Hà Nội luôn là đề tài thời thượng của văn chương

CAO MINH ANH 15/10/2023 07:00

Trong giới văn chương đương đại, có lẽ Nguyễn Việt Hà là nhà văn “chung tình” nhất với đề tài Hà Nội. Dù ông viết tiểu thuyết, hay tản văn thì đề tài Hà Nội vẫn cứ là lựa chọn duy nhất, xuyên suốt.

Mà ở Nguyễn Việt Hà cũng lạ. Suốt 60 năm qua, ông chỉ quẩn quanh trên phố Nhà Chung, con phổ nhỏ, cách Hồ Gươm vài trăm bước chân. Ông không đi đâu xa Hà Nội quá 3 tháng.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà.

Với quan niệm, Hà Nội luôn là đề tài miên viễn, thời thượng của văn chương nhưng viết làm sao để ra được chất Hà Nội thì lại không hề dễ, Nguyễn Việt Hà đôi khi cũng đặt mình vào thế khó, khi viết tiểu thuyết vài ba trăm trang nhưng chỉ chọn một con phố ngắn, ở đó có đình, có chùa và có nhà thờ.

Năm 2023 này, ông cộng tác với NXB Trẻ cho ra mắt 2 cuốn sách, tập tản văn “Giọng của phố” và cuốn tiểu thuyết “Tuyệt không dấu vết”. Tất nhiên, cả hai vẫn chỉ “luẩn quẩn loanh quanh” với Hà Nội. Ấy thế mà đọc là nhận ra ngay Nguyễn Việt Hà. Không lẫn vào đâu được.

Dưới đây, là những suy nghĩ, quan niệm về nghề văn, về lý do vì sao ông chỉ “biết viết về Hà Nội”, và vì sao ông viết tản văn…

* Từ bé tôi đã thích đọc, có trí nhớ rất ổn, mà nói hơi ngoa thì có thể đọc ngược "Truyện Kiều". Nói kiểu “nhà chùa”, đó là những “duyên” khiến cho tôi viết.

* Tôi học ngành kinh tế rồi ra trường đi làm ở một ngân hàng nhà nước chừng 20 năm, trước khi quyết định nghỉ để theo nghiệp viết. Trong từng ấy năm, không ai biết tôi viết văn. Có điều ở thời tôi, sinh viên không làm thơ thì cũng hay viết ngăn ngắn. Và có nhiều người tuy học kinh tế nhưng làm thơ rất hay. Đại loại nhà thơ, nhà văn thường có xuất xứ mênh mông.

* Nhà văn ai cũng có vùng địa văn hóa của mình. Ví dụ, tôi không viết được gì về nông thôn cả. Hầu hết cuộc đời tôi ở Hà Nội, chẳng đi đâu xa quá lâu. Tôi chỉ biết về Hà Nội, theo cách của tôi mà Hà Nội thì không của riêng ai, nhưng mỗi người có một Hà Nội riêng của mình. Văn chương là cái gì rất cá nhân. Có điều, cái cá nhân ấy bao giờ cũng có độ cộng cảm với thời đại đang sống, tức là trong cái riêng của tác giả có cái chung của thời đại. Hà Nội của tôi may mắn trùng với Hà Nội của nhiều người nên sách của tôi hình như cũng bán ổn.

* Làm nên Hà Nội có rất nhiều loại người. Nhưng tôi cho rằng tầng lớp trung lưu có chữ vẫn là căn cốt để hình thành nên tầng lớp thị dân.

* Hà Nội muôn đời vẫn vậy! Một thành phố nghìn năm tuổi thì đương nhiên tích tụ trong lòng nó những giá trị đặc biệt mà không phải bất cứ ai muốn phá, muốn làm hỏng là có thể dễ dàng thực hiện được. Ở đó có những thị dân mang trong mình một phẩm tính đặc biệt - độ tinh tế.

* Hà Nội luôn là đề tài miên viễn, thời thượng của văn chương nhưng viết làm sao để ra được chất Hà Nội thì lại không hề dễ.

* Hà Nội thật ra chẳng của riêng ai. Nhưng trong từng người, Hà Nội lại có từng ý riêng, cách nhìn và tình cảm riêng với mảnh đất này.

Bìa cuốn tiểu thuyết mới của Nguyễn Việt Hà.

* Viết tiểu thuyết không phải là một công việc. Đi buôn, đọc sách, viết lí luận phê bình là công việc. Còn làm thơ hay viết tiểu thuyết là vì người ta sống.

* Sống như thế nào thì sẽ hoặc viết hoặc vẽ hoặc làm nhạc như thế.

* Nói cho cùng, tiểu thuyết vẫn là câu chuyện của niềm vui hoặc nỗi buồn, vì thế trữ lượng cảm xúc là quan trọng. Nó không phải là một tác phẩm triết học và càng không phải là một cuốn về đạo đức học. Có lẽ nó được hình thành từ một nỗi đau sâu kín nào đó. Nếu hiểu đơn giản như thế thì có vẻ nó đến từ những trải nghiệm.

* Văn chương rất giống hội họa, bởi sự đối thoại với im lặng. Nó có phải là điện thoại di động đâu mà cần phủ sóng toàn quốc. Chính vì thế mà có những cuốn sách rất hay, nhưng vì không có duyên nên chúng ta không được đọc. Văn chương cũng rất giống tôn giáo, nó hoàn toàn là nhu cầu tự thân.

* Tôi cũng tin rằng tiểu thuyết là câu chuyện của riêng từng người, khái niệm “nền tiểu thuyết” là khái niệm hài hước.

* Tôi viết “Cơ hội của Chúa” trong khoảng 10 năm. Nó từng trôi nổi qua vài nhà xuất bản trước khi được NXB Văn học ấn hành. Chủ đề của cuốn sách xuyên suốt cho đến những gì tôi viết hiện nay: tuổi trẻ, đô thị và tôn giáo. Đô thị tức là Hà Nội, vì ngoài Hà Nội ra tôi cũng chẳng viết được về cái gì khác. Giống như đa số các nhà văn, tôi viết những thứ gần mình thôi. Cũng may Hà Nội là vùng đất có rất nhiều chuyện để nói.

* Tiểu thuyết với nhà văn là một đoạn đời, là những câu chuyện cá nhân mang tính tự sự được người viết kể lại, trong đó có những thể loại như anh vừa kể trên. Nhưng nói cho cùng, thể loại chỉ là phương tiện thôi. Claude Debussy, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Pháp nói: Tác phẩm nghệ thuật tạo nên nguyên tắc, chứ nguyên tắc không tạo nên tác phẩm nghệ thuật.

* Vì mưu sinh nên tôi cũng phải hay viết báo. Đó là lý do tôi giữ mục tạp văn cho vài tờ nguyệt san.

* Tạp văn đối với tôi không phải là thứ quan trọng so với truyện ngắn hay tiểu thuyết. Bài tạp văn đầu tiên của tôi là năm 2002 cho báo Tiền Phong, một bài về phở Hà Nội. Cho đến lúc đó tôi không bao giờ nghĩ đến, nó là thứ nửa văn nửa báo.

* Theo tôi, viết tạp văn cần nhiều cảm xúc hơn. Tạp văn gần giống như thơ lục bát, rất dễ làm nhưng rất khó hay. Thành ra rất nhiều người viết tạp văn nhưng không có cảm xúc thì bại. Nhưng là một người viết chuyên nghiệp mà chỉ trông vào cảm xúc thì hỏng, cảm xúc không đều đặn mãi được. Nhiều cây bút có tiếng về sau viết không còn cái cảm giác phẫn nộ, xót xa, đau đớn, nó nhạt hẳn đi. Tạp văn không phải là những bài chính luận, rất dễ bị trùng lặp. Mà ngay như cây bút thượng thặng về tạp văn như Lỗ Tấn, ông viết 1.300 cái, khi tuyển chỉ lấy chừng 250, mà số thật hay đọc được cũng chỉ 50.

* Tôi quan niệm viết tạp văn không dựa trên câu chuyện cụ thể nào, mà chính là cách dẫn dắt, câu chữ phải “ba hoa bốc phét” sao cho hấp dẫn. Việc nó là đặc sản như bạn nói là do thể tạng, tính cách nữa.

Bìa tập tản văn "Giọng của phố".

* Trong tạp văn của mình, tôi đã có chủ ý khoanh vùng những tay cao bồi già mà mình viết thường xuất thân gia đình buôn bán, học hành lỡ dở “nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc”. Kiêu bạc chứ không khinh bạc. Như người ta nói kiêu bạc kiểu “phớt Ănglê” nhưng nếu người Anh phớt lạnh thì người Hà Nội lại thể hiện theo kiểu nói lắm. Thị dân Hà Nội có sự xã giao, song tinh tế và cần phải hiểu điều ấy.

* Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn.

* Việc viết báo có “hại” cho văn không? Bằng kinh nghiệm của tôi là: hại. Thậm chí nó làm anh bị bết chất tạp văn (chữ của Lỗ Tấn chỉ thể loại văn học này trên báo). Chưa kể chuyện trùng chữ, trùng ý là không thể tránh khỏi.

* Nghề văn vốn dĩ là nghề buồn nản và cô độc. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng còn ai dám viết. Niềm vui của nghề thường đến chậm, và đa phần thường đến từ sự cộng cảm trong trắng ở người đọc. Và cho dù chỉ đôi chút lấp lánh, nhưng nó bao giờ cũng mang khuôn mặt của hạnh phúc.

* Bất hạnh thay cho những nhà văn không có độc giả.

Nguyễn Việt Hà sinh năm 1962, là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Năm 1999 khi tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” xuất hiện sau một số truyện ngắn in báo, Nguyễn Việt Hà đã gây ấn tượng mạnh trên văn đàn.

Sau đó anh tiếp tục gây chú ý khi ra mắt các tiểu thuyết: “Khải huyền muộn” (2003), “Ba ngôi của người” (2014), “Thị dân tiểu thuyết” (2020)…; các tập truyện ngắn: “Của rơi” (2004), “Buổi chiều ngồi hát” (2016)…; các tập tản văn: “Nhà văn thì chơi với ai” (2005), “Mặt của đàn ông” (2008), “Đàn bà uống rượu” (2010), “Con giai phố cổ” (2013); “Giọng của phố” (tạp văn, 2023), “Tuyệt không dấu vết" (tiểu thuyết, 2023).

Tác phẩm của Nguyễn Việt Hà được dịch in trong một số tuyển tập giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong đó “Cơ hội của Chúa” đã dịch sang tiếng Pháp năm 2013.

CAO MINH ANH