Cho học sinh 5 trường ở ‘rốn lũ’ Quảng Trị nghỉ học
Mưa kéo dài những ngày qua đã khiến một số vùng tại huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt. Để đảm bảo an toàn, 5 trường tại vùng “rốn lũ” tỉnh Quảng Trị đã được cho nghỉ học.
Ngày 13/10, ông Lê Văn Thạnh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đã có 5 trường học (6 điểm trường) trên địa bàn cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của mưa lụt.
Các trường gồm: MN Hải Lâm, MN Hải Tân (tại xã Hải Phong), MN Hải Thiện (tại xã Hải Định), TH&THCS Hải Tân (tại xã Hải Phong), TH&THCS Hải Hòa (2 điểm trường tại xã Hải Phong).
Tính đến sáng 13/10, 2.063 học sinh (mầm non, TH&THCS) trên địa bàn huyện Hải Lăng đang được nghỉ học do mưa lụt. Trong đó, có nhiều học sinh không thuộc 5 trường nói trên nhưng đang ở những khu vực bị ngập lụt nên được cho nghỉ học.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hải Lăng cho biết thêm, đơn vị đang tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết và sẽ cho học sinh, các trường bị ngập lụt nghỉ học để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các trường sẽ có phương án bố trí học bù khi thời tiết thuận lợi trở lại.
Ông Bùi Xuân Giang - Chủ tịch UBND xã Hải Phong (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết thêm, tính đến sáng 13/10, khoảng 40% đường giao thông trên địa bàn đang bị ngập nước ở mức 0,5 - 0,8m.
Để đảm bảo an toàn, hôm qua (12/10) chính quyền địa phương đã đề nghị cho học sinh các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn được nghỉ học.
Cùng với đó, cắt cử lực lượng túc trực, cắm biển cảnh báo tại những nơi bị ngập nước để người dân biết và phòng tránh.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã có văn bản về việc theo dõi, ứng phó với tình hình mưa lũ. Trong đó, tùy vào diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không bảo đảm an toàn cho học sinh; chủ động thông báo cho học sinh trở lại trường khi tình hình mưa lũ không còn diễn biến phức tạp.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai để chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động triển khai công tác sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu…
Đồng thời đề nghị, chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở những nơi có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, cắm biển cảnh báo sạt lở, ngập sâu. Sau mưa lũ khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, xử lý vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.