Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển khoa học công nghệ

H.Giang 14/10/2023 07:00

Ngày 13/10, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XVI (gồm: thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan triển lãm gian hàng trưng bày sản phẩm khoa học, công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, chính sách phát triển KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, KH&CN và đổi mới sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều chính sách thiết thực, sát với thực tiễn của vùng hơn nữa để KH&CN thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

"Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các hội đồng điều phối vùng nhằm đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế-xã hội của các vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Phát triển KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần bám sát quan điểm đẩy mạnh liên kết vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng, mang lại hiệu quả, giá trị bền vững", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023-2025 và định hướng những năm tiếp theo; đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở địa phương, trong đó có vấn đề liên quan đến xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đang bị vướng bởi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, sự phát triển của KH&CN và đổi mới sáng tạo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,88%/năm, năm 2022 tăng trưởng 8,94%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước. Minh chứng cho thấy hoạt động KH&CN ngày càng gắn bó với sản xuất và đời sống, nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng nhanh những tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, để phát triển KH&CN trong vùng thời gian tới, các địa phương cần thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm về KH&CN, đổi mới sáng tạo, khẳng định rõ nét vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội nhanh, bền vững của từng địa phương trong vùng.

Đồng thời, cần có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN để các địa phương cân đối bảo đảm chi tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là chi triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, các sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, đối ứng của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập tại địa phương; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển một số trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học trong vùng; hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng để phát triển thành những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, trong đó tập trung hình thành các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ; kết nối và phát huy hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ của vùng với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế. Triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) tại các địa phương trong vùng…

Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nội vùng và với các vùng khác trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương…

H.Giang