Chủ động phòng, chống mưa lũ
Những ngày qua, mưa lớn, lũ quét đã gây tác động đến nhiều địa phương trong cả nước, có nơi chịu thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều tuyến giao thông gián đoạn.
Ngày 10/10, thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái cho biết, trong 3 ngày mưa lũ, nhiều địa phương trong tỉnh xảy ra lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại cho ngành sản xuất hàng tỉ đồng. Mưa lũ làm hơn 350 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 1 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 5 nhà phải di dời tạm thời. Diện tích lúa, hoa màu và cây lâm nghiệp bị hư hại là hơn 90 ha; hơn 40 ha diện tích ao cá bị vỡ bờ. Ngoài ra, địa phương còn có gần 30 điểm ngập úng cục bộ; tuyến đường tỉnh lộ 163, đoạn qua địa phận xã Yên Thái có khoảng 2.100m3 đất đá sạt lở...
Tại Lào Cai, mưa lớn làm một số diện tích cây trồng bị ngập úng. Đường giao thông nông thôn tại xã Võ Lao bị sạt lở taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 200m3. Một số điểm sạt lở khác xuất hiện, như sạt lở taluy âm làm sạt lở 20m mương bê tông xi măng tại xã Nậm Dạng. Tình trạng sạt lở taluy âm cũng làm cho hệ thống đường sắt của tàu chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, đoạn qua huyện Văn Yên (Yên Bái) phải tạm dừng. Tuyến đường sắt tuy đã thông tuyến nhưng cũng chỉ tạm thời. Tàu qua đoạn này phải chạy với tốc độ dưới 5km/h.
Ở phía Nam, trong 3 ngày qua, mưa lũ ảnh hưởng lớn tới tỉnh Cà Mau. Mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao làm hơn 400 căn nhà bị ngập. Về sản xuất, tỉnh có hơn 22.000ha diện tích lúa cùng 170ha hoa màu, 450ha diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập tràn, hư hại. Những địa phương trong tỉnh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai trong những ngày vừa qua là huyện Trần Văn Thời, U Minh và thành phố Cà Mau.
Trong khi đó, ngày 10/10, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Trung Trung bộ còn có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 60mm. Khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to trên 70mm. Mưa chủ yếu tập trung vào chiều tối và đêm. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Còn tại khu vực phía Bắc, từ ngày 10/10, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc bộ, sau đó đến Bắc Trung bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc bộ. Trong đợt này, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến từ 21-24 độ C. Riêng khu vực vùng núi Bắc bộ phổ biến 18-21 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C.
Từ sáng 11/10 đến ngày 13/10, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 35 gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi về việc ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, các địa phương cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Nhận định về mùa Đông năm 2023-2024, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho biết tháng 10, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 11-12/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, các đợt không khí lạnh đầu mùa tuy không làm nền nhiệt giảm sâu nhưng thường gây ra mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.