn chưa chốt do quy định của khối giáo dục nghề nghiệp là tuyển sinh quanh năm. Tuy nhiên, theo đại diện nhiều trường chia sẻ, nếu những đợt tuyển sinh sau không đủ số lượng người học thì sẽ không thể mở lớp. Vì vậy, với những thí sinh đang băn khoăn trước cơ hội vào trường, ngành mình yêu thích cần cân nhắc để không bỏ lỡ cơ hội theo đuổi đam mê.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM nhìn nhận, một số thí sinh khi trượt nguyện vọng vào ngành, trường mong muốn có suy nghĩ chờ sang năm sau để thi lại. Tuy nhiên, các em cần cân nhắc kỹ bởi sẽ phải chờ thêm 1 năm trong khi vẫn chưa biết kết quả có như mong đợi không hay vì một lý do nào đó lại nhỡ nhàng. Chưa kể, nếu chờ năm sau quay lại xét tuyển thì các em cũng phải dự tính sẽ xét tuyển ngành nào, trường nào và sử dụng phương thức nào để khả năng được trúng tuyển cao nhất, ví dụ sẽ phải dự các kỳ thi riêng của trường để lấy kết quả xét tuyển hoặc phải dự thi một số môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Vì vậy, các em nên suy nghĩ đến những phương hướng khác, chẳng hạn đó là xét tuyển vào các trường cao đẳng có ngành thí sinh thích. Hiện nay các trường CĐ vẫn đang tiếp tục xét tuyển và đây cũng là sự chọn lựa của rất nhiều thí sinh.
Trước thực trạng cơ cấu lao động trong nước đang thừa thầy, thiếu thợ, nhiều chuyên gia cũng khẳng định việc lựa chọn hướng đi sau THCS, THPT cần được định hướng, tư vấn rõ ràng cho học sinh và gia đình. Hiện nay cánh cửa vào đại học rộng mở với đa dạng các phương thức tuyển sinh, thậm chí có những trường xét tuyển vào đại học nhưng điểm chuẩn đầu vào thấp hơn nhiều trường CĐ cùng khối ngành đào tạo. Điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo đại học, dẫn đến khó khăn sau khi ra trường muốn làm việc đúng chuyên ngành… Thiệt thòi cuối cùng thuộc về người học khi lựa chọn không đúng ngành nghề, môi trường đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường.
Liên quan tới vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, hệ đào tạo nào cũng đòi hỏi người học phải có kỹ năng nhất định, không nên cho rằng điểm cao đi học nghề là lãng phí. Nhiều ngành, nghề bậc CĐ, trung cấp hiện nay đòi hỏi người học có trình độ đầu vào khá cao về ngoại ngữ, toán, vật lý như: Bảo trì ôtô, Vận hành các thiết bị gia dụng thông minh... "Sự lựa chọn và cố gắng là ở mỗi người, để có được kỹ năng lao động thành thạo, học nghề cũng có cái khó chứ không dễ như nhiều người tưởng", ông Vinh nói và cho rằng không nên quan niệm CĐ chỉ dành cho học sinh kém.