Tràn lan hội nhóm làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng: Cách nào ngăn chặn?
Hàng loạt website, fanpage, hội nhóm chuyên cung cấp dịch vụ làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng một cách tinh vi và dễ tiếp cận đã tồn tại một thời gian dài. Nhiều người vì chủ quan đã dễ dàng sập bẫy…
Diễn biến phức tạp
Suốt một thời gian, hàng chục hội nhóm rao bán dịch vụ, dạy nhau cách làm biên lai giả mạo ngân hàng và các ví điện tử thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn người tham gia vẫn ngang nhiên hoạt động trên mạng xã hội.
Với hàng chục bài đăng quảng cáo mỗi ngày cùng số lượt tương tác cao, các hội nhóm này ngang nhiên công khai quảng cáo, chỉ với vài chục ngàn đồng, bất kì ai có nhu cầu làm giả biên lai ngân hàng đều được đáp ứng với bill “đẹp”, nét, rất khó để phát hiện... Thậm chí, các đối tượng này còn cam kết, không cần cọc, sẵn sàng làm nhanh, làm xong ưng ý mới cần thanh toán...
Theo khảo sát của PV, các biên lai thanh toán giả mạo này có đủ giao diện gần như giống hệt với biên lai chuyển khoản của các ngân hàng như logo, mã giao dịch, ngày tháng, giờ chuyển khoản và nhiều thông tin khác như biến động số dư, lịch sử giao dịch...
Bên cạnh đó, các đối tượng thường sử dụng các nick ảo, đồng thời công khai chỉ làm việc qua Zalo hoặc Telegram với số điện thoại được ghim trên mỗi bài đăng.
Ngoài mạng xã hội, nhiều website, ứng dụng cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ này với giá chỉ từ 20.000 đến 100.000 đồng.
Mới đây, Công an quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thị Thuý (SN 1984, trú tại Hải An, Hải Hậu, Nam Định) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, đối tượng này vào cửa hàng hỏi mua 1 điện thoại Samsung Galaxy Z Fold5 (trị giá khoảng gần 34 triệu đồng). Khi thanh toán, đối tượng đưa ra hình ảnh thông tin đã chuyển khoản thành công đến tài khoản của cửa hàng.
Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản thì chưa nhận được tiền, nghi ngờ là hình ảnh giả mạo nên nhân viên cửa hàng đã báo cơ quan Công an. Công an phường Kim Mã đã xuống cửa hàng đưa đối tượng và tang vật về trụ sở để làm rõ.
Tại cơ quan Công an, Thuý khai nhận do cần tiền nên đã lên mạng tìm hiểu và dùng hình ảnh chuyển khoản làm giả nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản khi mua điện thoại.
Đáng nói, tình trạng này đã xuất hiện thời gian dài, có nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng, tuy nhiên vẫn nhiều người dân bị sập bẫy. Trong khi đó, các hội nhóm quảng cáo, rao bán dịch vụ làm giả biên lai thanh toán vẫn ngang nhiên hoạt động hàng ngày trên mạng xã hội.
Cũng theo cơ quan chức năng, nhiều trường hợp vì nhẹ dạ cả tin cùng với số tiền bị lừa đảo không lớn đã e ngại trong việc trình báo khiến tình trạng này thêm ngày càng phức tạp.
Mạnh tay xử lý
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật khẳng định, hành vi làm giả bill chuyển khoản là một hình thức lừa đảo, gian lận trong kinh doanh, vi phạm pháp luật. Tuỳ thuộc vào tính chất mức độ hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Theo đó, tại khoản 1, Điều 15, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự còn phải chịu hình phạt bổ sung và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Không những vậy, Luật sư Diệp năng Bình cho biết, hành vi làm giả hoá đơn thanh toán điện tử rồi thông báo đã chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả gây ra của hành vi.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý hành vi này gặp nhiều khó khăn do tính chất tinh vi, lợi dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để che giấu danh tính, hoạt động. Ngoài ra, người bị hại cũng có thể do thiếu hiểu biết, thiếu cảnh giác mà không kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch.
Vì vậy, người dân nên cẩn thận khi giao dịch trực tuyến, không nên sử dụng dịch vụ làm giả bill chuyển khoản vì ngoài vi phạm pháp luật, còn có thể bị lừa mất tiền bởi những kẻ gian. Nếu có nhu cầu chứng minh nguồn gốc tài sản hoặc thanh toán cho các dịch vụ, người dân nên sử dụng các hình thức chuyển khoản hợp pháp qua ngân hàng hoặc các ứng dụng thanh toán điện tử uy tín.
"Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có hành vi cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ làm giả bill chuyển khoản, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an để xử lý kịp thời", Luật sư nhấn mạnh.