Đề xuất Sở GTVT được điều chỉnh mạng lưới vận tải cố định, nỗi lo chồng chéo, cơ chế xin cho
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, Bộ GTVT phải chủ trì xây dựng, điều chỉnh phân luồng tuyến vận tải liên tỉnh cố định, có như vậy mới bớt giảm đi các thủ tục và hạn chế việc doanh nghiệp phải chạy đi nhiều cửa để xin lốt, xin luồng tuyến.
Nỗi lo bùng phát “xe dù bến cóc”
Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến các cơ quan, bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp... sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô... Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất đã có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi điểm a khoản 3 điều 4 quy định xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và cập nhật danh mục mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý vận tải khách cố định của Bộ GTVT.
Theo đó, Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; Thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; Cập nhật danh sách mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của Bộ GTVT.
Đề xuất nêu trên khiến cho nhiều người lo ngại về việc phân cấp, phân quyền cho Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh. Theo đó, Sở GTVT các tỉnh tự quyết định về cấp phép, quản lý hoạt động vận tải hành khách cố định có nguy cơ "bùng nổ" xe khách chạy xuyên tâm, xe dù bến cóc trở lại.
Nói về vấn đề trên, anh Trần Văn Thìn, Quản lý đơn vị kinh doanh vận tải tuyến xe khách Thái Bình – Quảng Ninh cho hay, từ năm 2015 khi có quyết định số 2288 và tiếp đó là Quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 15/5/2022, bổ sung sửa đổi thay thế quyết đinh 2288 quy định rõ hướng tuyến vận tải hành khách cố định đã góp phần ngăn chặn tình trạng xe khách chạy xuyên tâm vào nội đô thành phố để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn trật tự giao thông.
"Các tuyến xe khách vận tải liên tỉnh tuyến cố định đang hoạt động ổn định, tại sao lại phải đề xuất sửa đổi quy định tại Nghị định 10 theo hướng dễ gây hiểu lầm khi thực hiện như vậy", anh Thìn đặt câu hỏi.
Cũng theo anh Thìn, Bộ GTVT đề xuất Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh mà quên đi quyết định số 2288 và quyết định số 927/QĐ-BGTVT của Bộ Trưởng Bộ GTVT ban hành ngày 15/5/2022 chẳng khác nào "bật đèn xanh" cho "xe dù bến cóc" hoạt động bùng nổ trở lại. "Liệu có tái diễn tình trạng mua bán lốt, như năm 2015 dư luận từng xôn xao về câu chuyện mua bán lốt với giá 650 triệu đồng tại bến xe Mỹ Đình, TP Hà Nội?", anh Thìn đặt câu hỏi.
Cùng lo lắng như anh Thìn, anh Trương Đức Lai, Tổ phó quản lý xe nhà xe Đức Phát chạy tuyến Thanh Hoá – Hà Nội cho biết, hiện có nhiều xe dù chạy lòng vòng, xuyên tâm vào trong thành phố để đón trả khách ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính đón trả khách tại hai đầu bến xe được Cơ quan quản lý cấp phép.
"Xe dù chạy xuyên tâm chủ yếu là xe không có uy tín, không được cấp lốt vào bến xe, xe hợp đồng, xe limousine "trá hình" chạy lòng vòng đón trả khách ở trong nội đô, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông khi dừng xe đột ngột để đón trả khách", anh Lai nhận định.
Theo đó, anh Lai kiến nghị các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định đang hoạt động ổn định, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên sửa đổi, bổ sung hoặc tăng thêm chế tài xử phạt nặng "xe dù bến cóc".
Lo ngại cơ chế xin cho “mua bán lốt”
Là cơ quan soạn thảo dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP, ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP sẽ thay đổi phương thức thực hiện quản lý mạng lưới tuyến cố định bằng việc số hóa công tác đề xuất tuyến mới, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định thông qua phần mềm quản lý tuyến của Bộ GTVT.
Ông Thuỷ giải thích, thay vì như hiện nay các sở GTVT phải gửi đề xuất danh mục tuyến bằng văn bản để Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT công bố, Sở GTVT sẽ trực tiếp cập nhật trên phần mềm quản lý tuyến cố định toàn quốc của Bộ GTVT để đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian phải tổng hợp, rà soát thủ công đối với từng tuyến như hiện nay.
"Với quy định này thì việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927/2022 của Bộ GTVT. Quy định tại dự thảo mang tính nguyên tắc, khi Nghị định ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư", ông Thủy khẳng định.
Theo ông Thuỷ, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927/2022 của Bộ GTVT, thế nhưng tại dự thảo không đề cập tới nội dung này khiến cho nhiều người lo ngại chồng chéo, cơ chế xin cho “Mua bán lốt”.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, việc quản lý các xe kinh doanh vận tải hành khách rất phức tạp và cần phải đối thoại với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để làm rõ các quy định.
“Hoạt động kinh doanh vận tải có nhiều góc cạnh khác nhau, địa phương sẽ quản lý theo hướng của địa phương”, ông Liên chia sẻ.
Ông Liên ví dụ, xe khách từ tỉnh này đi qua tỉnh khác đều phải xin ý kiến đi qua tuyến đường của địa phương đó, nếu không được đồng ý sẽ không được đi qua. Như vậy, nếu để các Sở GTVT xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh sẽ rất phức tạp.
Do đó, Bộ GTVT phải là cơ quan quản lý nhà nước đứng ra xây dựng điều chỉnh danh mục tuyến cố định. Nếu để địa phương làm việc này, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thậm chí doanh nghiệp, người dân phải chạy đi nhiều cửa để xin giấy tờ, sẽ có nguy cơ xảy ra tiêu cực “Mua bán lốt”.
“Bộ GTVT phải chủ trì xây dựng, điều chỉnh phân luồng tuyến vận tải liên tỉnh cố định, có như vậy mới bớt giảm đi các thủ tục và hạn chế việc doanh nghiệp phải chạy đi nhiều cửa để xin lốt, xin luồng tuyến”, ông Liên nêu ý kiến.
“Sau dịch Covid-19, ngành vận tải gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải làm thế nào để dẹp được nạn “xe dù, bến cóc” thì mới kéo được hành khách, xe khách vào bến; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; không để ngân sách nhà nước bị thất thu”, ông Liên chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định đang phải đối mặt.
“Ngoài những nguyên nhân trên khiến xe khách tuyến cố định “mất khách”, còn do khi xuất bến thì xe khách chạy kiểu “rùa bò” để bắt khách, sau đó lại phóng nhanh, lạng lách để kịp thời gian chuyến đi”, ông Liên nói thêm về nguyên nhân.
Trước đó, ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị đánh giá sơ kết công tác 9 tháng đầu năm 2023 cũng cho hay, những quý đầu năm, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục giảm về số vụ, số người chết. Song, số người bị thương vẫn tăng, các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Vì vậy, trước những vụ tai nạn nghiêm trọng trên đòi hỏi các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý hoạt động vận tải.
Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là việc chấp hành quy định kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải.