Đổi mới ở vùng dân tộc thiểu số huyện Châu Đức
Sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), các chính sách hỗ trợ đã làm cho đời sống vùng đồng bào DTTS tại huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) có nhiều đổi thay tích cực.
Dồn lực thực hiện chương trình MTQG 1719
Huyện Châu Đức có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống rải rác khắp các xã, thị trấn. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số khoảng trên 2.200 hộ (chiếm tỷ lệ 5,79% dân số của huyện).
Thực hiện Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2022 – 2025, UBND huyện Châu Đức đã kịp thời ban hành quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG và xây dựng kế hoạch để tập trung thực hiện.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Ban Dân tộc tỉnh cùng sự phối hợp của các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nên việc triển khai thực hiện các dự án được thuận lợi, đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS hiện nay đã được cải thiện nhiều so với trước đây, số hộ khó khăn về nhà ở, chưa có nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất đã giảm đáng kể.
Ông Đào Văn Giả, Bí thư Chi bộ, kiêm Người có uy tín tại khu phố Vinh Thanh (Khu phố có đông đồng bào dân tộc Chơ Ro sinh sống), thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, phấn khởi cho biết: Những năm qua địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách cho bà con vùng đồng bào DTTS. Các con đường đều khang trang, từ đường lớn cho tới ngõ hẻm. Đặc biệt 2 năm nay chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu cụ thể từng hộ để lên kế hoạch hỗ trợ về nhà ở theo nguồn vốn của chương trình.
Nỗ lực xóa nghèo
Được biết, tính riêng năm 2022, riêng về đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bố trí hơn 198 tỷ đồng để đầu tư 58 công trình thuộc vùng DTTS. Trong đó, 30 công trình đường giao thông với kinh phí gần 164 tỷ đồng; 20 công trình nước sinh hoạt dài hơn 43km - kinh phí 21,7 tỷ đồng; 8 công trình điện dài gần 10km - kinh phí 11,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ trực tiếp như : xây mới 46 căn nhà ở; sửa chữa 28 căn; xây dựng 65 nhà vệ sinh; nghiệm thu lắp nước sinh hoạt cho 62 hộ; lắp đồng hồ điện sinh hoạt cho 11 hộ; hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa cho 1.573 em học sinh; cấp con giống phát triển chăn nuôi cho 20 hộ…
Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mà hiện nay địa phương cơ bản giải quyết được những khó khăn, đáp ứng được nhiều nhu cầu bức thiết của người dân. Đặc biệt, ý thức của bà con đã được nâng cao, hạn chế được tư tưởng trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vay vốn đối ứng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và đóng góp ngày công lao động, cùng với nguồn vốn Nhà nước để đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện hiệu quả, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Lộc phấn khởi chia sẻ thêm: Với những kết quả đã đạt được, huyện Châu Đức mạnh dạn đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa 119 hộ thoát nghèo, đến cuối năm 2023 trên địa bàn huyện sẽ không còn hộ nghèo đồng bào DTTS. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong năm 2023 và những năm tiếp theo nhằm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện theo hướng ngày một nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hiện Châu Đức đang ưu tiên mọi nguồn lực với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi thay toàn diện vùng đồng bào DTTS.