Đề phòng viêm cơ tim ở trẻ nhỏ

Đức Trân 12/10/2023 07:02

Viêm cơ tim là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm. Do triệu chứng khởi phát bệnh khá giống sốt, cảm cúm thông thường nên nhiều phụ huynh chủ quan, khi trẻ nhập viện đã trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.

Chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc viêm cơ tim tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, mới đây bé H.T.M. được chuyển viện cấp cứu tới bệnh viện trong tình trạng sốc nặng, ý thức lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái, ô xy máu giảm. Trước đó, bệnh nhi được điều trị tại trung tâm y tế huyện với chẩn đoán sốt virus, các triệu chứng gồm đau tức ngực, khó thở, hồi hộp, đánh trống ngực, người mệt mỏi.

Theo gia đình bệnh nhi, ngoài những triệu chứng trên, trẻ vẫn hoạt động, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, sau khi sốt cao liên tục trong 4 giờ, trẻ rơi vào trạng thái lơ mơ, nói nhảm, huyết áp tụt và ngay lập tức được xử trí vận mạch, thở ô xy, sau đó chuyển viện cấp cứu tới Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

ThS.BS Cao Việt Hưng - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc cho biết, sau 30 phút xử trí cấp cứu, huyết áp của bệnh nhi đã được duy trì ổn định nhờ các thuốc vận mạch liều cao. Tuy nhiên, các xét nghiệm cho thấy tình trạng bệnh nhi vô cùng xấu, khí máu có toan chuyển hóa nặng, xét nghiệm men tim tăng cao thể hiện tình trạng tổn thương cơ tim cấp… Sau 12 ngày được các bác sĩ nỗ lực điều trị, bệnh nhi ổn định, sức khỏe hồi phục tốt và được xuất viện.

Viêm cơ tim cấp do virus là bệnh lý gây tổn thương cơ tim nghiêm trọng, có diễn biến rất nhanh và hết sức nặng nề, nếu không kịp thời phát hiện và can thiệp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại những tổn thương không phục hồi.

Viêm cơ tim là tình trạng viêm đi kèm theo hoại tử các tế bào cơ tim. Có nhiều nguyên gây ra viêm cơ tim ở trẻ em như nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm), nhiễm độc, một số bệnh lý tự miễn (như Lupus, Kawasaki) hay do quá mẫn với một số loại thuốc… Tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ em rơi vào khoảng 1 - 2/100.000 trẻ.

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình hàng năm có khoảng 15 trẻ viêm cơ tim cấp có sốc tim vào khoa cấp cứu và điều trị. Đáng nói, mặc dù trẻ em không phải đối tượng mắc bệnh viêm cơ tim nhiều nhất, nhưng viêm cơ tim ở trẻ em được xem như một bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.

Những trẻ em mắc bệnh viêm cơ tim có biểu hiện viêm cơ tim lâm sàng đa dạng, diễn tiến bệnh từ nhẹ đến nặng, xảy ra nhanh, khó lường trước. Thông thường, trẻ sẽ trải qua các triệu chứng gợi ý một tình trạng nhiễm virus cấp tính như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu... Đặc điểm này khiến các bậc phụ huynh chủ quan không đưa con em mình đi khám và điều trị kịp thời.

Trẻ mắc viêm cơ tim thường chỉ được cơ sở y tế khi bệnh đã bước qua giai đoạn muộn với nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Tỷ lệ tử vong trung bình của bệnh viêm cơ tim ở trẻ em lên đến trên 70%. Nhiều trường hợp nặng với chức năng tim suy giảm nặng nề nếu không được ghép tim có tỷ lệ tỷ vong khoảng 50% sau 2 năm, tăng lên 80% sau 5 năm.

ThS.BS Lương Minh Cảnh - Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: “Các triệu chứng của viêm cơ tim cấp thường không điển hình, khoảng một nửa số trẻ bị viêm cơ tim cấp có thể có biểu hiện của đợt nhiễm virus một vài tuần trước khi khởi bệnh. Sau đó, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như: Mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho… Tuy nhiên, nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”.

Theo các chuyên gia y tế, nhiều dịch bệnh đang bùng phát hiện nay có nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ như dịch tay chân miệng do virus Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong hay nhóm Adenovirus gây bệnh cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên cũng là một trong những tác nhân gây viêm cơ tim ở trẻ.

Bệnh viêm cơ tim khởi phát với những triệu chứng rất nghèo nàn và dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm thông thường khác như sốt, đau mỏi người, mệt mỏi… Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ bị ốm sốt, có các dấu hiệu mệt mỏi, ăn kém, bỏ ăn, đặc biệt là có thêm dấu hiệu đau tức ngực, khó thở, da niêm mạc tái, kém hồng nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đức Trân