Những ngôi làng yêu nghệ thuật
Đất nước ta có hàng trăm ngôi làng đến nay vẫn gìn giữ vốn liếng về các loại hình nghệ thuật, mỗi làng một điểm khác biệt, góp phần làm nên nét đặc sắc của làng quê. Và trong những ngôi làng ấy, người nông dân có một điểm chung là luôn yêu đời, say mê văn nghệ.
Vun đắp tình yêu văn nghệ
Đi nhiều vùng, tôi được gặp những người nông dân yêu đời tha thiết. Lòng yêu đời, yêu cuộc sống đó khiến cho họ tự tin, làm giàu thêm đời sống văn hóa của mình, để mỗi ngày lại thêm ấm no, hạnh phúc. Những ngôi làng đó đang phát triển giàu mạnh, cả kinh tế lẫn văn hóa. Mỗi người dân đều cố gắng vun đắp cho tình yêu văn nghệ ấy, tình yêu đời ấy. Lãnh đạo các địa phương cũng nhiệt tình chăm sóc cho các câu lạc bộ, các đoàn nghệ thuật của quê hương mình.
Làng Phạm Pháo (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) có những người dân xứ đạo hiền hòa, thân thiện. Con gái Phạm Pháo ngoan hiền, học giỏi, đảm đang... Người dân nơi đây theo đạo vào đầu thế kỷ 18, và là làng theo đạo toàn tòng. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1908 rất đồ sộ và đẹp mắt. Những năm ấy, giáo xứ đạo Phạm Pháo đã có đội kèn đồng mà hay gọi là đội kèn Tây. Làng lại có xưởng đúc kèn của gia đình ông Nguyễn Văn Cường, nơi sinh ra nhiều loại kèn đồng cung cấp cho các đội trong vùng.
Xứ Phạm Pháo trước đây có chín họ lẻ, một giáo xứ, có 10 đội kèn phục vụ giáo hội và xã hội. Năm 1990, các đội góp công, góp của góp nhạc cụ thành lập Đội kèn Hợp nhất, với khoảng 500 nhạc công. Trong những ngày đại lễ ở Phạm Pháo như ngày chầu lượt, lễ Giáng sinh, Phục sinh... Đội kèn Hợp nhất có thể tấu đồng thời bản hòa tấu với 500 nhạc cụ.
Ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình có một trung tâm dạy âm nhạc, có tên “Nhạc viện đồng quê”. Đó là “sản phẩm” của ông Phạm Quyết Thắng, một người yêu âm nhạc. Ông Thắng trước đây làm trong ngành lâm nghiệp và biết chơi nhiều nhạc cụ. Sau khi nghỉ hưu, ông đã dành thời gây dựng lại niềm đam mê của mình. Với cây đàn organ cũ kỹ, ông bỏ thêm tiền đầu tư thêm cây violin mới. Khi ông biểu diễn ở làng, trẻ con trong làng, trong xóm kéo đến xem rất đông. Nhiều em muốn ông dạy. Ông Thắng kể: “Tôi nghĩ rằng, âm nhạc phải có một sức mạnh nào đó mới “rủ” được chúng đến gần. Tôi dạy. Ban đầu chỉ có mấy đứa, sau đó đứa nọ mách đứa kia rồi rủ đến nhà tôi rất đông. Tôi lại nghĩ, tại sao mình không thành lập lớp và dạy cho chúng. Thế là, vào một ngày đầu năm 1995, lớp học đầu tiền của tôi ra đời và dần dần được người dân hưởng ứng”.
“Nhạc viện đồng quê” ban đầu chỉ có vài ba cây đàn, không đủ cho học sinh thực hành. Thầy Thắng vất vả rong ruổi với chiếc xe máy cà tàng lùng mua nhạc cụ cũ, hỏng về sửa chữa lại để cho học trò sử dụng. Nghe tin ở đâu, dù là rất xa có người bán nhạc cụ là thầy mua về bằng được. Tích tiểu thành đại, giờ “Nhạc viện” có gần 10 đàn piano, 20 organ, 8 violin và mấy chục cây guitar, sáo trúc với nhãn hiệu của nhiều nước trên thế giới. Từ đó, hàng trăm em nhỏ đã được phổ cập âm nhạc, tin học. Vào mùa hội diễn văn nghệ, các “nghệ sĩ” nhí lên sân khấu chơi piano khiến người dân quê tròn mắt ngạc nhiên.
Tự hào trẻ chăn trâu có thể kéo violon, chơi piano
Giữa một vùng quê quanh năm chỉ có cấy lúa, làm ruộng, bỗng mọc lên những lớp học lạ lùng, có phần xa xỉ so với thực tế cuộc sống của người dân. Thế nhưng, thầy Thắng đã làm cho người dân tin tưởng vào ý tưởng và việc làm của mình, bằng thực chất rất ý nghĩa của nó. Đó là khiến cho hơn 200 em học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành nghệ thuật, đã giúp nhiều em trở nên ngoan ngoãn, có ý chí, đã làm cho người già sống vui, sống khỏe hơn... Người dân ở Ninh Mỹ có quyền tự hào về những làng quê mà trẻ chăn trâu có thể chơi đàn, kéo violin, thổi sáo... Hình ảnh đó, người ngoài nhìn vào thật đẹp.
“Nghệ thuật có thể rèn luyện được sức khỏe, lại có thể rèn luyện được tính người”. Đó là chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Đình Lạp, khi ông đã về học và thư giãn tại “Nhạc viện đồng quê”. Em Chu Bàng Long, sinh năm 1994, xưa kia là đứa trẻ nghịch ngợm. Long được bố mẹ đưa đến, nhờ thầy Thắng kèm cặp cả văn hóa lẫn âm nhạc. Sau khi học xong một khóa ở “Nhạc viện đồng quê”, Long thi đỗ và đã tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Làng Then, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang lại nổi tiếng vì những người nông dân không chỉ biết kéo cày mà còn biết kéo đàn violin - loại nhạc cụ “quý tộc”. Người làng Then vẫn tự hào vì họ có những nghệ sĩ tay cày, tay đàn. Lúc mùa vụ đến thì ra đồng, làm lụng để có những mùa tốt tươi, buông tay cày ra, họ đặt violin lên vai, kéo những bản nhạc du dương trữ tình, trầm lắng, như những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ được tặng danh hiệu “nghệ sĩ nông dân”. Cụ Nguyễn Hữu Đưa được coi là người có công đầu trong việc đưa loại nhạc cụ này về chơi ở làng Then. Rồi từ đó, nhiều gia đình bán cả trâu, bò, lợn… để tậu đàn về chơi. Người dân chuyền tay nhau đọc những cuốn sách dạy nhạc lý cơ bản. Những ngày đó thật vui. Sau mỗi buổi đào ao, mương họ lại mang đàn ra kéo. Rồi thì đi hết làng nọ đến làng kia biểu diễn, nhiều nơi xa hàng chục cây số. Khi làng Then lên chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” thì thành ra nổi tiếng.
Ông Nguyễn Quang Khoa - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Violin làng Then, một người có nhiều tâm huyết, người chơi đàn cừ khôi đã “giữ lửa” cho câu lạc bộ với khoảng hơn 30 thành viên. Trong đó nhóm nhạc chính gồm 10 người sung sức. Tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, các thành viên tụ về nhà ông Khoa để luyện tập. Theo những người chơi thuần thục, violin là loại nhạc cụ bác học, đòi hỏi người chơi phải có trình độ tối thiểu về nhạc lý, nên các thành viên phải học, thông thạo nhạc lý.
Làm giàu đời sống tinh thần
Theo dọc dài đất nước, Việt Nam ta có rất nhiều làng yêu nghệ thuật. Có thể kể đến như làng Tùng (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) - một làng dân ca bên bờ dòng Hiền Lương hiền hòa. Một vùng quê mà tiếng hát đã trở thành một vũ khí trong chiến tranh. Là làng Đông Tân (xã Yaly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), vốn là nơi có nhiều người dân Thái Bình lên sinh sống.
Yêu đời, yêu văn nghệ, người dân đã mang cả “đặc sản” quê mình là các điệu chèo, đến hát vang cả một vùng Tây Nguyên. Hay làng nói khoác có “thương hiệu” như làng Văn Lang ở Phú Thọ, làng múa hát Bài Bông ở Phú Xuyên, Hà Nội. Cũng ở Hà Nội, ngược lên Ba Vì có làng họa sĩ Cổ Đô. Rồi quanh Hà Nội, có làng quan họ Đặng Xá ở Bắc Ninh, làng hát dậm Quyển Sơn ở Hà Nam, làng múa rối Đồng Ngư ở Bắc Ninh...
Dù là ca hát, chơi đàn, hay vẽ tranh, đó là những loại hình mà người vùng quê có thế mạnh đã lựa chọn. Từ gốc lúa bờ tre, góc sân trăng sáng mộc mạc, họ ngồi hát cho nhau nghe, cảnh tượng đó thật, bình yên. Đó là làng Trung Lập, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Làng Trung Lập nép mình bên những cánh đồng bát ngát. Những ngày xuân, khi công việc nhà nông đỡ bận rộn, người nông dân của làng lại tụ tập nhau lại, học hát và cất lên những giai điệu ca ngợi cuộc sống ân nghĩa thủy chung, tình yêu quê hương đất nước. Họ hát say sưa, nhiệt tình. Những người đã lên chức ông chức bà, nhưng không khí trong một canh hát của họ giống như thuở mười tám đôi mươi.
Nghệ nhân ưu tú Lê Thị Nhuệ Phái, chia sẻ: “Cha ông chúng tôi thành lập đoàn chèo của làng từ năm 1936. Ban đầu chỉ có hát cải lương, sau đó thêm môn hát tuồng, đến năm 1969 thì chuyển sang hát loại hình nghệ thuật chèo. Những cụ khơi dậy phong trào và thành lập đoàn là cụ Lê Đình Nguyên, Lê Trung Đàn, Nguyễn Văn Bất... con cháu các cụ sau đó đều là diễn viên và trở thành những thế hệ nuôi bền cho nghệ thuật chèo của làng”.
Qua tìm hiểu, ở những ngôi làng yêu văn học, nghệ thuật, ca hát thì đời sống tinh thần được nâng cao, con cái hiếu thảo, tệ nạn xã hội giảm. Đặc biệt là nhiều em được sự rèn giũa của các bậc cha mẹ, ngoài biết thêm về âm nhạc, ca hát, sử dụng nhạc cụ, các em cũng có điều kiện theo đuổi ước mơ, trở thành những nghệ sĩ có đóng góp cho văn hóa - nghệ thuật nước nhà.