Nhà văn Song Hà: Tôi tiếc đã không về quê sớm hơn
Là một cây bút nổi tiếng với nhiều cuốn sách bán chạy mà mới xuất bản gần đây nhất là cuốn “Biến tấu đời thường”, Song Hà hiện sống ở Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), Song Hà thú nhận có ở lại Hà Nội một thời gian trầy trật kiếm sống, rồi sau đó anh quyết định bỏ về quê, khởi đầu bằng việc mở một cửa hàng bán điện thoại. Và nghiệp viết văn đã quay trở lại, khi trước đó vì mưu sinh anh tưởng đã phải hoàn toàn gác bút.
PV: Đoạt giải tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong từ sớm, viết báo sớm từ khi sinh viên, vì sao anh không ở lại Thủ đô theo nghề báo như nhiều bạn bè cùng lứa?
Nhà văn SONG HÀ: Khi mới ra trường tôi cũng đi làm báo mấy năm rồi chứ. Tôi viết mảng văn hóa, văn nghệ cho vài ba tờ. Có những bài báo của tôi được trưởng ban khen, tuy vậy tôi nhận ra rằng mảng văn nghệ dễ viết, nhưng rất khó viết hay.
Hàng ngày tôi lang thang ở các nhà hát kịch, rạp chiếu bóng, các hãng phim, gặp người này, người nọ để xin phỏng vấn. Ngần ấy năm tôi nhẵn mặt ở trụ sở các hội văn nghệ. Cứ bí đề tài là tôi mò đến số 51 Trần Hưng Đạo tìm nhân vật phỏng vấn, riêng nhạc sĩ Phó Đức Phương tôi phỏng vấn đâu đó khoảng vài chục lần vì ông là người dễ gần, dễ gặp nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Viết mãi cũng chán, trong khi thu nhập vừa thấp vừa phập phù. Tôi nghỉ viết và xin làm chân chạy quảng cáo cho báo vì nghĩ nghề này khá triển vọng. Nhưng rồi chạy lông nhông cả tháng không kiếm được cái hợp đồng nào, đói quá tôi bèn chạy xe ôm cho mấy người quanh xóm trọ.
Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, trên mạng xã hội dấy lên một cuộc tranh luận về việc vì sao cứ phải bám trụ lại thành phố ngột ngạt và đông đúc, chen chúc trong những nhà trọ bình dân tiềm ẩn bao nguy hiểm, mà không về quê sinh sống và lập nghiệp. Khi đặt lại vấn đề đó trong chuyên đề này, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra đây không hề là một câu chuyện phiếm. Đó là nỗi trăn trở của rất nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.
Chúng ta, đôi khi nhìn trên mặt bằng chung của thành phố, nhất là của Hà Nội, thường chỉ thấy một đời sống nhộn nhịp và sung túc. Nhưng có một góc khác của Hà Nội, một mặt bằng khác của những người nhập cư, của người trẻ, của những người lao động đang chật vật kiếm sống ở thành phố.
Nghĩ lại thật ra sau khi ra trường, tôi cũng cố gắng bám trụ Hà Nội giống như rất nhiều bạn bè cùng khóa. Thời đó, trong suy nghĩ của hầu hết sinh viên tỉnh lẻ, học đại học xong, về quê đồng nghĩa với thất bại. Tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Sau khi ra trường tôi làm đủ thứ nghề, từ viết báo, làm quảng cáo, trình dược viên, thậm chí chạy xe ôm... để nuôi hy vọng trở thành công dân Thủ đô, theo đúng như mong muốn của gia đình ở quê.
Tuy nhiên loay hoay mãi mấy năm vẫn không nên cơm cháo gì, tôi quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp.
Sau này có khi nào anh nuối tiếc quyết định đó của mình không?
- Cho đến bây giờ thì đó là quyết định sáng suốt nhất cuộc đời. Chỉ tiếc một điều, đó là giá như tôi rời bỏ Hà Nội sớm hơn thì tốt biết mấy; đỡ lãng phí mất mấy năm lông bông, vô tích sự khi “cố chấp” bằng mọi cách để được cái mác sống ở Thủ đô.
Anh hay đưa lên trang cá nhân hình ảnh một mình đạp xe giữa một không gian khoáng đạt mê hồn của cánh đồng hoặc bãi biển. Xem ra đời sống của anh hiện đang “đáng sống” hơn so với sự chật chội, tắc đường, ô nhiễm không khí ở thành phố lớn?
- Hôm rồi ra Hà Nội có chút việc, dự định sẽ ở lại vài hôm để thăm thú, giao du với bạn bè cũ. Nhưng chiều đó, sau khi lang thang khắp nơi, chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn và tắc cứng trên nhiều tuyến đường, tối đó xong việc tôi đã lên xe quay về quê ngay trong đêm. Khi về đến thành phố Vinh, được đi lại, hít thở không khí trong lành trên những con đường rộng rãi, thoáng mát và tràn ngập cây xanh. Tất nhiên cái gì cũng có giá của nó cả, nhưng những chỉ số chênh lệch về điều kiện môi trường tự nhiên, chất lượng không khí và sức khỏe... là vô giá, rất khó để đánh đổi.
Anh có suy nghĩ gì khi nhìn cảnh các bạn trẻ cũng đang trầy trật bám trụ như mình đã từng?
- Tôi biết nhiều người bám trụ thành phố lớn chỉ vì về quê không biết làm nghề gì để kiếm sống; hoặc họ đã quen với công việc cùng các mối quan hệ được gây dựng từ rất lâu rồi, vì vậy không thể dễ dàng rời bỏ tất cả để đi đến một nơi khác đỡ ngột ngạt hơn, dễ sống hơn. Ngoài ra nhiều người còn mang nặng tư duy ở thành phố lớn “oai” hơn, điều kiện sống tốt hơn, nên cứ kêu xô bồ, ngột ngạt, bí bách... nhưng họ vẫn chọn sống ở thành phố.
Xin cảm ơn nhà văn Song Hà!