Nâng chất nguồn nhân lực để hút vốn FDI
Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các ngành nghề mới, thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nếu không có các giải pháp kịp thời để đào tạo, bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng công nghệ thông tin, việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ gặp nhiều rào cản.
Những con số đáng suy ngẫm
Báo cáo mới đây của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết, trong 146.285 người mất việc, được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có đến 82.839 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (chiếm tỷ lệ 56,62%); 45.543 người có trình độ đại học và trên đại học (chiếm tỷ lệ 31,14%). Chỉ có 2.869 người lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc trong năm (chiếm tỷ lệ 1,96%); trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 người (chiếm tỷ lệ 4,66%) và trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm tỷ lệ 5,62%).
Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Trong khi đó, công việc của lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề thiếu ổn định, tỷ lệ bị mất việc cao. Thực tế không riêng TPHCM, câu chuyện tốt nghiệp đại học vẫn thất nghiệp vì thiếu kỹ năng nghề khá phổ biến hiện nay.
Đánh giá về chất lượng thị trường, Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận, thị trường lao động hiện nay không chỉ đối mặt với khó khăn về mất cân đối cung – cầu mà sâu xa hơn là vấn đề thiếu kỹ năng nghề.
“Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 26% trong tổng số hơn 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI” - báo cáo Bộ LĐTBXH nêu rõ.
Nâng cao kỹ năng số cho người lao động
Bộ LĐTBXH đánh giá nếu không có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ thông tin, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức lớn, như: Khó cải thiện năng suất lao động, sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh. Việc xác định, xây dựng và triển khai các giải pháp, chính sách nhằm phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Công nghệ thông tin nếu được trạng bị tốt cho người lao động sẽ là một trong những nguồn lực kinh tế then chốt, là chìa khóa để cung cấp thông tin trên thị trường, gắn kết giữa cung - cầu lao động, cung cầu đào tạo, gắn kết giữa nguồn lực lao động và thị trường việc làm một cách hiệu quả.
Trước bối cảnh này hiện Bộ LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Đề án Phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động để gửi xin ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành. Theo đó, dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho người lao động, đặc biệt lực lượng công nhân và nông dân, người lao động ở khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đến năm 2025 và 2030 tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 80% và 90%.
Theo ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH), nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước phản ánh việc thiếu nghiêm trọng lực lượng có kỹ năng nghề để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là trong các ngành sản xuất, công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động. Chính vì vậy, việc đào tạo lại lao động, trang bị kỹ năng nghề, kỹ năng số cho lao động rất cấp thiết.
TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, hiện nay thị trường lao động được cơ cấu lại theo chiều hướng loại bỏ các công việc "lặp đi lặp lại" có quy trình đơn giản bằng những công việc đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn. Bằng chứng là những công việc đơn giản dần được thay thế bằng robot và trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, cơ cấu lại lực lượng lao động là xu thế khách quan do các biến cố kinh tế gây nên, doanh nghiệp sẽ phát tín hiệu đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động cho phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, AI và đổi mới sáng tạo.