Triều cường tấn công đô thị miền Tây
Mùa triều cường mới bắt đầu, nhưng những ngày qua nhiều tỉnh, thành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với những đợt ngập lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và sản xuất của người dân. Vậy giải pháp nào để “chữa bệnh” ngập lụt do triều cường?
Bà Trần Thị Dũng (ấp Xóm Lẫm, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu) ngao ngán nói: Gia đình tôi trồng 2.000 m2 hành, rau thơm các loại hy vọng thu được chút tiền trang trải cuộc sống vì rau đang được giá. Thế nhưng, với đợt mưa kéo dài nhiều ngày qua khiến cả ruộng rau chìm trong nước. Vụ này coi như mất trắng. Giơ đôi bàn tay gầy guộc, bà nhẩm tính: “Cũng phải mất đến gần 20 triệu đồng chi phí đầu tư sản xuất, chú à”.
Nhiều nông dân trắng tay
Cạnh đám rẫy của bà Trần Thị Dũng là hơn 1.000 m2 trồng rau cải của chị Lâm Tam Giang. Những luống cải đang xanh tốt là thế giờ chuyển sang màu vàng úa. Với giá 16.000 đồng/kg cải, chị Giang cho biết gia đình mất gần 30 triệu đồng, gồm chi phí đầu tư cùng với lợi nhuận có thể thu được.
Ngoài những hộ trồng màu bị thiệt hại bởi những cơn mưa lớn kéo dài kết hợp với đợt triều cường, người nuôi tôm cũng bị ảnh hưởng. Anh Lâm Văn Kỷ, hộ nuôi tôm của xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu cho biết: Mực nước trên trục kênh thủy lợi đang tăng từng ngày. Nước dâng không chỉ làm ngập nhà cửa mà đang uy hiếp các ao tôm nuôi. Gia đình anh cũng như nhiều hộ khác ở đây đang phải be bờ, cơi nới thường xuyên nhằm ngăn không để nước bên ngoài tràn vào ao.
Không riêng gì xã Hiệp Thành, nhiều diện tích trồng rau màu thuộc các xã, phường nằm trong khu vực "vành đai xanh" của TP Bạc Liêu cũng bị ngập úng. Thống kê nhanh từ chính quyền địa phương các xã, phường, diện tích bị ảnh hưởng, thiệt hại ở những mức độ khác nhau lên đến hàng trăm ha.
Ông Lâm Vĩnh Chân - Chủ tịch UBND xã Hiệp Thành cho biết: Mưa lớn kéo dài đã tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của rau màu. Đáng tiếc là phần lớn diện tích rau màu bị thiệt hại sắp đến kỳ thu hoạch, bà con thiệt hại khá nặng nề.
Triều cường dâng cao kết hợp với mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa, hoa màu ở Cà Mau bị ngập úng. Gia đình anh Lê Văn Nào (ở khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh) có 1,5ha đất sản xuất lúa - tôm mới xuống giống được khoảng 1 tuần thì gặp mưa lớn kéo dài. Mực nước trong nội đồng liên tục dâng cao, ngập cả ngọn lúa. Cấy lúa trên đất nuôi tôm người dân thường không cấy sâu để tránh mặn nên bị thiệt hại gần như toàn bộ. “Giờ mỗi ngày tôi chỉ biết cầu mong trời mau hết mưa để tranh thủ bơm nước, cứu lúa” - anh Nào chia sẻ.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua trùng với thời điểm triều cường dâng cao nước trong các kênh rạch thông ra biển không rút được. Riêng tại huyện U Minh đã có hơn 5.100 ha đất lúa - tôm bị ngập. Anh Trần Văn Trung (ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) cho biết: “Mấy đêm rồi, đêm nào mưa cũng mưa lớn. Tôi cố gắng chạy máy bơm để cứu lúa nhưng tát không kịp, đành phải bỏ".
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay tại Cà Mau, thiên tai đã gây thiệt hại về tài sản ước khoảng 40,62 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ.
Chuyện ngập cục bộ do triều cường cũng không còn xa lạ với người dân TP Cần Thơ. Từ năm 2004 đến 2022, trên địa bàn thành phố ghi nhận có 12 năm đỉnh triều vượt báo động 3 và năm 2022 triều cường đạt mức lịch sử 2,27m, vượt báo động 3 là 27cm. Con nước rằm tháng 8 vừa qua cũng đạt đỉnh 2,13m (vượt mức báo động 3) cũng đã khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Cần Thơ ngập cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Vì sao các đô thị bị ngập?
Theo dự báo, các kỳ triều cường cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12 có nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngập lụt/úng trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, tình trạng ngập lụt/úng sẽ nguy hiểm hơn trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn. Ngoài ra, một thực tế đáng lo ngại hơn, dưới tác động của biến đổi khí hậu đã làm mực nước biển dâng nên những năm gần đây đỉnh triều liên tục phá vỡ kỷ lục, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Ông Tô Quốc Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, thông tin, bình quân triều cường khu vực biển Tây khoảng 1,2-1,3m. Tuy nhiên, có nhiều đợt triều cường lên đến 1,7-1,8m, thậm chí có thời điểm (2019-2020) đỉnh triều lên đến 2,2m. Không chỉ vậy, triều cường dâng kết hợp với sóng hơn 1m đã vượt qua đê biển tràn vào nội đồng.
“Hiện tượng triều cường cao bất thường trước đây cũng từng xảy ra nhưng chỉ thỉnh thoảng. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, triều cường dâng cao cục bộ, lại xảy ra liên tục dù chỉ trong vòng khoảng 30 phút nhưng để lại thiệt hại rất lớn” - ông Nam chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, một số đô thị vùng giữa ĐBSCL như Cần Thơ, Ngã Bảy, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông và nước lũ sông Mekong do đó thường hay bị ngập theo chu kỳ hằng năm vào khoảng tháng 8-9 âm lịch. Mực nước những ngày ngập là tổng của 3 thành phần gồm thủy triều từ biển Đông vào, nước lũ từ sông Mekong xuống và nước mưa nội vùng.
“Thủy triều biển Đông dao động theo ngày, theo tháng và theo năm. Một ngày có nước lớn, nước ròng; một tháng có 2 lần nước rong xung quanh ngày rằm và ngày 30, mỗi lần khoảng 3 ngày. Trong một năm, từ khoảng tháng 8 đến tháng 2 là những tháng có nước rong cao nhất. Tuy nhiên, các đô thị như Ngã Bảy, Vĩnh Long, Cần Thơ chỉ bị rủi ro ngập khoảng tháng 8, 9 bởi vì lúc đó trùng với kỳ nước lũ trên sông Mekong đổ về. Hai lượng nước này gặp nhau ở vùng giữa đồng bằng làm nước dâng cao” - chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nói và cho biết thêm tình hình ngập càng ngày càng nghiêm trọng hơn, năm sau cao hơn năm trước vì mấy yếu tố sau. Thứ nhất là nước biển dâng dù với tốc độ chậm chỉ khoảng 3mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm sẽ đáng kể. Thứ hai là toàn bộ ĐBSCL đang bị sụt lún nghiêm trọng với tốc độ trung bình 1.1cm/năm, trong đó vùng giữa đồng bằng ra bờ biển Đông sụt lún nhanh hơn. Tốc độ sụt lún ngày càng gia tăng.
Việc sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức. ĐBSCL được biết đến là một vùng đất sông nước với hệ thống sông ngòi chằng chịt và lượng nước ngọt dồi dào. Tuy nhiên nước sông ngòi dù dồi dào nhưng không còn sử dụng được cho sinh hoạt do ô nhiễm từ nhiều nguồn. Thứ ba là nước thiếu không gian lan tỏa. Nước từ trên thượng nguồn Mekong đổ về ngày trước có 2 cánh đồng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hấp thu mỗi bên là 9,2 tỷ m3, 10 tỷ m3 nước. Còn bây giờ nước sông Mekong về gặp những ô đê bao khép kín để làm lúa vụ ba thì nước không vào được nên đi xuống phía dưới Cần Thơ, Vĩnh Long gây ngập.
Sống chung hay ứng phó?
Trước diễn biến cũng như những dự báo kịch bản thời tiết từ đây đến cuối năm, một số tỉnh, thành đã chủ động phương án ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo ngập úng do mưa lớn kết hợp với triều cường, thông báo cho người dân biết để chủ động ứng phó…
Còn tại Bạc Liêu, ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, để chủ động ứng phó với 7 đợt triều cường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các đơn vị trực thuộc kiểm tra hệ thống cống; kiểm tra, gia cố bờ bao hạ lưu các cống dọc theo Quốc lộ 1. Đồng thời triển khai vận hành một số cống để ngăn triều cường, chống và ngăn mặn an toàn cho diện tích lúa Thu Đông, Đông Xuân trong tiểu vùng giữ ngọt ổn định; vận động nhân dân gia cố bờ bao ao, đầm, ruộng muối... để bảo vệ sản xuất.
TP Cần Thơ cũng đang thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (dự án 3) với kỳ vọng giải quyết được tình trạng ngập ở nội ô thành phố. Giải pháp là đầu tư các tuyến đê bao khép kín kết hợp với hệ thống âu thuyền, cống, trạm bơm để khi nước lớn hay trời mưa sẽ chủ động hơn trong công tác tránh nước từ phía ngoài tràn vào. Dự án khi hoàn thành sẽ giải quyết ngập cho hơn 2.800ha vùng lõi của hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
“Để ứng phó, có hai việc phải làm, đó là những đoạn nào xung yếu, ngập thường xuyên, có ảnh hưởng lớn thì có thể nâng cấp. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là nâng cấp đường thì nhà ngập và ngược lại - cuộc đua này không có điểm đến và tất cả đều thua. Ngoài ra, có thể nghĩ đến làm đê bao xung quanh để bảo vệ đô thị trong những lúc triều cường, nhưng cũng có mặt trái là dễ gây tù đọng, ô nhiễm bên trong và làm tăng ngập bên ngoài đê. Do đó, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn” - ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, về lâu dài thì phải giảm tốc độ sụt lún bằng cách giảm sử dụng nước ngầm. Muốn vậy, phải có nguồn nước thay thế. Theo đó, phải phục hồi sông ngòi để có thể sử dụng nước giống như cách đây 30 năm. Vấn đề là kiểm soát ô nhiễm và giảm bớt những công trình cản trở, để dòng chảy thông thoáng trở lại. Chìa khóa nằm ở nông nghiệp, phải cải cách nền nông nghiệp theo hướng giảm thâm canh, giảm phân bón, thuốc trừ sâu.
Thứ hai là tái tạo không gian cho nước lũ lan tỏa. Theo đó, ở thượng nguồn Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần giảm bớt lúa vụ 3 để cho lũ có thể tràn đồng cho đất nghỉ ngơi và hấp thu lũ, phù sa, thủy sản. Cuối cùng là cần nghĩ tới việc phục hồi không gian cho dòng sông để nước thủy triều lan tỏa. Càng nhiều đê sông thì nước trong lòng sông sẽ càng dâng cao.
Các kỳ triều cường cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12 có nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngập lụt/úng trên các khu vực thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL, tình trạng ngập lụt/úng sẽ nguy hiểm hơn trong trường hợp triều cường gặp mưa lớn.