Bí ẩn những hồ nước

PHAN QUANG VŨ 21/10/2023 07:36

Mặc dù các hồ nước chỉ chiếm khoảng 3% diện tích hành tinh nhưng lại là nguồn cung cấp nước uống, phục vụ mục đích thủy lợi và năng lượng thiết yếu cho con người, đồng thời là môi trường sống quan trọng cho động thực vật. Khi diện tích các hồ nước lớn co lại sẽ khiến Trái Đất trở nên nóng hơn và khô hơn, đặc biệt trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang nóng lên. Nhiều nghiên cứu đã được giới khoa học môi trường tiến hành cho thấy các hồ nước có nhiều điều bí ẩn hơn chúng ta tưởng.

Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên bang Georgia (Mỹ) cho biết, hồi giữa tháng 9/2023, một thanh niên 23 tuổi đã chết đuối khi trượt chân và rơi khỏi bến tàu xuống hồ Lanier. Đây là cái chết thứ 4 tại hồ này trong 1 tuần và là cái chết thứ 8 tính từ đầu năm. Hồ Lanier là điểm du lịch, vui chơi thu hút khá đông du khách khi đón trên 11 triệu người mỗi năm. Hồ rộng 152 km2 rất nổi tiếng nhưng cũng lại là nơi cực kỳ nguy hiểm khi trong vòng 10 năm trở lại đây đã có trên 200 người chết đuối.

Hồ Lanier.

Hồ Lanier “có thể bị ám”

Nằm ở phía đông bắc Atlanta với mực nước sâu 48m, hồ Lanier gắn liền với khu vực từng là nơi sinh sống của cộng đồng người da đen và da trắng. Cộng đồng này tuy không đông đúc nhưng phát triển thịnh vượng cho đến đầu những năm 1900, khi họ rời đi.

Giáo sư Mark Huddle (Đại học bang Georgia), chuyên về lịch sử người Mỹ gốc Phi nói với Yahoo News: “Tôi không tin rằng hồ Lanier bị quỷ ám. Nhưng điều ám ảnh có thật là nơi đây từng diễn ra cuộc đấu tranh chủng tộc”.

Nghiên cứu của giáo sư Huddle cho biết, một cộng đồng cả người da trắng và người da đen đã cùng chung sống bên hồ Lanier vào cuối những năm 1800 trong thời kỳ nước Mỹ tái thiết (1865-1877). Họ đã lập nên thị trấn Oscarville. Họ là những người thợ mộc, thợ rèn, thợ nề và nông dân thành đạt, so với cả bang Georgia lúc bấy giờ.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào cuối năm 1912, hơn 1.000 người da đen của Oscarvill đã rời đi. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả vì sau đó những người da trắng ở khu vực này cũng đi nốt. Giáo sư lịch sử Dee Gillespie (Đại học Bắc Georgia) cho rằng đây là một trường hợp rất phức tạp vì không thể nói rằng họ rời đi do hồ Lanier “bị ám”. Vào năm 1956, những gì còn lại của thị trấn Oscarville đã bị nhấn chìm khi công binh Mỹ xây một con đập giữ nước ở đây.

“Hồ được đặt theo tên của Sidney Lanier - một nhà thơ Georgia thế kỷ 18, có vẻ đẹp vô cùng nên thơ nhưng cũng lại nối quá khứ với hiện tại bằng điều gì đó rất bí ẩn. Mọi người vui chơi bên hồ dưới những cây cao tỏa bóng nhưng luôn e dè nếu muốn xuống tắm” - giáo sư Gillespie nói.

Còn theo ông Kimberlie Ledsinger - nhân viên lâu năm của Đội cứu hỏa hạt Hall, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ du khách thì rất khó đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho những cái chết ở hồ Lanier, vì hồ Allatoona cách đó khoảng 60km, du khách cũng rất đông nhưng số người chết đuối chỉ bằng 1/5. “Là những người cứu hộ, chúng tôi cũng không có cách nào để thực sự biết nguyên nhân những cái chết là gì” - ông Ledsinger nói.

Tháng 7/2023, Tamika Foster - nhà thiết kế thời trang, đã đăng một bản kiến nghị trực tuyến kêu gọi rút cạn hồ Lanier. Trước đó, vào mùa hè năm 2012, con trai 11 tuổi của Foster đã thiệt mạng tại hồ này sau khi bị một vật thể va vào lúc cậu bé đang ở trong phao trên hồ.

Bản kiến nghị đã được trên 8.200 người ký tên có đoạn: “Hồ Lanier có một quá khứ đen tối và vẫn xảy ra nhiều sự cố bi thảm dẫn đến cái chết của những người vô tội”.

Nhưng giới chức địa phương cho rằng ý kiến đó là không thỏa đáng vì không có cơ sở khi mà du khách vẫn tiếp tục đến với hồ Lanier với mục đích chiêm nghiệm quá khứ hay đơn giản chỉ là tìm “cảm giác mạnh” mà thôi.

Khu vực hồ Loch Ness sầm uất nhờ du lịch.

Thực hư quái vật hồ Loch Ness

Đến nay, không ai còn lạ gì về hồ Loch Ness với những truyền thuyết về một loài quái vật khổng lồ tồn tại từ thời tiền sử, bằng một cách nào đó đã thoát chết qua hàng chục triệu năm.

Không biết bao nhiều cuộc tìm kiếm, săn lùng quái vật (nessie) hồ Loch Ness (Scotland) đã được tiến hành, nhưng đều vô hiệu. Gần đây nhất, trong 2 ngày 26 và 27/8/2023, đã diễn ra cuộc săn lùng quái vật hồ Loch Ness lớn chưa từng thấy trong vòng 50 năm, với sự tham gia của 200 chuyên gia. Họ đã sử dụng máy bay không người lái được trang bị máy quét nhiệt, sử dụng thuyền có camera hồng ngoại và đầu thu sóng “càn quét” dọc ngang mặt hồ. Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Loch Ness, ông Paul Nixon, nói rằng không ai biết nó là cái gì, có thể nó chỉ là một huyền thoại hư cấu khi không thấy quái vật xuất hiện.

Hồ Loch Ness có chiều dài khoảng 3 km, rộng từ 1,2-3km, nơi sâu nhất là 272m. Văn bản cổ nhất nhắc đến quái vật hồ Loch Ness được cho là của một tu sĩ người Ireland, vào năm 565. Ghi chép này cho rằng con quái vật đã nổi lên mặt nước tấn công người.

Cho đến nay đã có hơn 1.100 ghi chép (chính thức) về việc chứng kiến sự xuất hiện của quái vật hồ Loch Ness. Dù không ai quả quyết đã “đối mặt” với nó nhưng loài thủy quái bí ẩn này đã mang lại rất nhiều tiền bạc cho ngành du lịch Scotland.

Năm 1972, Cơ quan điều tra Loch Ness đã tiến hành cuộc nghiên cứu lớn rất quy mô nhưng không thu được kết quả. Tới năm 1987, một chiến dịch mang tên “Quét sâu” đã dùng thiết bị dò sóng dọc theo bờ hồ và tuyên bố đã tìm thấy một "vật thể không xác định có kích thước và sức mạnh bất thường". Năm 2018, các nhà nghiên cứu thực hiện khảo sát DNA ở khu vực hồ, nhưng không tìm ra bất kỳ dấu hiệu nào của loài bò sát thằn lằn đầu rắn như dự đoán, tuy rằng người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy ở đây có rất nhiều lươn.

Tới nay, một số giả thuyết cho rằng quái vật hồ Loch Ness thuộc về loài khủng long nước đã tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm. Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng nó có thể là cá mập nước ngọt, cá da trơn hay thậm chí là cá tầm tiến hóa mà thành. Cũng lại có giả thuyết đó là một loài lươn cực lớn.

Tuy nhiên, nói như nhà cổ sinh vật học Eric Buffetaut - Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS), thì quái vật hồ Loch Ness “được nuôi dưỡng bằng trí tưởng tượng tuyệt vời của con người về các loài động vật đã tuyệt chủng” mà thôi.

Xe chó kéo trên mặt hồ Baikal vào mùa đông.

Hồ Baikal và mối tình của nàng Angara

Baikal (Nga) là hồ nước sâu nhất thế giới (1.642m nơi sâu nhất), vì thế nó cũng có nhiều truyền thuyết bí ẩn. Chẳng hạn như câu chuyện về con rồng hung tợn, kho vàng của Đế chế Nga và đường hầm dẫn đến một thế giới khác.

Tương tự hồ Loch Ness, Baikal cũng gắn liền với một con “quái vật” của riêng mình. Truyền thuyết kể rằng một con rồng nước trú ngụ ở vịnh Mukhorsky, nơi ấm nhất của hồ nước này và thường xuyên kéo ngư dân xuống dưới nước. Vào thập niên 1980, các nhà nghiên cứu Liên Xô (cũ) đã phát hiện được một vật thể chuyển động, dài khoảng 30m trong lòng hồ Baikal bằng thiết bị định vị bằng tiếng vang, nhưng họ không thể xác định rõ nó là thứ gì.

Nhưng hấp dẫn hơn là lời đồn về kho vàng biến mất sau năm 1917. Năm 1919, khi được tìm thấy thì trong các thùng chỉ là gạch. Khoảng 180 tấn vàng đã biến mất. Từ đó, người ta cho rằng vàng đã chìm dưới đáy hồ Baikal.

Tới nay, giới khoa học vẫn tranh cãi về niên đại của hồ Baikal. Theo lý thuyết, hồ nước này đã tồn tại khoảng 25 - 35 triệu năm, nhưng một số chuyên gia lại tính toán nó chỉ chừng 150.000 năm. Duy có một điểm thống nhất là con người bắt đầu sống xung quanh hồ này từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Tổng cộng có khoảng 300 con sông và dòng suối chảy vào hồ Baikal, nhưng vô cùng đặc biệt là chỉ có một con sông duy nhất chảy ra, đó là sông Angara. Truyền thuyết người dân Siberia cho rằng Angara là "con gái" của hồ Baikal. Chuyện kể rằng Baikal là một bá tước giàu có chuyên thu thuế từ các vùng đất xung quanh, nhưng cô con gái Angara lại lẳng lặng hoàn trả lại tất cả. Cô chỉ có cho riêng mình một chiếc vòng cổ và giấu kín để dành nó cho người chồng tương lai - hiệp sĩ Yenisei. Không đồng ý, người cha nhốt con gái lại nhưng Angara bỏ trốn, mang theo chuỗi vòng.

Angara không bao giờ trở về nữa khiến người cha vô cùng hối hận. Ông đã khóc đến tận khi trút hơi thở cuối cùng, nước mắt biến thành hồ Baikal và Angara trở thành con sông duy nhất chảy ra khỏi Baikal, tựa như cô gái chạy trốn đi tìm người thương.

Hồ Kivu trong một đợt xảy ra vụ nổ khí CH4, ngày 25/11/2016.

1.700 người chết bí ẩn sau một đêm

Buổi sáng ngày 22/8/1986, một người đàn ông đạp xe từ làng Wum ở Cameroon tới làng Nyos, trông thấy một con linh dương nằm chết bên vệ đường. Sau khi buộc con linh dương lên xe đạp, người đàn ông đi tiếp và phát hiện thêm xác 2 con chuột, 1 con chó và 2 con vật khác. Anh đi đến khu lều phía trước để hỏi thăm, tự hỏi liệu có phải chúng chết do bị sét đánh. Bước vào trong lều, người đàn ông hốt hoảng phát hiện người chết nằm khắp nơi. Anh tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy ai sống sót, vội vàng đạp xe trở về Wum.

Về đến làng Wum, anh bắt gặp những người sống sót từ làng Nyos và các làng kế bên. Họ kể lại đã nghe thấy âm thanh lớn của một vụ nổ, sau đó mùi khó chịu bốc lên khiến họ ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thì mọi người xung quanh đều đã chết.

Sau khi nhận được báo cáo của chính quyền địa phương, Chính phủ Cameroon đã cử người tới điều tra. Do vị trí của Wum ở khá xa, họ phải mất 2 ngày mới tới được hiện trường và hết sức bất ngờ khi biết số nạn nhân thiệt mạng lên đến 1.746 người, lớn hơn rất nhiều so với họ tưởng tượng.

Điều gì đã lấy đi nhiều mạng sống trong khoảng thời gian ngắn như vậy? Rất nhiều nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới như Pháp, Mỹ đã đến Cameroon để tìm câu trả lời.

Kết quả khám nghiệm tử thi cung cấp rất ít thông tin. Không có dấu hiệu chảy máu, bị thương hay bệnh tật, cũng như không có dấu hiệu nạn nhân đau đớn trước khi chết. Họ chỉ gục xuống, ngất lịm đi và chết. Ngoài ra, không có dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ, vũ khí hóa học hay khí độc.

Một trong những manh mối quan trọng đầu tiên đó là hồ Nyos, hay còn gọi là “hồ xấu”. Truyền thuyết từ xa xưa kể rằng cách đây rất lâu các linh hồn quỷ dữ thoát ra từ hồ đã từng giết toàn bộ dân làng sống gần mép nước.

Hồ Nyos hình thành trên miệng núi lửa đã tắt, rộng chừng 2,5 km2; chỗ sâu nhất là 210m. Sau khi xảy ra thảm họa, nước hồ vốn trong xanh bỗng nhiên chuyển sang màu đỏ đục. Từ đó các nhà khoa học cho rằng núi lửa bên dưới hồ đã hoạt động trở lại. Có thể một vụ phun trào khí độc là thủ phạm gây ra những cái chết bí ẩn.

Giả thiết này nghe có vẻ thuyết phục nhưng lại có một điểm yếu. Một vụ phun trào có khả năng phóng đủ khí độc để giết chết nhiều người trên diện rộng như vậy ắt hẳn sẽ kèm theo các hoạt động địa chấn. Tuy nhiên, các nhân chứng sống sót sau thảm họa cho hay động đất không hề xảy ra vào thời điểm đó. Hơn nữa, thông tin từ trạm đo địa chấn cách hiện trường hơn 200 km cũng cho thấy không có bất cứ hoạt động bất thường nào xảy ra vào tối ngày 21/8/1986.

Họ bắt đầu xét nghiệm mẫu nước lấy từ hồ Nyos ở nhiều độ sâu khác nhau. Màu đỏ trên bề mặt hồ hóa ra là sắt, vốn chỉ có ở dưới đáy hồ. Vì một nguyên nhân nào đó mà trầm tích ở đáy hồ bị khuấy động, khiến sắt trong hồ nổi lên mặt nước, phản ứng với oxy và chuyển sang màu đỏ. Còn nồng độ CO2 trong nước hồ cao một cách bất thường. Càng xuống sâu nồng độ CO2 càng cao.

Xâu chuỗi manh mối, các nhà khoa học hình thành giả thuyết về hiện tượng tích tụ khí CO2. Núi lửa dưới hồ Nyos đã ngừng hoạt động từ lâu nhưng dung nham thì vẫn còn hoạt động bên trong lòng đất và phóng ra khí carbon dioxide không chỉ trong lòng hồ mà còn cả môi trường xung quanh. Khí CO2 tập trung ở mặt nước hồ trước khi bị gió thổi đi.

“Hồ Nyos là một trong những hồ tĩnh lặng nhất thế giới. Những quả đồi cao bao quanh hồ chắn gió khiến nhiệt độ nước trong hồ có sự đồng đều từ bề mặt xuống dưới đáy. Sự tĩnh lặng đã khiến nó trở nên vô cùng nguy hiểm khi mà khí CO2 thoát ra nhưng không được nhận biết. Từ đó dẫn đến cái chết tưởng như không rõ nguyên nhân” - giáo sư Nicolas Samuel, thành viên nhóm nghiên cứu hỗn hợp Pháp - Mỹ giải thích.

Và, kể từ năm 1986 đến nay, hồ Nyos trở lại với vẻ hiền hòa vốn có, tuy rằng vẫn không thể vì thế mà người ta quên đi cái chết bí ẩn của hơn 1.700 người chỉ trong một đêm.

Quả bom hẹn giờ khổng lồ

Hồ Kivu, nằm giữa biên giới Rwanda và Congo (châu Phi) có cảnh quan đẹp lạ thường, được bao quanh bởi những ngọn núi lửa cao chót vót và những sườn núi xanh tươi tốt, những đồn điền trồng chè, cà phê và chuối. Nhưng sâu bên dưới mặt nước lại ẩn chứa một mối đe dọa đáng sợ: nước bão hòa khí methan (CH4), carbon dioxide (CO2) và hydro sulfide (H2S). Nếu được giải phóng, sự kết hợp độc hại này có thể cướp đi sinh mạng của rất nhiều người sống dọc theo bờ hồ.

Hiện tại, những loại khí đó bị giữ lại bên dưới một lớp muối nặng khiến nó không thể trồi lên bề mặt nước. Nhưng rào cản đó có thể dễ dàng bị phá vỡ bởi một trận động đất, một vụ phun trào núi lửa, hoặc thậm chí là áp suất ngày càng tăng của chính các chất khí. Vì thế hồ Kivu được ví như một quả bom hẹn giờ khổng lồ.

Kivu là một trong những hồ nước kỳ lạ nhất châu Phi, nó không giống như hầu hết các hồ sâu. Thông thường, khi nước ở bề mặt hồ được làm mát (ví dụ như nhiệt độ không khí mùa đông hoặc các con sông mang tuyết vào mùa xuân), thì nước lạnh sẽ chìm xuống và nước ấm hơn, ít đặc hơn dâng lên từ sâu hơn trong hồ. Quá trình này, được gọi là đối lưu, thường giữ cho bề mặt của các hồ sâu ấm hơn so với độ sâu của chúng (điểm sâu nhất là 457m).

Nhưng tại hồ Kivu, việc đối lưu đã không diễn ra, khiến cho nó ẩn chứa những thứ bất ngờ và đáng ngạc nhiên nhất trong mắt các nhà khoa học. Người ta hết sức kinh ngạc khi thấy rằng vi sinh vật đã sử dụng carbon dioxide, cũng như các chất hữu cơ chìm từ trên cao xuống để sống. Theo nhà nghiên cứu Sergei Katsev (Đại học Minnesota Duluth, Mỹ) thì Kivu là một hồ nước có nhiều lớp nước riêng biệt với mật độ khác nhau, giữa chúng chỉ có các lớp chuyển tiếp mỏng manh. Có nghĩa là nó có sự phân tầng bất thường của nước.

Còn theo tiến sĩ Alfred Wuest - nhà vật lý thủy sinh học tại Viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ thì các lớp nước của hồ Kivu có thể được phân tách gần như thành 2 vùng: Một vùng nước bề mặt và một cùng nước phía dưới (từ 61m trở xuống). Đáng ngạc nhiên là gần như không có sự trộn lẫn giữa hai lớp nước như thể chúng không tương tác với nhau.

“Trong vòng 10 năm, nồng độ carbon dioxide trong hồ Kivu đã tăng 10%, methan tăng 15%-20%. Do đó, nó thực dự đã trở thành quả bom hẹn giờ gây ra một thảm họa thiên nhiên chết người” - tiến sĩ Wuest cảnh báo.

Theo giáo sư Balaji Rajagopalan (Đại học Colorado Boulder), các hồ trên toàn cầu “đang gặp rắc rối” khi mà 25% dân số thế giới đang sống trong lưu vực hồ có xu hướng suy giảm lượng nước, có nghĩa là khoảng 2 tỷ người bị ảnh hưởng. Ông Rajagopalan cho rằng, không giống như những dòng sông thu hút sự chú ý của giới khoa học và chính quyền, các hồ đã không được giám sát chặt chẽ, mặc dù tầm quan trọng quan trọng của chúng đối với an ninh nguồn nước là rất lớn. Dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Mỹ, Pháp và Saudi Arabia sau khi đã xem xét 1.972 hồ và hồ chứa lớn trên Trái Đất trong vòng 22 năm, ông Rajagopalan cho rằng 53% số hồ và hồ chứa nước bị suy giảm khả năng trữ nước, với khoảng 23 tỷ tấn mỗi năm. Nhiều tác động của con người và biến đổi khí hậu đối với việc thất thoát nước hồ cần phải được cảnh báo một cách mạnh mẽ và cần có biện pháp xử lý trước khi quá muộn.

PHAN QUANG VŨ