Bao giờ Việt Nam có giải Nobel?

BẮC PHONG 18/10/2023 07:18

Ngày 9/10, “mùa Nobel 2023” khép lại với giải Nobel Kinh tế. Năm nay, giải Nobel cao quý được trao cho 6 lĩnh vực, bao gồm: Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế. Những thành tựu đặc biệt quan trọng được vinh danh bằng giải Nobel đã lan tỏa tình thần sáng tạo và khát vọng cống hiến. Với người Việt Nam, thêm một lần nữa chúng ta lại hy vọng sớm được “ghi danh bảng vàng” của giải thưởng danh giá này.

Tưởng chừng chạm tay tới giải Nobel

Hơn 10 năm trước, năm 2012, giới Vật lý Việt Nam đã mơ ước đến giải Nobel Vật lý khi mà nhà khoa học người Việt, GS Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago, Mỹ) cùng nhóm nghiên cứu đăng 3 bài liên tiếp (vào năm 2010) trên tờ Physics Today - tạp chí Vật lý hàng đầu của Mỹ. Kết quả nghiên cứu được cho là “kỳ diệu”.

GS Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình khoa học. Bố là GS Dược học Đàm Trung Bảo, mẹ là PGS Sinh hóa Nguyễn Thị Hảo, chú ruột là GS Vật lý Đàm Trung Đồn. Ông nổi tiếng “thần đồng” từ khi mới học lớp 2 đã có thể giải toán lớp 10.

Năm 1984, khi mới 15 tuổi, sau khi đoạt huy chương Vàng tại Olympic Toán quốc tế ở Prague (Cộng hòa Czech) với số điểm tối đa 42/42, Đàm Thanh Sơn sang Matxcơva (Liên Xô cũ) học Vật lý tại Đại học Lomonosov. Năm 25 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Valery Rubakov - Giám đốc viện Nghiên cứu hạt nhân Matxcơva.

Tới năm 2005, tại Mỹ, Đàm Thanh Sơn đã tìm cho mình một con đường riêng, mới mẻ, độc đáo. Cùng 2 nhà khoa học khác họ đã lập ra nhóm KSS. Đàm Thanh Sơn là linh hồn của KSS khi công bố công trình mới về mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều trên tạp chí Vật lý đỉnh cao thế giới Physical Review Letters.

Lúc bấy giờ, khám phá của nhóm KSS gây tiếng vang lớn trong giới khoa học chuyên sâu, được coi là một phát minh lý thuyết nổi bật, với nhận xét là kết quả của sự kết hợp tài tình các phương pháp tính toán phức tạp trong lý thuyết trường lượng tử hiện đại.

Giải Vật lý đã không đến với GS Đàm Thanh Sơn, nhưng khát vọng của các nhà khoa học Việt Nam thì vẫn không bao giờ nguôi.

Rút ngắn chặng đường tới đích

Kể từ năm 1974 khi chính thức dự thi Olympic quốc tế, Việt Nam liên tục đoạt giải cao tại bất cứ cuộc thi nào, nhất là ở môn Toán, Vật lý, Hóa học. Đội tuyển học sinh tham dự Olympic của Việt Nam luôn xếp thứ hạng cao của thế giới, được bạn bè quốc tế nể phục. Điều đó cho thấy trí tuệ của người Việt trong các ngành khoa học cơ bản.

Tuy nhiên, cũng ở lĩnh vực này, các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa một lần chạm đến giải thưởng Nobel. Đó có thể coi là điều day dứt nhiều luyến tiếc. Vì sao Việt Nam chưa có một nhà khoa học nào được giải Nobel? Câu trả lời là rất khó, tuy nhiên các nhà khoa học Việt Nam vẫn dấn bước trên con đường nghiên cứu đầy chông gai mà không mấy người biết đến. Họ mong đến một ngày đất nước có một hệ thống nghiên cứu khoa học mạnh, môi trường nghiên cứu khoa học tiên tiến. Mà điều đó cần rà soát, sắp xếp lại các trung tâm, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học để xây dựng các trung tâm nghiên cứu hiện đại, làm hạt nhân cho việc đầu tư nghiên cứu, phát triển các nhiệm vụ khoa học cơ bản.

Không có nghĩa rằng đầu tư thật nhiều tiền thì sẽ có giải Nobel, nhưng nếu được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thì chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho nền khoa học nước nhà.

GS.TS Vincent Lê (giảng dạy tại Đại học Doane University, bang Nebraska, Mỹ) từng cho biết, một số sinh viên Mỹ hỏi ông: Tại sao học sinh Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng chưa ai sau này đoạt giải Nobel hoặc giải The Right Livelihood?

“Tôi suy ngẫm về điều đó nhiều lắm” - ông nói và cho rằng muốn có được kết quả rực sáng trong tương lai thì phải đầu tư cho giáo dục một cách dài hơi.

Ở một khía cạnh khác, nhiều người đặt hy vọng giải Nobel Y sinh khi mà khoa học y học của Việt Nam những năm qua đã có những bước tiến khổng lồ, không chỉ y học dự phòng, y học điều trị mà cả lĩnh vực nghiên cứu. Riêng công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào lĩnh vực an ninh y tế toàn cầu khi là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS năm 2003, cũng như là quốc gia đầu tiên của khu vực Tây Thái Bình dương thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2010. Tới năm 2015, Việt Nam đã chính thức trở thành 1 trong 39 nước được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đạt tiêu chuẩn Hệ thống Quản lý quốc gia về vaccine (NRA).

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng đoạt Nobel khoa học cơ bản. Tuy nhiên, điều đó hình như vẫn quá xa xôi. Vậy, làm gì để rút ngắn chặng đường tới đích ấy?

Nobel Văn học, tại sao không?

Việt Nam luôn tự hào đất nước của thơ ca nhạc họa, đất nước có nền văn hiến lâu đời. Lịch sử còn khắc ghi tên tuổi của rất nhiều nhiều nhà văn, nhà thơ lớn, khích lệ các thế hệ sau sáng tạo không ngừng để làm giàu có tâm hồn người Việt Nam.

Và, cũng ở lĩnh vực này, chúng ta từng mơ một ngày nào đó mang được Nobel văn chương về cho đất nước.

Giải Nobel Văn học là giải thưởng thường niên do Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng cho các tác giả có đóng góp tiêu biểu trong lĩnh vực văn học. Đây là 1 trong 5 giải thành lập theo bản di chúc năm 1895 của nhà bác học Alfred Nobel. Giải Nobel Văn học đầu tiên được trao cho nhà văn Sully Prudhomme, người Pháp, vào năm 1901. Cho đến năm 2023, Nobel Văn học đã được trao cho 120 cá nhân nhà văn.

Năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu được Viện Hàn lâm Thụy Điển gửi thư mời giới thiệu tác giả góp mặt vào danh sách tranh giải Nobel Văn học. Dịp đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ông tin rằng những năm qua văn học Việt có những tín hiệu, thông tin tốt để được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Thiều cũng cho rằng cần nhìn thẳng vào thực tế nền văn chương Việt Nam, các tác phẩm, tác giả chưa hội tụ các yếu tố để đáp ứng với yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng và điều quan trọng là phải ý thức được nền văn học đang ở đâu, mang tầm cỡ nào để củng cố, xây dựng, phát triển.

Cũng có thể nhà văn Việt Nam hiện đại “chưa đúng tầm” với Nobel văn chương thế giới, nhưng cũng còn một thực tế là văn học đương đại Việt Nam được giới thiệu ở nước ngoài quá ít. Vấn đề chủ yếu ở chỗ thiếu người dịch từ tiếng Việt sang một số ngôn ngữ phổ biến thế giới, như: tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

Dẫu vậy, chúng ta vẫn có quyền hy vọng một ngày nào đó người Việt Nam có được giải Nobel. Và ước sao ngày ấy không còn quá xa... Vì rằng, theo hồ sơ mới được giải mật vào đầu năm 2023, thì vào năm 1972, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã từng được đề cử giải Nobel Văn học.

Giải Nobel Hòa bình năm 1973 được Ủy ban Nobel trao cho ông Lê Đức Thọ - Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, và ông Henry Kissinger - Cố vấn an ninh quốc gia, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ. Quyết định này dựa trên vai trò cực kỳ quan trọng của họ khi là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định Hòa bình Paris được ký vào tháng 1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ đã gây chấn động truyền thông quốc tế khi từ chối nhận giải thưởng vì ông cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam và "người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam".

Theo các tài liệu mới được giải mật, ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger được học giả người Na Uy John Sanness, thành viên Ủy ban Nobel, đề cử cho giải thưởng này vào ngày 29/1/1973, hai ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Trong lịch sử giải Nobel Hòa bình, thì ông Lê Đức Thọ là trường hợp duy nhất từ chối nhận. Tờ New York Times (ngày 24/10/1973) đăng bài viết có tựa đề: “Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel Hòa Bình vì cục diện của Việt Nam”, khi đó chiến tranh chưa chấm dứt.

Ông Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021), tên thật là Phan Đình Khải, quê Nam Định. Ông tham gia cách mạng từ năm 1926. Tháng 4/1968, khi đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi gấp về Hà Nội, chuẩn bị sang Paris đảm đương sứ mệnh “Cố vấn đặc biệt” Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp đàm phán với đại diện Hoa Kỳ về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khi nhớ về nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ, đã khẳng định: Trong suốt gần 5 năm đàm phán ở Paris (1968-1972), ông được ví như vị tướng ngoài biên ải. Còn nói như ông Henry Kissinger - đối thủ ngoại giao của ông Lê Đức Thọ thì “trên bàn đàm phán ông ấy có biệt tài đọc được suy nghĩ của đối phương”.

BẮC PHONG